Mối tình đồng tính “ồn ào” nhất lịch sử hội họa

(Dân trí) - Cuộc tình kỳ lạ này sau đó đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm hội họa xuất sắc của họa sỹ Francis Bacon.

Năm 1963, có một tên trộm lẻn vào ngôi nhà ở khu South Kensington, nằm ở thủ đô London, Anh. Kẻ trộm tên là George Dyer, hắn là một tên trộm vặt đã rất quen thuộc ở khu này. Đêm đó, George Dyer lẻn vào một căn hộ có treo nhiều bức tranh lớn, khắc họa đàn ông hoặc khỏa thân hoặc đang la hét.

Những bình đựng màu vẽ, bảng pha màu, những chồng giấy vẽ chất cao trên thảm trải sàn… Tất cả hiện ra ngổn ngang trước mắt George Dyer khiến tên trộm bối rối, không biết thứ nào có giá trị để lấy đi. Dyer không biết rằng chính đêm đó sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn, không biết nên gọi là may mắn hay bất hạnh, trong cuộc đời mình.

Một người đàn ông thình lình xuất hiện ở cửa ra vào, tỏ ra rất bình tĩnh và tự chủ trước vị khách không mời: “Bây giờ, anh có hai lựa chọn: hoặc tôi sẽ gọi cảnh sát hoặc anh sẽ phải ở lại đây với tôi”. Người đàn ông vừa mới xuất hiện, không ai khác chính là họa sĩ Francis Bacon - vị họa sĩ vốn nổi tiếng là một tay ăn chơi “cự phách” ở London với những mối tình đồng tính gây ồn ào.

Mối tình đồng tính “ồn ào” nhất lịch sử hội họa

“Bức chân dung George Dyer khi đang trò chuyện” (vẽ năm 1966) - một tác phẩm của Francis Bacon - sắp được đem bán đấu giá tại London. Bức tranh này được dự đoán sẽ có giá 40 triệu bảng (tương đương 1.393 tỉ VNĐ).

Trong năm 2013 vừa qua, hàng loạt tranh của Francis Bacon đã gây bất ngờ đối với giới sưu tầm hội họa khi liên tiếp lập những kỷ lục về giá. Đáng kể nhất là bộ tranh 3 bức khắc họa vị họa sĩ người Anh Lucian Freud được trả giá tương đương 3.007 tỉ VNĐ.

Trở lại với cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở trên, tên trộm George Dyer đã quyết định sẽ ở lại với vị họa sĩ để khỏi gặp rắc rối với cảnh sát. Kể từ đây, họa sĩ và tên trộm, họ bắt đầu một mối tình đồng tính kéo dài suốt gần một thập kỷ - mối tình nhiều sóng gió giữa một tên trộm vặt và một vị họa sĩ vĩ đại của lịch sử mỹ thuật Anh thời kỳ hiện đại.

“Bức chân dung George Dyer khi đang trò chuyện” được coi là bức tranh nổi tiếng nhất trong loạt tranh khắc họa George Dyer của Francis Bacon. Dyer đã trở thành bất tử trong lịch sử mỹ thuật nhờ là người tình họa sĩ, tuy vậy, trong thực tế, có lẽ cuộc đời Dyer đã không quá bi đát nếu ngày ấy Dyer đừng bước chân vào căn hộ của Francis Bacon.

Thực tế, dù lớn lên trong môi trường đường phố, sớm tiếp thu những thói lưu manh, trộm cắp, nhưng Dyer vẫn là một thanh niên trẻ rất “mong manh”. Khi gặp Francis Bacon và nhận được tình yêu cùng sự quan tâm quá lớn từ vị họa sĩ, ban đầu Dyer cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng theo năm tháng, người thanh niên ấy dần cảm thấy khổ sở và bị hành hạ.

Năm 1971, sau khi qua lại với Francis Bacon 8 năm, George Dyer tự tử tại Paris trong chuyến đi cùng với người tình đến Pháp, vào đúng cái đêm Francis Bacon đi ra ngoài để nhận một giải thưởng hội họa.

Mối tình đồng tính “ồn ào” nhất lịch sử hội họa

George Dyer (trái) và Francis Bacon (phải) khi mới bắt đầu gặp gỡ hồi năm 1963. Trong sự nghiệp sáng tác của Bacon, Dyer được coi là “chàng thơ” truyền nhiều cảm hứng nhất cho vị họa sĩ.

Bacon qua đời năm 1992 ở tuổi 82. Về cuộc đời và sự nghiệp của ông, luôn có rất nhiều tranh cãi. Cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher là một trong những người rất “dị ứng” với Bacon, bà từng gọi ông là “người đàn ông vẽ nên những bức tranh gớm ghiếc”. Tuy vậy, sau khi qua đời, sự nghiệp hội họa của Bacon ngày càng được đánh giá cao và giá các họa phẩm của ông liên tục tăng mạnh trên thị trường.

Michael Peppiatt, tác giả cuốn “Francis Bacon - Anatomy Of An Enigma” (Francis Bacon - Phân tích một nhân vật bí ẩn), vốn là một người bạn của Bacon, Peppiatt cho biết: “Francis Bacon vừa quyến rũ, lôi cuốn vừa nguy hiểm, đáng sợ. Bacon có khả năng mê hoặc bất cứ ai lọt vào mắt xanh của ông, sự xuất hiện của ông trong đám đông giống như phóng đi một luồng điện khiến ông luôn trở thành trung tâm thu hút của mọi cuộc vui”.

Không chỉ vậy, Bacon còn là người đàn ông có vẻ ngoài lãng tử, bảnh bao, phong thái lịch lãm, sang trọng, luôn biết cách làm người đối diện cảm thấy mình trở nên bé nhỏ, yếu đuối khi đứng trước ông.

Kể từ khi George Dyer qua lại với Francis Bacon, anh ta không còn phải ăn cắp kiếm sống nữa. Trong mắt những người bạn của Bacon khi đó, Dyer là một thanh niên tử tế, ngoan hiền, nếu không kể tới quá khứ trộm cắp trước đây. Tuy vậy, Bacon lại ưa thích tuýp người tình mạnh mẽ, có thể khiến ông đau khổ. Dù yêu Dyer nhưng Francis cũng đồng thời làm khổ Dyer.

George Dyer khi đó kém Francis Bacon 20 tuổi, người thanh niên này tính cách nhẹ nhàng, hiền lành, trái ngược hẳn với xuất thân ban đầu. Những ảnh hưởng về tâm lý mà Bacon gây ra với Dyer cũng là một phần lý do khiến Dyer không thể chịu nổi và quyết định tự tử.

Mối tình đồng tính “ồn ào” nhất lịch sử hội họa

Bức “Nghiên cứu phần đầu của George Dyer” (trái) và “George Dyer soi gương” (phải) là hai bức tranh khác mà Bacon khắc họa người tình. Khi George Dyer tự tử, anh mới 36 tuổi. Thời điểm xảy ra bi kịch này là ngay trước khi Bacon mở cửa phòng tranh của riêng ông.

Trong cuốn sách viết về Francis Bacon, Peppiatt đã dẫn lời của một nhân vật giấu tên: “Tôi không nghĩ còn gì khổ sở hơn là làm người tình của Francis bởi ông ấy sẽ bóp nghẹt anh, không cho anh còn chút không khí nào để thở. Francis rất biết cách quan tâm nhưng vì ông ấy luôn tự đẩy mình đến những giới hạn của sự chịu đựng nên đồng thời ông ấy cũng khiến những người xung quanh phải khổ sở theo mình”.

George Dyer trong những năm tháng cuối đời đã tìm đến rượu. Trước khi cùng Bacon tới Paris nhận giải thưởng, đôi tình nhân thực tế đã chia tay. Ở thời điểm này, Francis rất mệt mỏi vì George nhưng chính George đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm của ông nên Francis nghĩ George nên có mặt tại sự kiện quan trọng này, với điều kiện George không được uống rượu.

Tuy vậy, George vẫn uống, một ngày trước khi triển lãm tại Paris mở ra, George đã cố tình sử dụng thuốc quá liều để tự vẫn. Trước sự việc này, Bacon đã suy sụp. Sau khi triển lãm ở Paris kết thúc, Bacon vẫn tiếp tục quay trở lại khách sạn nơi George tự tử, đặt cùng một phòng để có thể được ở gần nơi người tình đã ra đi.

Francis Bacon và George Dyer

Francis Bacon và George Dyer

Về sau, Bacon đã nói với tác giả Peppiatt rằng: “Không có một giờ nào trôi qua mà tôi không nghĩ về George, cảm giác tội lỗi cùng cực luôn hành hạ tôi”.

Bacon thể hiện sự hối hận của mình bằng cách không ngừng vẽ George. Sau này, Bacon cũng có những người tình mới nhưng không ai có được vị trí quan trọng như George Dyer.

Sau khi George Dyer qua đời, các tác phẩm của Bacon càng nhấn mạnh vào thế giới nội tâm cô độc. Kể từ sau mất mát tinh thần đó, Francis Bacon, người vốn nổi tiếng thích ăn chơi, thích đám đông, bỗng nhiên khép kín và rút lui khỏi đời sống xã hội.

Bích Ngọc
Theo DM