Năm hổ bàn chuyện "dở khóc, dở cười" khi đóng phim với chúa sơn lâm

Mi Vân

(Dân trí) - Trên màn ảnh thế giới, không ít lần, chúa sơn lâm cũng xuất hiện và tham gia như một diễn viên thực thụ. Việc hợp tác với chúa sơn lâm khiến các diễn viên vừa thấy căng thẳng, vừa thấy thú vị.

Hổ tượng trưng cho sự dũng mãnh và khó thuần phục. Vậy nên, các tác phẩm có sự tham gia của các chúa sơn lâm đều thu hút sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, để có những cảnh quay chân thực, khi không sử dụng kỹ xảo, người diễn viên đôi khi phải đối mặt với nhiều khó khăn và nguy hiểm với chính tính mạng. 

Mạo hiểm cưỡi hổ thật trên màn ảnh 

Năm 1998, bộ phim truyền hình kinh điển của Trung Quốc - Thủy hử từng gây ấn tượng với cảnh Võ Tòng đánh hổ. Hổ trong phim là hổ thật. Do vậy, khi hiệu ứng kỹ xảo chưa phát triển, nhiều cảnh phim phải dựa vào sức người để hoàn thành. Vì thế, nam diễn viên Đinh Hải Phong (vai Võ Tòng) phải liều cả mạng sống để mang đến cho khán giả cảnh phim chân thực nhất. 

Năm hổ bàn chuyện dở khóc, dở cười khi đóng phim với chúa sơn lâm - 1

Đóng phim với hổ thật là một sự mạo hiểm với người diễn viên (Ảnh: Sina).

Theo nguồn tin của đài CCTV, con hổ trong Thủy hử thuộc dòng Bengal 3 tuổi, được thuê từ một vườn thú. Trong cảnh quay nhân vật Võ Tòng cưỡi hổ và thực hiện vài cú đá đấm, con hổ bất ngờ hất nam diễn viên Đinh Hải Phong xuống đất và đè hai chân trước lên mặt anh. 

Sau sự cố này, nam diễn viên bị thương trên mặt. Anh được sơ cứu vết thương và lại quay tiếp. Đoàn phim đã mất gần một tuần để thực hiện cảnh này. Sau mỗi ngày quay, quần áo của Đinh Hải Phong đều bị móng vuốt hổ cào rách tươm.

Được biết, để thực hiện cảnh quay mạo hiểm này, ở trường quay lúc đó chỉ có nam diễn viên Đinh Hải Phong, con hổ, đạo diễn và quay phim. Sau này, Đinh Hải Phong chia sẻ về cảnh quay đáng nhớ trong sự nghiệp: "Khi đó, tôi còn trẻ nên không nghĩ đến hậu quả. Hơn nữa vất vả bấy lâu, bỏ ra bao nhiêu tâm huyết, cảnh cuối cùng nhất định phải diễn thật".

Nam diễn viên Đinh Hải Phong là người duy nhất trong đoàn phim được mua bảo hiểm với số tiền là 100 nghìn nhân dân tệ (khoảng 355 triệu đồng).

Năm hổ bàn chuyện dở khóc, dở cười khi đóng phim với chúa sơn lâm - 2

Nam diễn viên Đinh Hải Phong thực hiện cảnh quay vật lộn với hổ thật trong "Thủy Hử" (Ảnh: Sohu).

Sự nỗ lực và mạo hiểm của Đinh Hải Phong đã được đền đáp khi đến nay, nhân vật Võ Tòng do anh thể hiện được xem là kinh điển trên màn ảnh. Đặc biệt, cảnh Võ Tòng đánh hổ trong Thủy Hử cũng trở thành phân cảnh kinh điển, nổi tiếng trong phim. 

Câu chuyện chấp nhận mạo hiểm với nghề của Đinh Hải Phong sau này khiến nhiều đàn em và khán giả khâm phục. Anh đã thể hiện được tính chuyên nghiệp của một diễn viên khi nỗ lực tái hiện sự chân thực của nguyên tác.

Trong một phiên bản Võ Tòng khác của Tân Thủy hử (năm 2011), nam diễn viên Trần Long cũng phải đóng phim với hổ gần nửa tiếng. Nam diễn viên kể lại: "Xuất hiện trong phim tổng cộng có 3 con hổ, một con là hổ nhồi bông, một con là do nhân viên giả dạng. Hai con hổ này xuất hiện trong những cảnh đấu vật với tôi. Còn con hổ thật duy nhất là bị tôi đánh. Con hổ đó được đoàn phim thuê từ rạp xiếc. Con hổ dù hơi lớn tuổi nhưng vẫn chỉ là một con vật. Khi nó nổi cáu không ai lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra".

Theo yêu cầu của đạo diễn, Trần Long được đặt lên lưng con hổ và đấm nó mười mấy phút. Nam diễn viên kể lại, để quay cảnh này, anh và con hổ bị nhốt trong một chiếc lồng khoảng nửa tiếng còn nhân viên thì ở bên ngoài. Do trang phục của anh có màu đỏ nên kích thích con hổ, khiến nó nổi giận và tấn công Trần Long. Nam diễn viên thừa nhận, đó là kỷ niệm đóng phim kinh sợ nhất với anh và cho rằng bản thân bị đối xử bất công.  

Năm hổ bàn chuyện dở khóc, dở cười khi đóng phim với chúa sơn lâm - 3

Trần Long vào vai Võ Tòng trong "Tân Thủy hử" (năm 2011) (Ảnh: Sina).

Nỗi sợ khi phải ngủ chung giường với hổ

Trong bộ phim Cướp hổ (Tiger Robbers), nữ diễn viên Tống Giai vào vai một cô gái trẻ nuôi một chú hổ tên Nana. Trong phim, để thể hiện sự thân thiết của hổ và chủ, nhân vật Nana có cảnh ngủ cùng giường với hổ và cảnh này được quay thật.

Tống Giai thừa nhận, cô rất sợ và căng thẳng khi diễn cảnh này. Đạo diễn phải không ngừng trấn an Tống Giai, khuyên cô thả lỏng, đừng căng thẳng để có thể hoành thành cảnh quay sớm. 

Để thực hiện cảnh quay này, đoàn phim chuẩn bị năm con hổ thật. Trong đó, một con hổ Bengal vốn là siêu sao hổ của Hollywood và từng góp mặt trong tác phẩm nổi tiếng, cảm động Two Brothers của đạo diễn Jean-Jacques Arnault. 

Năm hổ bàn chuyện dở khóc, dở cười khi đóng phim với chúa sơn lâm - 4

Nữ diễn viên Tống Giai vượt qua nỗi sợ để diễn cảnh ngủ chung giường với hổ thật trong "Tiger Robbers" (Ảnh: IMDB).

Khi quay cảnh phim này, Tống Giai mặc bộ trang phục màu nhạt để không thu hút sự chú ý của con hổ. Trong cảnh này trên màn ảnh, Tống Giai dành cho con hổ ánh mắt trìu mến nhưng để có hình ảnh ngọt ngào này, nữ diễn viên đã phải vượt lên nỗi sợ của bản thân. 

Sự phát triển của công nghệ giúp việc ghi hình "ông ba mươi" dễ dàng hơn

Trong tập 11 của Tây du ký (năm 1986), nhân vật Đường Tăng bị yêu quái biến thành hổ và sau đó được Tôn Ngộ Không làm phép biến lại thành người. Để thực hiện cảnh quay ngắn vài giây này, đoàn làm phim sử dụng hổ thật. 

Ban đầu, đoàn làm phim quay hình một con hổ thật ở vườn bách thú. Họ ghi hình trong nửa ngày nhưng không ưng ý. Sau đó, họ lại ghi hình một con hổ trong đoàn xiếc ở Thượng Hải. Nhà quay phim phải chờ đợi nhiều ngày để có được hình ảnh như mong muốn. Sau đó, họ sử dụng kỹ xảo để ghép lên màn ảnh.

Do kỹ xảo cắt ghép những năm 80 còn thô sơ, lạc hậu nên khi hình ảnh này lên phim, khán giả vẫn thấy dấu vết cắt ghép hình ảnh. Điều này không còn xảy ra với những bộ phim thời hiện đại khi công nghệ được sử dụng linh hoạt và ưu việt. 

Năm hổ bàn chuyện dở khóc, dở cười khi đóng phim với chúa sơn lâm - 5

Hổ trong bộ phim nổi tiếng "Life of Pi" (Cuộc đời của Pi) là sự kết hợp giữa hình ảnh hổ thật và hổ kỹ xảo (Ảnh: News).

Ví dụ như bộ phim Life of Pi (Cuộc đời của Pi) của đạo diễn Lý An cũng lấy nhân vật trung tâm là một chú hổ và hành trình sinh tồn của một người, một hổ trên một chiếc bè. Được biết, hình ảnh hổ trong phim phần lớn sử dụng kỹ xảo điện ảnh và chỉ có 18 cảnh dùng hổ thật.

Bill Westenhofer - người từng hai lần đoạt giải Oscar hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc và cũng là người tạo nên những thước phim tuyệt đẹp trong Life of Pi cho biết, dùng hổ thật để quay có độ khó rất cao, cách tốt nhất là dùng hổ thật xen kẽ với hổ kỹ thuật số để đánh lừa thị giác của khán giả.

Cuối cùng, bộ phim Life of Pi chỉ có 18 cảnh dùng hổ thật, những cảnh còn lại đều là hổ kỹ thuật số. Tuy nhiên, để có những cảnh quay chân thực, ê kíp thực hiện bộ phim đã phải sống chung với con hổ suốt hai tháng liền, quan sát hành vi cử chỉ của nó để có những hình ảnh sinh động nhất trên màn ảnh. 

Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, việc cắt ghép hình ảnh ngày càng trở nên chân thật và giảm bớt nguy hiểm với diễn viên. 

Trailer của bộ phim "Life of Pi"

Theo Theo Sina/India TV