Năm Đinh Dậu, xem lại những chú gà nổi tiếng trong điện ảnh
(Dân trí) - “Phi đội gà bay” và “Chị gà mái thích phiêu lưu” là hai bộ phim đáng xem lại trong những ngày đầu năm Đinh Dậu.
“Phi đội gà bay” và lòng dũng cảm dám đổi thay
Bà chủ trại gà Tweedy thực dụng và lạnh lùng, rất tính toán, tất cả chỉ phục vụ mục đích lợi nhuận. Ở đầu phim, bà ta đã loại ra một chị gà mái không còn có thể đẻ trứng đều đặn cho bà được nữa. Ngay lập tức số mệnh của chị được quyết định bằng một động tác lạnh lùng và dứt khoát với dụng cụ hỗ trợ là… một chiếc rìu.
Ngay từ đầu phim, đã có một chị gà mái bị kết liễu, đàn gà trong trang trại tất thẩy đều run rẩy khi nghe tiếng rìu vung lên rồi hạ xuống, một đồng loại của đàn gà vĩnh viễn ra đi…
Vấn đề đặt ra là cả câu chuyện sống còn đối với đàn gà, chúng cần thiết phải chốn thoát khỏi bàn tay của bà chủ trại gà Tweedy… “Phi đội gà bay” (Chicken Run - 2000) là một phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ nhỏ. Phim sử dụng đàn gà như một hình ảnh ẩn dụ đại diện cho niềm hy vọng và nỗi sợ hãi trong mỗi con người.
Ai cũng mong muốn có được tương lai tốt đẹp hơn, ai cũng có lúc mệt mỏi với những nhịp điệu đều đều không có gì đột phá, ai cũng có lúc mơ ước về sự đổi thay, về một trang mới rực rỡ, ý nghĩa, hấp dẫn, thú vị hơn trong cuộc đời…
Khi những chú gà liên tục trải qua hết cuộc đào tẩu thất bại này đến cuộc chạy chốn hỏng bét khác, sức hấp dẫn từ một sự đồng cảm mơ hồ dần dần lôi cuốn người xem - những người lớn trưởng thành.
Thoạt tiên, đa phần đàn gà đều hạnh phúc và thấy không có vấn đề gì với việc bị cầm giữ trong trại, hàng ngày chúng được cho ăn đầy đủ và đúng bữa, chỉ riêng chị gà mái Ginger là không chịu an phận, chị ta cố gắng đào tẩu hết lần này đến lần khác, dù luôn luôn thất bại. Ginger thường xuyên bị quẳng vào hầm than như bài học trừng phạt dành cho chị - cô gà nổi loạn.
Quyết tâm tẩu thoát của Ginger càng trở nên quyết liệt khi bà chủ trại gà quyết định ngưng việc bán trứng đã không còn sinh lợi nhiều nữa, thay vào đó, bà muốn chuyển sang thực hiện dây chuyền làm bánh gà tự động, bà có ý định biến cả đàn gà trở thành nguyên liệu phục vụ giấc mơ làm giàu nhanh chóng của mình.
Vị cứu tinh của đàn gà đang trong cơn hoảng loạn bất ngờ xuất hiện - Rocky “chú gà trống biết bay”. Thực ra, Rocky chỉ là một chú gà đang trên đường tẩu thoát khỏi một gánh xiếc, nơi chú thường xuyên bị sử dụng làm công cụ phục vụ cho các tiết mục nguy hiểm. Nhiệm vụ của Rocky là dạy cho đàn gà… biết bay để trốn thoát khỏi cỗ máy bánh gà sắp được hoàn thiện.
Người xem ai cũng hiểu, gà nhà biết bay chẳng khác gì… lợn biết leo cây. Kế hoạch viển vông sụp đổ cũng chính là bài kiểm tra tâm lý đối với đàn gà, khi lần đầu tiên, những chú gà vốn đã ngủ quên quá lâu trong dây chuyền nuôi gà công nghiệp, giờ được một lần thực sự đối diện với tình cảnh của mình, được nhìn vào nội tâm mình để thấy những điều trước nay còn ẩn giấu.
“Phi đội gà bay” là một bộ phim hoạt hình khó đoán, không hề được thực hiện theo kiểu dễ xem, dễ cảm như nhiều bộ phim hoạt hình khác vốn dành cho trẻ nhỏ, trong phim, có những lúc người xem thực sự nản lòng trước viễn cảnh u tối của đàn gà, ở đó, chúng ta thấy cả sự nản lòng của chính mình một đôi khi, bởi ai cũng có lúc đối diện với sự bế tắc: Muốn đổi thay không dễ.
Một trong những vẻ đẹp của “Phi đội gà bay” chính là cách các nhân vật gà được khắc họa đa dạng, khác biệt, có chiều sâu tính cách, mỗi nhân vật đều có nét riêng, không hề nhàm nhạt. “Phi đội gà bay” cũng không đơn thuần là một câu đố xoay quanh kế hoạch tẩu thoát của đàn gà.
Hơn thế, đó là bộ phim hoạt hình thể hiện sự thấu hiểu bản chất con người với tất cả những thói quen, nhịp sống đã được định hình, với sức ì, sự ngại thay đổi, và mặc dù đôi khi có nhìn ra, với khát khao đổi thay, nhưng bản thân chúng ta lại nghi ngại chính mình và thiếu lòng tin, thiếu quyết tâm để làm nên đột phá.
“Phi đội gà bay” không chỉ hài hước, sáng tạo và trí tuệ, đó còn là một bộ phim ấm áp và nhân văn, dịu dàng và cảm động. Một bộ phim thực sự chứa đựng tình yêu thương đối với tâm hồn người xem, để khi khuôn hình cuối cùng khép lại, bạn sẽ cảm thấy thực sự vui tươi và hy vọng. Thật vậy, một niềm tin lạc quan để làm nên một điều gì đó mới… như “Phi đội gà bay”.
“Phi đội gà bay” (Chicken Run - 2000)
“Cô gà mái thích phiêu lưu” và sự can đảm chiến thắng định kiến
“Leafie, a Hen Into the Wild” (Cô gà mái thích phiêu lưu - 2011) là một bộ phim hoạt hình đẹp đẽ và cảm động của điện ảnh Hàn Quốc xoay quanh tình mẫu tử. Chuyện phim nói về tình yêu thương vô điều kiện của người mẹ, về khao khát sống tự do cùng ý chí mạnh mẽ của cô gà mái Leafie.
Tại thời điểm ra mắt, đây là bộ phim hoạt hình lập kỷ lục phòng vé tại Hàn Quốc khi thu hút tới hơn 2,2 triệu lượt khán giả ra rạp xem phim. “Cô gà mái thích phiêu lưu” đã trở thành bộ phim hoạt hình Hàn Quốc thành công nhất trong lịch sử điện ảnh xứ sở kim chi. Phim cũng được yêu thích tại nhiều quốc gia Châu Á khác.
Những thử thách khó khăn mà gà mái Leafie phải trải qua để có thể nuôi lớn vịt con Greenie khiến những người xem trưởng thành thực sự tìm thấy niềm đồng cảm, đặc biệt, nếu họ đã làm cha, làm mẹ. Không có hành trình nào vừa ngọt ngào vừa gian nan như hành trình trở thành một người mẹ, một người cha.
Trong “Cô gà mái thích phiêu lưu”, có những câu chuyện cảm động về hành trình gà mái Leafie nuôi lớn vịt con Greenie, khiến người xem tìm thấy tâm sự của chính mình trong đó. Bộ phim hoạt hình dành cho trẻ nhỏ nhưng hấp dẫn với cả người xem trưởng thành bởi chuyện phim đủ chiều sâu tinh tế.
Ngược lại, phim cũng rất thu hút trẻ nhỏ bởi có nhiều cảnh hành động thú vị diễn tiến với tốc độ nhanh, hấp dẫn, nghẹt thở. “Cô gà mái thích phiêu lưu” là một phim giải trí nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nhiều nội dung sâu sắc về tình mẫu tử, tình yêu thương vô điều kiện, về can đảm vượt lên định kiến để sống hết mình với những giá trị mà mình tin tưởng…
Cô gà mái Leafie vốn sống trong một nông trại chuyên cung cấp trứng. Bản năng làm mẹ thức dậy trong Leafie, cô khao khát có thể một lần được ấp nở những quả trứng do mình đẻ ra, nhưng nhiệm vụ của Leafie mãi mãi dừng lại ở vai trò của một cô gà mái đẻ trứng, người ta không để lại cho cô bất cứ một quả trứng nào.
Vì những sự biến động tình cờ, Leafie có cơ hội được thoát ra khỏi trại gà, lang thang trong thế giới hoang dã, thoát khỏi nanh vuốt của chồn một mắt, gặp được anh vịt trời tốt bụng… Đáp lại lòng tốt của vịt trời, gà mái Leafie đã nhận nuôi con trai anh, sau khi vợ chồng vịt trời đều chết dưới tay chồn một mắt. Bắt đầu từ đây, gà mái Leafie trở thành mẹ của vịt con Greenie.
Không ngạc nhiên khi Greenie lớn lên với những khủng hoảng tâm lý ở tuổi trưởng thành, khi sự khác biệt giữa mẹ Leafie và cậu càng lúc càng không thể khỏa lấp. Mẹ không thể dạy cậu biết bay, biết bơi như những vịt trời khác… Phim khắc họa cảm động hành trình khó khăn của gà mái Leafie để làm tròn bổn phận của một người mẹ bằng tất cả khả năng xoay xở.
Phần kết buồn mà tất cả chúng ta đều có thể dự đoán trước, đó là khi Greenie thực sự trưởng thành và phải sống cuộc đời của riêng chú, cuộc đời của một chú vịt trời đích thực, giữa đồng lại của mình.
Lúc này, người xem lại thổn thức trước hoàn cảnh của Leafie, khi lòng yêu thương vô điều kiện của cô gà mái giờ đòi hỏi cô phải chấp nhận buông tay đứa con đã trưởng thành, đang sẵn sàng rời tổ. Đó cũng là tâm sự chung của nhiều bậc phụ huynh khi dần chứng kiến con cái trưởng thành và có cảm giác con đang từng ngày bước ra ngoài vòng tay yêu thương bao bọc của mình.
“Cô gà mái thích phiêu lưu” có những cảnh hành động diễn tiến với tốc độ nhanh, chuyện phim thực tế, đặc biệt là vẻ đẹp của những thước phim. Những khung cảnh trong phim được khắc họa sinh động theo phong cách tranh màu nước là một điểm cộng cho vẻ đẹp thẩm mỹ.
Tình yêu thương vô điều kiện mà Leafie dành cho Greenie, những rào cản mà cô phải vượt qua trong hoàn cảnh trái ngang của gà mái mẹ nuôi lớn vịt đực con, những hy sinh cho tương lai hạnh phúc của Greenie bất chấp tất cả đau đớn nhận về phần mình… “Cô gà mái thích phiêu lưu” rất có thể sẽ khiến bạn rơi nước mắt.
Phim không hề mang “màu hồng cổ tích”, chuyện phim tuân theo những quy luật thực tế của sinh tồn với vòng tuần hoàn sinh diệt, phần kết của phim sẽ khiến nhiều người xem bàng hoàng, sửng sốt. Dường như đó không phải cái kết được chờ đợi cho một bộ phim hoạt hình.
Bối cảnh phim trải qua 4 mùa, kết thúc bằng một vòng đời của cô gà mái Leafie, rời mắt khỏi khuôn hình cuối cùng, người xem sẽ có nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng chắc chắn không thiếu cảm nhận ấm áp.
Bởi tất cả chúng ta, mỗi ngày trong cuộc sống của mình, cũng đều hết lòng tận tụy, vì người thân, vì gia đình, mỗi chúng ta, suy cho cùng, cũng đều lần lượt là những “Leafie”. Điều quan trọng, là hãy sống hết mình vì những giá trị mà mình tin tưởng.
Trailer phim “Leafie, a Hen Into the Wild” (Cô gà mái thích phiêu lưu - 2011)
Bích Ngọc
Tổng hợp