“Mối lương duyên" có hậu qua những bộ phim
Nhắc lại những bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mùa len trâu”, “Cánh đồng bất tận”, “Chuyện của Pao”... người xem không khỏi xuýt xoa bởi cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ của đất nước hiện trên màn ảnh vô cùng đẹp mắt, nên thơ.
Nếu ngành du lịch biết “kết duyên” với điện ảnh sẽ góp phần quảng bá du lịch, văn hóa và hình ảnh đất nước, con người đến với đông đảo người xem trong nước và quốc tế và quay lại giúp du lịch hưởng lợi.
Ngây ngất với cảnh đẹp như thơ
Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đang khiến khán giả thổn thức với bao cảm xúc đa sắc màu. Câu chuyện về những đứa trẻ với tuổi thơ thật đẹp, ngọt ngào về tình anh em, tình gia đình, tình bạn, tình chòm xóm... trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được thể hiện sống động bằng ngôn ngữ điện ảnh rất riêng, đầy tinh tế của đạo diễn Victor Vũ. Khung trời xanh mướt của tuổi thơ hiện ra ngay từ những thước phim đầu tiên với những cảnh đẹp đến nao lòng: góc chợ quê, mái nhà xiêu vẹo, những bãi ngô xanh mướt, cánh đồng lúa bát ngát, con suối trong lành...
Với những thước phim quay ở Phú Yên đi kèm với màu sắc tuyệt đẹp cùng câu chuyện cảm động, gần gũi, đậm chất làng quê Việt. Chiếc khăn quàng đỏ, lồng đèn trung thu, bờ đê, cánh đồng với cánh diều vi vu... và hình ảnh non sông Việt Nam hiện lên làm thổn thức trái tim bao người.
Bộ phim “Chuyện của Pao’’ được chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá’’ của nhà văn Đỗ Bích Thúy đề cập đến cuộc sống sinh hoạt và đời sống tâm lý, tình cảm của người Mông. Phim lấy bối cảnh tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Những thước phim đại cảnh đẹp như mơ, huyền ảo khiến khán giả ngây ngất trước từng mái nhà, từng bờ rào đá, từng thửa ruộng bậc thang, từng vườn cải trổ vàng... ở Đồng Văn. Trong “Chuyện của Pao’’, Đồng Văn vừa tươi đẹp, lộng lẫy vừa gần gũi, giản dị; vừa nên thơ vừa u buồn; vừa lãng mạn vừa vất vả.
Sau thành công của bộ phim “Chuyện của Pao’’, xã nghèo Sủng Là bắt đầu manh nha làm du lịch cộng đồng. Đặc biệt, ngôi nhà từng được chọn làm bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao’’ đã trở thành địa điểm đắt khách du lịch. Những phong tục tập quán trong đời sống người Mông cũng được quan tâm, chú ý và bà con đã biết đầu tư cho du lịch nhiều hơn sau bộ phim “Chuyện của Pao’’.
“Thiên mệnh anh hùng” và “Ngọc Viễn Đông” cũng là hai trong số những tác phẩm điện ảnh đã tinh tế giới thiệu vẻ đẹp “đốn tim” người xem của dải đất hình chữ S. Khu du lịch Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, chùa Bồ Đề, chùa Tháp Bút (Ninh Bình), phủ Thành Chương, khu du tích Cổ Loa, đền An Dương Vương, chùa Trầm, Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội) hiện lên trong “Thiên mệnh anh hùng” mang dáng dấp vừa hiện đại vừa cổ kính lại đậm đà nét riêng đẹp đến nức lòng khiến chúng ta tự hào về giang sơn qua từng thước phim, thế giới tò mò về Việt Nam qua từng góc máy.
Bộ phim “Ngọc Viễn Đông” lại hớp hồn khán giả với những hình ảnh về non nước Việt Nam từ phố núi Sa Pa đến biển Mũi Né, phố cổ Hội An, thành phố yên bình Đà Lạt. Tất cả hiện lên trong từng khung hình đẹp đến xao lòng...
Quảng bá du lịch trên từng thước phim
Trên thực tế, điện ảnh Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất để có thể quay phim tại các danh lam thắng cảnh và du lịch Việt Nam cần tận dụng những bộ phim ấy để quảng bá du lịch đất nước, văn hóa dân tộc vùng miền.
Và nếu muốn ngành du lịch có những bước phát triển vượt bậc cũng như nền điện ảnh có những tác phẩm chất lượng về non nước, văn hóa, con người Việt Nam, đã đến lúc điện ảnh và du lịch cần phải có sự tương tác lẫn nhau. Đó là, biết tận dụng những bộ phim có hình ảnh đẹp đẽ của giang sơn gấm vóc; biết tạo cơ hội mở cửa cũng như những chính sách đối với các đoàn làm phim từ nước ngoài đến Việt Nam lấy bối cảnh. Chỉ có sự ăn khớp và tận dụng lẫn nhau như vậy mới tạo nên một làn sóng du lịch từ khắp nơi trên thế giới tìm đến Việt Nam thông qua điện ảnh.
Điện ảnh Trung Quốc luôn có những bộ phim cổ trang, dã sử nhằm giới thiệu kiến trúc hoành tráng, công phu, đỉnh cao của đất nước họ. Hay như điện ảnh Hàn Quốc, họ tham gia quảng bá rất hiệu quả cho hoạt động du lịch khi xuất khẩu phim ra nước ngoài. Mỗi bộ phim Hàn Quốc từ cổ trang cho đến hiện đại, họ đều lồng những hình ảnh đẹp của đất nước như đảo Jeju, những nét văn hóa ẩm thực như kim chi, rượu Shochu... để khi xem phim Hàn thì tất thảy mọi người đều bị mê hoặc và muốn được du lịch đến những bối cảnh tuyệt đẹp trong phim, nếm thử những món ăn xuất hiện trong phim.
Một đại diện của điện ảnh du lịch Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm rằng, họ luôn tạo điều kiện cấp giấy phép nhanh nhất, chỉ dẫn tận tình điểm đến thuận tiện cho việc quay phim, lưu giữ và bảo quản tốt các bối cảnh phim đáng giá sau khi đoàn phim ghi hình xong để đưa vào hoạt động quảng bá du lịch... Đây chẳng phải là thành công vì sự kết hợp tận dụng điện ảnh để quảng bá du lịch mà Việt Nam cần học hỏi sao?
Quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia qua điện ảnh là chuyện cả thế giới đều đã và đang làm. Đã đến lúc các nhà quản lý từ hai ngành cần phải xem xét vấn đề, tạo cơ chế phù hợp nhằm thúc đẩy sự phối hợp giữa du lịch và điện ảnh, góp phần hỗ trợ công tác quảng bá điểm đến của Việt Nam và tạo ra kết thúc có hậu cho cả hai ngành trong tương lai.
Theo Hoàng Lâm
Pháp Luật Việt Nam