Năm Tân Sửu nói về con trâu trong những bức tranh Đông Hồ
(Dân trí) - Năm mới Tân Sửu, hãy cùng tìm hiểu về những bức tranh trâu được lưu giữ từ xa xưa ở làng tranh Đông Hồ.
Hầu hết các sản phẩm tranh Đông Hồ đều phục vụ Tết truyền thống, người dân mong muốn điều gì trong năm mới thì sẽ mua những bức tranh chuyển tải những ý nghĩa đó. Cầu mong vinh hoa phú quý thì treo tranh vinh hoa phú quý, cầu mong gia đình hạnh phúc thì treo tranh hứng dừa, gà thư hung, mong muốn 4 mùa thuận hòa thì treo tranh tứ quý, tứ bình.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) là một trong 3 nghệ nhân còn lưu giữ nghề làm tranh Đông Hồ. Ông thành thạo và nắm rõ các bí quyết làm tranh Đông Hồ từ tạo mẫu, khắc ván và kỹ thuật in tranh. Tác phẩm của ông sống động, thể hiện được chiều sâu của đề tài.
Trải qua bao thăng trầm, chợ tranh ngày Tết đã biến mất ở làng tranh Đông Hồ, nhưng thú chơi tranh vẫn còn nguyên giá trị. Thông thường cứ đến tháng 12 Âm lịch, lượng khách đổ về Đông Hồ tham quan, mua sắm tranh Đông Hồ về chơi Tết.
Đón năm mới Tân Sửu, hãy cùng nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả điểm lại ý nghĩa của những bức tranh trâu đã có từ thời xa xưa.
Con trâu đứng thứ 2 trong 12 con giáp. Con trâu xuất hiện rất nhiều trong tranh Đông Hồ như: Trâu diều, trâu sáo, chọi trâu, hiếu học…ghi lại cuộc sống của người dân thời xa xưa.
Tranh trâu thả diều
Trên bức tranh có 5 chữ "Nhất tướng phúc lộc điền" - được mùa nhất người nông dân, cầu mong cuộc sống bình yên no đủ cho mọi gia đình.
Người và trâu hòa quyện vào nhau, nên chân của con trâu dường như cũng bay bổng cùng cánh diều, đây là nghệ thuật của cha ông ta ngày xưa. Người nông dân khi được mùa với ước vọng sướng như ông vua ông quan.
Tranh trâu thổi sáo
Trên tranh có 5 chữ "Hà diệp cái thanh thanh" - cái lá sen màu xanh. Lá sen xanh mát liên tưởng đến cảnh thanh bình, yên ả của làng quê xưa. Khí hậu trong lành, con người rất mến yêu cuộc sống này.
Lá sen thay cho lọng tre, thể hiên mơ ước thành đạt bởi ngày xưa chỉ vua quan mới được che lọng che ô. Trong bức tranh này, 1 trẻ mục đồng cũng mơ ước thành đạt trong cuộc sống, lấy lá sen làm lọng tre.
Trâu trong bức tranh này vừa ngộ nghĩnh đáng yêu, vừa phù hợp với người ngồi trên lưng nó - là chú bé khôi ngô, khỏe mạnh - một thế hệ nối tiếp của người nông dân. Trâu và người nông dân, trâu và người tuy hai mà một, trâu giúp cho nhà nông công việc đồng áng, đồng thời là một người bạn chân thành của họ.
Tranh hiếu học
Bức tranh mô tả 1 em bé vừa chăn trâu vừa đọc sách, thể hiện sự hiếu học. Ngày xưa điều kiện khó khăn, những đứa trẻ ở vùng thôn quê vừa phụ bố mẹ giã gạo, vừa chăn trâu cắt cỏ mà vẫn rất hiếu học. Nói lên ý chí vươn lên của người trẻ, dù khó khăn vẫn cố gắng học tập, tiếp thu tri thức để vươn lên trong cuộc sống.
Tranh hội chọi trâu
Con trâu là đầu cơ nghiệp, nó gắn chặt với sản xuất nông nghiệp truyền thống, là sức lao động quan trọng. Nhà nông muốn phát triển nông nghiệp cần phải có những con trâu khỏe.
Trên bức tranh có lá cờ ghi dòng chữ "Hội chí lầu". Phía sau hai con trâu là hai tấm bảng có chữ "Đông xã" và "Tống xã". Tranh "Chọi trâu" còn có một dị bản, về hình thức tương đối giống nhau, nhưng ý nghĩa có ít nhiều thay đổi.
Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả: "Hội thi chọi trâu thể hiện cho mơ ước về cuộc sống hòa bình của người nông dân".
Tranh mở hội xuống đồng
Tranh mở hội xuống đồng có tên "Nông sự khai cơ" hay còn gọi là ngày hội "Tịch điền" thường được diễn ra vào mùng 4 Tết để khởi động 1 năm sản xuất nông nghiệp mới.
Lễ Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.