"Mừng tuổi" xưa và nay trong văn hóa Á Đông

Bích Ngọc

(Dân trí) - Ở Châu Á, bên cạnh Việt Nam còn có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng có tục "lì xì" mừng tuổi đầu năm. Tục lệ lâu đời này bắt nguồn từ đâu và đang được duy trì như thế nào?

Vẻ đẹp của tục lệ mừng tuổi đầu năm

Đón Tết âm lịch là nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam nói riêng và người dân ở một số quốc gia Châu Á nói chung. Trong dịp đầu năm, một tục lệ quen thuộc, mang nhiều ý nghĩa đẹp đẽ, vốn tồn tại lâu đời trong đời sống văn hóa của người dân ở Châu Á, đó là tục lệ mừng tuổi đầu năm, hay còn gọi là "lì xì", "mừng tuổi".

Phong bao mừng tuổi tượng trưng cho lời chúc may mắn mà người tặng gửi tới người nhận. Nhận được hay cho đi nhiều phong bao lì xì trong ngày Tết đều được coi là điều may mắn.

Mừng tuổi xưa và nay trong văn hóa Á Đông - 1

Đón Tết âm lịch là nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam nói riêng và người dân ở một số quốc gia Châu Á nói chung (Ảnh: Refinery 29).

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ở ý nghĩa tốt đẹp của hành động trao tặng. Người ta quan niệm tiền lì xì nên là một con số "tròn trịa", may mắn, không nên là một con số "lẻ loi", hay con số "không hên".

Dù vậy, người ta tuyệt đối tránh con số 4, bởi quan niệm dân gian ở một số quốc gia Á Đông cho rằng số 4 là con số không may.

Không biết tục "lì xì" đã ra đời từ bao giờ nhưng nó đã được lưu truyền từ năm này sang năm khác và đến giờ vẫn được gìn giữ như một nét văn hóa đẹp. Trong ngày đầu năm, người ta đi chúc Tết người thân, họ hàng, bạn bè, thăm hỏi lẫn nhau và sẽ không quên mừng tuổi người già, trẻ nhỏ.

Màu đỏ của chiếc phong bao tượng trưng cho sự may mắn, đỏ đắn. Hình ảnh chiếc phong bao còn tượng trưng cho sự kín đáo tế nhị và niềm vui bất ngờ thú vị. Chiếc phong bao là một cách ứng xử tinh tế của người Á Đông khi người tặng không muốn có sự so bì, tị nạnh giữa những người được nhận.

Thường người ta sử dụng những tờ tiền mới để mừng tuổi đầu năm. Tiền mới tượng trưng cho sự mới mẻ, một khởi đầu mới "tinh tươm". Khi được nhận lì xì, văn hóa ở nhiều nước phương Đông quy định ngầm rằng người nhận chỉ được mở phong bao một cách kín đáo, sau khi không còn người trao tặng ở đó nữa, để thể hiện phép lịch sự.

Tục lệ "mừng tuổi" ở một số quốc gia Á Đông

Ở Trung Quốc, vào dịp đầu năm, nếu có trẻ nhỏ "vòi" tiền mừng tuổi, người lớn không bao giờ từ chối bởi nếu làm như vậy, cả năm sẽ không may mắn.

Những chiếc phong bao mừng tuổi cho trẻ nhỏ sẽ được giao cho trẻ cất giữ trong suốt những ngày Tết, sau khoảng một tuần, mới mở ra. Ở một số nơi tại Trung Quốc, trẻ nhỏ được giữ phong bao lì xì trong suốt cả năm với niềm tin rằng những chiếc phong bao đỏ này sẽ bảo vệ cho đứa trẻ trong suốt cả năm đó.

Số tiền này không được phép tiêu đến cho tới tận cuối năm. Lúc này, tiền sẽ được lấy ra để mua quà bánh, quần áo mới cho trẻ nhỏ.

Mừng tuổi xưa và nay trong văn hóa Á Đông - 2

Ở Trung Quốc, vào dịp đầu năm, nếu có trẻ nhỏ "vòi" tiền mừng tuổi, người lớn không bao giờ từ chối bởi nếu làm như vậy, cả năm sẽ không may mắn (Ảnh: Refinery 29).

Tại Trung Quốc, dưới thời nhà Hán, người ta đúc một loại tiền xu may mắn, gọi là "áp thắng tiền". Đồng tiền này có khắc những câu chúc may mắn trên đó, dù không thể tiêu bởi không phải đồng tiền lưu hành, nhưng vì ý nghĩa may mắn, nên những đồng "áp thắng tiền" này rất được ưa chuộng, với niềm tin rằng nó giúp cho người sở hữu tránh khỏi đau ốm, vận rủi.

Kể từ đó, tục lệ tặng tiền mừng tuổi vào dịp năm mới âm lịch bắt đầu xuất hiện, người Trung Quốc sẽ vừa tặng tiền (những đồng tiền lưu hành, có thể... tiêu được) vừa chúc những lời tốt đẹp trong ngày đầu xuân, với mong muốn tiền mừng tuổi sẽ mang tới sức khỏe, may mắn cho người già, trẻ nhỏ.

Với ý nghĩa tốt đẹp đó, tục lệ mừng tuổi người già, trẻ nhỏ dần dần hình thành và trở thành một tục lệ không thể thiếu trong những ngày đầu xuân, với niềm tin đây sẽ là tiền may mắn, đưa lại phúc lộc, đỏ đắn trong năm mới cho người nhận.

Thuở xưa, người ta dùng sợi chỉ đỏ buộc vào những đồng tiền xu để mừng tuổi, về sau này, sợi chỉ đỏ may mắn được thay thế bằng chiếc phong bao đỏ.

Mừng tuổi xưa và nay trong văn hóa Á Đông - 3

Thuở xưa, người ta dùng sợi chỉ đỏ buộc vào những đồng tiền xu để mừng tuổi, về sau này, sợi chỉ đỏ may mắn được thay thế bằng chiếc phong bao (Ảnh: Refinery 29).

Ở Hàn Quốc, tiền mừng tuổi thường được họ hàng dành tặng cho trẻ nhỏ vào dịp năm mới. Người ta dùng phong bao màu trắng và tên của em bé được nhận sẽ được viết trên mặt sau của phong bao.

Ở Nhật Bản, tục lệ này cũng diễn ra tương tự như ở Hàn Quốc, dù người Nhật Bản đón năm mới theo dương lịch. Món tiền mừng tuổi được người thân, họ hàng dành tặng cho trẻ nhỏ trong ngày đầu năm. Tiền được đựng trong phong bao trắng giản dị hoặc phong bao có trang trí và cũng đề tên của em bé được nhận, tên có thể viết ở mặt trước hoặc mặt sau phong bao.

Văn hóa "mừng tuổi chuyển khoản" trong bối cảnh hiện nay

Giờ đây, khi chuyển khoản đã trở nên rất dễ dàng, thuận tiện, nhiều người lựa chọn mừng tuổi bằng cách chuyển khoản có kèm thiệp mừng trên các ứng dụng chuyển tiền thông minh.

Mừng tuổi bằng cách chuyển khoản đã trở nên phổ biến hơn kể từ giữa thập niên 2010. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc đi lại, gặp gỡ có nhiều hạn chế, dự báo, mừng tuổi chuyển khoản sẽ càng trở nên phổ biến.

Mừng tuổi xưa và nay trong văn hóa Á Đông - 4

Đối với các thành viên gần gũi trong gia đình, nếu có thể gặp mặt trực tiếp, việc mừng tuổi "tận tay" vẫn là phổ biến nhất (Ảnh: Refinery 29).

Khi "mừng tuổi chuyển khoản" mới bắt đầu xuất hiện, đã có nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia văn hóa được đưa ra. Các chuyên gia văn hóa đều tin rằng nếu đặt trong bối cảnh bình thường, khi đôi bên có thể gặp gỡ trực tiếp, thì dù "mừng tuổi chuyển khoản" có tiện dụng tới đâu, những phong bao lì xì cũng sẽ không bao giờ mất đi ưu thế.

Thực tế, việc "mừng tuổi chuyển khoản" cũng có những ích lợi của nó, chẳng hạn, bạn có thể quan tâm tới người thân, bạn bè đang ở xa ngay trong những ngày Tết. Bạn có thể gửi sự quan tâm của mình tới đối phương một cách đơn giản và nhanh gọn, không cần phải lo đổi tiền mới hay lựa chọn phong bao đẹp.

Dù vậy, đa phần người dân Á Đông chỉ dùng phương cách "mừng tuổi chuyển khoản" với người thân, bạn bè ở xa. Riêng đối với các thành viên gần gũi trong gia đình, nếu có thể gặp mặt trực tiếp, việc mừng tuổi "tận tay" vẫn là phổ biến nhất.

Nhìn chung, đối với nhiều người, việc được mừng tuổi trực tiếp trong cuộc gặp gỡ đầu năm vẫn được đánh giá cao hơn, bởi hành động đó thể hiện tình cảm trân trọng, sự gần gũi, ấm áp, đưa lại nhiều xúc cảm, niềm vui chân thực, hiện hữu hơn.

Theo www.refinery29.com