"Mơ rồng" của đạo diễn Lê Quý Dương tham dự Đại hội Sân khấu thế giới
(Dân trí) - Vở "Mơ rồng" của Nhà hát Múa rối Việt Nam do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng đã được lựa chọn là vở diễn khai màn Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36.
Sự kiện được tổ chức tại thành phố Fujairah thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE từ ngày 19/2 - 25/2.
Với sự kết nối, đồng hành dàn dựng của đạo diễn Lê Quý Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới (ITI), tiết mục "Mơ rồng" của Nhà hát múa rối Việt Nam đã được ITI bình chọn biểu diễn tại lễ khai mạc Đại hội lần thứ 36 của ITI vào tối 21/2/2023 tại thành phố Fujairah với chủ đề: "Hội ngộ nghệ thuật biểu diễn thế giới cùng nhân loại".
Đoàn nghệ sĩ Việt Nam chính thức sang Dubai tham dự Đại hội từ tối 18/2/2023 do NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam làm trưởng đoàn.
Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: "Tiết mục là sự kết hợp và thăng hoa của nghệ thuật trống chèo truyền thống, màn biểu diễn rối chân đặc sắc của Nhà hát Múa rối Việt Nam (NSND Nguyễn Tiến Dũng từng sáng tạo, dàn dựng) và nghệ thuật sân khấu hình thể. Sự kết hợp này tạo nên một tổng thể vừa đậm bản sắc sân khấu truyền thống Việt Nam, vừa mang tính quốc tế với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh và phương pháp dàn dựng hiện đại".
Do yêu cầu từ Ban Tổ chức, tiết mục chỉ dài 10 phút. Cái khó của đạo diễn là phải cô đọng được tiết mục nhưng vẫn truyền tải được thông điệp, cũng như nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của Việt Nam.
"Tôi không sử dụng quá nhiều kỹ thuật biểu diễn bởi ngồi dưới xem toàn tinh túy của sân khấu thế giới. Tôi đưa những gì đơn giản nhất, mượn tiếng trống chèo cổ, sáng tạo nên những âm điệu mới, đưa tiếng trống chèo dẫn dắt toàn bộ tiết mục.
Nhân vật chú Tễu được giới thiệu như một biểu tượng sinh động của văn hóa dân gian Việt Nam, thể hiện tâm hồn và tình cảm của người dân vốn hiền lành, chất phác nhưng rất thông minh và hóm hỉnh", đạo diễn Lê Quý Dương cho biết.
Tham gia chương trình là nhóm nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam: NSƯT Thị Kim Hoàng Thoa, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Lan Hương, Cao Thị Huyền.
Đặc biệt, nghệ sĩ trống chèo Trần Đình Quang chơi solo trống chèo (không như những lần khác chơi cùng dàn nhạc) kiêm diễn viên. Nghệ sĩ Trần Thành Hòa thiết kế sáng tạo hiệu ứng hình ảnh cho chương trình, kết hợp với âm nhạc và hiệu ứng âm thanh của nhạc sĩ tài năng người Australia Darin Verhagen.
Nghệ sĩ Trần Đình Quang chia sẻ: "Tôi chỉ là nhạc công. Sáng tạo của đạo diễn Lê Quý Dương khiến tôi vừa đánh trống dẫn chuyện, vừa biểu diễn phần chú Tễu nên rất căng thẳng. Hai tuần qua tập luyện liên tục, tôi cũng tự tin hơn nhiều để khoe với bạn bè thế giới về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam".
Trên nền tảng của các nhịp điệu trống chèo cổ, nghệ sĩ Trần Đình Quang đã thăng hoa và sáng tạo nên những âm điệu mới cho trống chèo, đưa tiếng trống chèo của mình trở thành một nhân vật đồng hành trực tiếp và dắt dẫn toàn bộ câu chuyện.
Chia sẻ về việc lựa chọn tiết mục "Mơ rồng", NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát múa Rối Việt Nam cho biết: Những trò rối kinh điển như Múa tiên, Cáo bắt vịt, Chọi trâu, Sư tử hí cầu… đã quá nổi tiếng và được bạn bè quốc tế biết đến rộng rãi. Lần này, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và Nhà hát Múa rối Việt Nam quyết định dàn dựng một tác phẩm mới để trình diễn. Tiết mục tuy có thời lượng chỉ hơn 10 phút nhưng cô đọng, súc tích, có thông điệp nghệ thuật, khai thác hình thức biểu diễn độc đáo của nghệ thuật múa rối và hình thể, sẽ mang đến cho khán giả cái nhìn mới về nghệ thuật rối Việt Nam đang từng bước đổi mới, sáng tạo".
Nghệ sĩ Nguyễn Lan Hương cho biết, chị khá áp lực với tiết mục lần này: "Những chương trình lưu diễn nước ngoài trước đó, chúng tôi thường được trang bị rất nhiều thứ từ đạo cụ, trang phục, sân khấu, âm nhạc được hỗ trợ rất nhiều nhưng ở đây trên sân khấu chỉ tập trung vào diễn viên, âm nhạc mộc, chỉ tập trung cho diễn xuất của diễn viên nên bộc lộ hết khả năng được thu góp từ bao năm làm nghề đề biểu diễn trong 10 phút này.
Biểu diễn với con rối nước nhưng lại biểu diễn trên cạn. Đó là điều mới. Thứ 2 nữa là biểu diễn trên nền nhạc basic, nghĩa là chỉ có các tiết tấu trống. Đây là sự kiện mang tính nghề nghiệp nên các đại biểu đều là những người đã am hiểu sân khấu nên chỉ cần đưa đến những gì đặc trưng nhất, gọn nhẹ nhất. Mình sẽ bộc lộ những truyền thống, tinh hoa của mình lên sâu khấu. Những lần trước là giới thiệu về màu sắc văn hóa dân tộc thì có nhiều thứ hỗ trợ thì ở sân khấu này không có nên cũng áp lực trong khi trong sự kiện là những người am hiểu sân khấu nên khá căng thẳng"
"Mơ rồng" kể về câu chuyện của các cô thôn nữ Việt Nam xinh đẹp duyên dáng, sinh ra giữa những xóm làng thanh bình, cần cù chịu khó trên những cánh đồng lúa nước của Việt Nam được khắc họa qua những chi tiết biểu diễn độc đáo của nghệ thuật múa rối và hình thể.
Rồi chiến tranh bất ngờ ập đến. Trong mưa bom bão đạn, con người vẫn gắn bó, cưu mang và đùm bọc nhau để vượt lên những hy sinh mất mát. Chú Tễu bị dập vùi trong chết chóc và lửa đạn chiến tranh đã được một cặp Rồng cứu sống.
Sức sống mạnh mẽ và nội lực văn hóa của ngàn năm văn hiến đã giúp chú Tễu hồi sinh và lại gióng lên từng nhịp trống chèo lúc khoan lúc nhặt, lúc réo rắt, lúc hân hoan, cho sự sống đâm chồi nảy lộc. Một cặp rồng con lại được sinh ra như biểu tượng của tình yêu, nội lực và sức sống mãnh liệt của văn hóa sẽ không bao giờ lụi tắt.
Màn trình diễn phát triển từ từng chi tiết cụ thể tới một nhận thức khái quát mang tính biểu tượng, gửi thông điệp hòa bình sâu sắc tới nhân loại hôm nay: Chiến tranh có thể vẫn đang diễn ra đâu đó trên trái đất, có thể hủy diệt tất cả, nhưng sự sống, tình yêu và khát vọng hòa bình hạnh phúc của nhân loại sẽ mãi mãi vẫn còn.