Một lính Mỹ sống trong núi rừng Tây Bắc suốt 45 năm qua

(Dân trí) - Bộ phim tài liệu “Unclaimed” kể câu chuyện về một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Trung sĩ John Hartley Robertson được khẳng định là đã chết vào năm 1968 nhưng suốt 45 năm qua, ông đã sống như một người Việt bản địa trong núi rừng Tây Bắc.

Trung sĩ John Hartley Robertson thuộc lực lượng đặc nhiệm mũ nồi xanh. Sau khi sống gần 45 năm trong núi rừng Tây Bắc Việt Nam, ông đã quên mất thứ ngôn ngữ từng được coi là tiếng mẹ đẻ của mình – tiếng Anh.

Khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc, ông Robertson vẫn ở lại núi rừng Tây Bắc Việt Nam, không trở về Mỹ. Sau nhiều năm, khả năng nói tiếng Anh của ông gần như đã mất nhưng trong ký ức, ông vẫn biết mình sinh ra ở bang Alabama. Chiếc máy bay do ông lái bị bắn hạ trên địa phận Lào trong quá trình ông đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật được giao vào năm 1968. Khi còn ở Mỹ ông đã lập gia đình và có con nhỏ.

Nhà làm phim Michael Jorgensen trong bộ phim tài liệu mang tên “Unclaimed” (tạm dịch: Không đòi hỏi) đã ghi lại hình ảnh trung sĩ Robertson năm xưa – giờ đây đã là một cụ già 76 tuổi, lưng hơi còng nhưng vẫn rắn chắc và khỏe mạnh. Ông Robertson sống trong một bản làng xa xôi ở miền rừng núi Tây Bắc. Ông không còn nhớ nổi ngày sinh của mình hay tên của những đứa con đang sống ở Mỹ. Ông chỉ còn nói được tiếng Việt.

“Unclaimed” sẽ được công chiếu tại Liên hoan phim tài liệu ở Toronto đúng ngày 30/4 này.

Trung sĩ John Hartley Robertson năm xưa

Trung sĩ John Hartley Robertson năm xưa

Ông Robertson nhớ lại máy bay của ông đã bị quân du kích bắn rơi ở khu vực núi rừng phía Bắc Việt Nam, sau đó họ đã bắt gọn ông. Một nữ y tá người Việt Nam đã chăm sóc cho ông khi bị thương, sau khi lành lại, ông được thả ra, Robertson quyết định kết hôn với cô nữ y tá và bắt đầu gây dựng cuộc sống gia đình tại Việt Nam.

Đạo diễn Jorgensen đã gặp phải rất nhiều cản trở trong quá trình thực hiện bộ phim này, đặc biệt trong việc liên hệ với gia đình cựu binh Robertson.

“Unclaimed” được sản xuất sau khi một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam – ông Tom Faunce trong một chuyến hoạt động tình nguyện của mình ở khu vực Đông Nam Á hồi năm 2008 đã tình cờ được nghe kể câu chuyện về trung sĩ John Hartley Robertson - một người anh em trên chiến trường của ông năm xưa. Trước đó, ông Faunce vẫn đinh ninh rằng Robertson đã tử trận.

Ông Faunce đã lặn lội đi tìm Trung sĩ John Hartley Robertson năm xưa, ông quyết định phải làm gì đó để giúp đỡ người đàn ông đã bị lãng quên trong suốt thời gian qua.

“Khi nghe kể câu chuyện về một cựu binh Mỹ vẫn còn sống trong rừng già Tây Bắc Việt Nam, Faunce đã tới tìm gặp Robertson. Dù ban đầu rất nghi ngờ, nhưng sau khi gặp mặt, Faunce đã khẳng định đây chính là người đồng đội của mình năm xưa”, nhà làm phim Jorgensen kể lại.

Câu chuyện về Trung sĩ Robertson thật khó tin. Chính Jorgensen thoạt tiên cũng không tin khi Faunce liên lạc với ông vào năm 2012 để thuyết phục ông làm một bộ phim tài liệu về Robertson với hy vọng giúp Robertson được đoàn tụ với gia đình ở Mỹ.

Robertson đã được mời tới Đại sứ quán Mỹ để lấy dấu vân tay từ năm 2010. Faunce sau đó nhận được kết luận rằng: “Không có đủ chứng cứ để chứng minh đây là John Hartley Robertson”. Faunce liền hồi đáp lại: “Các ông cũng không có đủ chứng cứ để chứng minh đây không phải là anh John Hartley Robertson”.

Ông John Hartley Robertson và đồng đội cũ - Tom Faunce

Ông John Hartley Robertson và đồng đội cũ - Tom Faunce

“Unclaimed” là một bộ phim tài liệu thuyết phục. Bản thân đoàn làm phim đã đưa ra những bằng chứng xác thực về nơi sinh của Robertson, bộ quân phục còn lưu lại, cuộc gặp xúc động giữa Robertson và một người lính từng do ông huấn luyện vào năm 1960, cuộc đoàn viên giữa Robertson và người chị gái duy nhất còn sống của ông – bà Jean Robertson-Holly năm nay 80 tuổi... Phim đã khiến những khán giả được xem tại buổi chiếu thử nghiệm ở Toronto phải lau nước mắt.

Bà Jean – chị gái của Robertson nói: “Không nghi ngờ gì nữa. Tôi chắc chắn đó chính là em trai tôi. Tôi đã dám chắc điều đó từ khi xem đoạn băng ghi hình nhưng khi tới tận nơi để gặp, tôi đã có thể khẳng định đó chính là em trai tôi”.

Về việc thử DNA, bà Jean nói rằng điều đó là không cần thiết vì cảm nhận của bà đã nói lên tất cả. Về phần vợ con của Robertson tại Mỹ, ban đầu họ đồng ý làm kiểm tra DNA nhưng sau đó lại bất ngờ từ chối.

Đạo diễn Jorgensen cho rằng: “Có lẽ con gái của Robertson không muốn biết liệu đó có phải cha của chúng hay không. Đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa bị phản đối, vả lại, cũng đã quá lâu rồi. Tất cả chúng ta đều muốn mọi chuyện trôi đi êm đẹp. Tôi không biết nữa. Điều gì khiến những đứa con không muốn biết liệu đây có phải cha đẻ của chúng hay không?”

Anh Hugh Tran, một cảnh sát người Mỹ gốc Việt đã cùng với đoàn làm phim tới Việt Nam để làm vai trò thông dịch viên. Anh nhận định Robertson phát âm như một người Việt bản địa và không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy Robertson là người nước ngoài nếu không nhìn thấy dáng vóc, khuôn mặt ông.

Jorgensen cho biết: “Ký ức đôi khi vẫn bất ngờ hiện ra trong đầu Robertson. Ví dụ như khi ông đoàn tụ với chị gái Jean của mình, ông đã quay ra nói với anh rể Henry – A, tôi nhớ rồi, ông làm việc trong một hiệu thuốc.”

Về phần Robertson, ông quyết định sống tại Việt Nam và không trở về Mỹ. Ông chỉ có một mong muốn duy nhất là được gặp lại những người thân trong gia đình ông ở Mỹ - gồm vợ và các con gái một lần cuối trước khi ông qua đời.

 
Bích Ngọc
Theo The Star