Mối tình Võ Nguyên Giáp - Quang Thái: Chia tay, vĩnh biệt

Khi chia tay với chị Thái và Hồng Anh một chiều thứ sáu tháng 5 năm 1940 bên Hồ Tây ở đoạn đường Cổ Ngư phía chùa Trấn Vũ, anh Giáp đã không ngờ rằng phút chia tay ấy lại là phút vĩnh biệt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu tiên- Liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu tiên- Liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái
 
 
Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ.

Tại Đông Dương, nhà cầm quyền phản động thuộc địa ra sức bắt lính bắt phu, thẳng tay vơ vét đàn áp. Những gì mà dân chúng Đông Dương đã đấu tranh giành được trong phong trào Mặt trận dân chủ bị thủ tiêu. Sách báo của Mặt trận bị cấm.

Nhiều cán bộ của Đảng bị bắt. Mật thám rình chực như rươi trước các cơ quan ngôn luận công khai của Đảng. Một làn sóng khủng bố lan tràn khắp Đông Dương. Các tổ chức hoạt động hợp pháp, bán hợp pháp của Đảng rút vào bí mật.

Theo quyết định của Đảng, anh Giáp chuyển vào hoạt động bí mật và sẽ vượt biên giới sang Trung Quốc. Chị Thái rất muốn được đi hoạt động bí mật nhưng vì bé Hồng Anh còn quá nhỏ, chưa nhờ ai nuôi giùm được, nên đành chờ khi nào gửi được con, chị Thái sẽ đi sau.

Đông đảo bạn trẻ đã đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đông đảo bạn trẻ đã đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhưng chị Thái không thực hiện được ý định ấy. Hai năm sau khi anh Giáp ra đi, chị Thái bị bắt.

Lúc ấy, chị Thái tiếp tục hoạt động cách mạng, làm giao liên cho Trung ương Đảng. Chị đã gửi bé Hồng Anh về Quảng Bình cho bà nội nuôi. Có thời gian chị theo học một lớp nữ hộ sinh.

Quang Thái đã vào Sài Gòn tìm gặp chị gái ruột: chị Minh Khai, gặp lần cuối cùng trước khi chị Minh Khai bị đế quốc Pháp xử bắn (26/8/1941).

Tháng 6/1942, Quang Thái bị bắt. Bọn đế quốc dùng mọi cực hình tra tấn để truy tìm mối dây liên lạc với anh Hoàng Văn Thụ. Chị Thái kiên quyết không khai, giữ trọn khí tiết của người cộng sản.

Chế độ lao tù hà khắc và những nỗi đau buồn chồng chất, nhất là nỗi nhớ con, đứa con gái vừa lên ba bốn tuổi, làm cho sức khỏe của chị suy kiệt.

Sau một năm rưỡi bị giam cầm, chị bị mắc bệnh thương hàn, bọn cầm quyền thực dân phải cho chị ra điều trị ở nhà thương làm phúc tại Bệnh viện Bạch Mai. Chị qua đời ngày 21/1/1944, lúc đó chị Thái 29 tuổi.

Cuộc đời của chị Thái và quãng đời sống chung với anh Giáp quá ngắn ngủi, nhưng là một cuộc sống có biết bao nhiêu ý nghĩa.

Gia cảnh bà Hàn Bình thời gian đó thật là đau khổ. Chị Minh Khai sau cuộc Nam kỳ khởi nghĩa bị hai án tử hình và bị xử bắn.

Ông Hàn Bình tạ thế trước khi chị Thái bị bắt vài ngày. Hai cái tang dồn dập lại thêm nỗi lo chị Thái bị bắt, bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò đè nặng lên trái tim bà mẹ và các em.

Sau khi chị Thái mất, hơn một năm sau anh Giáp mới biết tin. Tại hội nghị quân sự Bắc Kỳ họp tháng 4/1945, gặp lại anh Trường Chinh, anh Giáp mới biết tin dữ ấy.

Buổi đầu gặp anh Trường Chinh sau bao năm xa cách, anh Giáp vui mừng khôn xiết. Bỗng dưng anh Trường Chinh nói:

- Quang Thái chưa kịp đi bí mật thì bị chúng bắt. Cũng không ngờ chị lại mất trong tù.

Anh Giáp lặng người đi.

Một lát sau, anh hỏi lại:

- Anh nói sao? Quang Thái mất rồi ư?

Anh Trường Chinh có vẻ ngạc nhiên hỏi lại:

- Anh chưa biết à?

Anh Giáp bàng hoàng đi sang buồng bên cạnh, anh vẫn chưa tin hẳn điều anh Trường Chinh nói là sự thật.

Khi chia tay với chị Thái và Hồng Anh một chiều thứ sáu tháng 5 năm 1940 bên Hồ Tây ở đoạn đường Cổ Ngư phía chùa Trấn Vũ, anh Giáp đã không ngờ rằng phút chia tay ấy lại là phút vĩnh biệt.

Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm