Đạo diễn Lê Quý Dương kỳ vọng "Festival Tràng An kết nối di sản" mang tầm quốc tế

Nguyễn Hằng Hương Hồ

(Dân trí) - Đạo diễn Lê Quý Dương đưa di sản trở lại để thăng hoa cùng tâm hồn dân tộc trong "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022".

"Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" với chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức, đạo diễn Lê Quý Dương đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn lễ khai mạc và lễ hội đường phố.

Theo đó, lễ khai mạc diễn ra vào tối 17/11 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình. Trong lễ khai mạc sẽ giới thiệu những nét di sản đặc trưng của Ninh Bình và các tỉnh, thành theo chủ đề: Di sản Ninh Bình, Di sản Thăng Long - Hà Nội, di sản vùng Bắc Bộ, di sản vùng Trung Bộ, di sản Tây Nguyên, di sản Nam Bộ, tiết mục chào mừng các đoàn quốc tế.

Đạo diễn Lê Quý Dương kỳ vọng Festival Tràng An kết nối di sản mang tầm quốc tế - 1

Đạo diễn Lê Quý Dương (Ảnh: Duy Tiến).

Chia sẻ về lễ khai mạc, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, khán giả sẽ được xem nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc của nhiều địa phương như: Chèo, xẩm, trình diễn trống nhảy Kim Sơn (Ninh Bình), múa rối nước Thăng Long (Hà Nội), múa rối cạn (Hải Phòng), quan họ Bắc Ninh…

Một trong những điểm nhấn trong lễ khai mạc là phần trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam của 71 người đẹp tham gia vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 diễn ra tại Việt Nam.

"Sâu khấu sẽ được sử dụng nhiều hiệu ứng ánh sáng, màn hình led, pháo kỹ xảo để mang đến sự mãn nhãn cho người xem qua truyền hình và du khách xem trực tiếp", đạo diễn Lê Quý Dương nói.

Về lễ hội đường phố diễn ra vào ngày 18/11 tại khu vực Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, sẽ có 26 đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành phố, đoàn hoa hậu du lịch thế giới… tham gia diễu hành.

Lễ hội đường phố sẽ có nhiều hoạt động biểu diễn sôi động như: Múa rồng, múa lân, biểu diễn cồng chiêng, biểu diễn hoạt cảnh "Cờ lau tập trận", hát xẩm, nghệ thuật trống nhảy, hát múa Ải Lao, khèn Lào…

Trước lo ngại Festival Ninh Nình sẽ "hao hao" Festival Huế, Lê Quý Dương thẳng thắn nói: "Bản chất Festival Huế và Ninh Bình là khác nhau, từ chủ đề đến cách thể hiện. Ở Huế có 3 lớp di sản tiêu biểu: Cung đình, Tâm linh, Dân gian với các làng nghề và cộng với việc kết nối các chương trình quốc tế mang tính mở. Festival Huế làm chỉ tập trung về di sản Huế thôi. Có thể dành 2/3 cuộc đời tôi cũng chưa chắc làm hết các di sản về Huế.

Còn tại Festival Ninh Bình là câu chuyện là kết nối di sản. Kết nối ở đây là từ di sản Tràng An, mời gọi và kết nối những di sản các vùng miền về đây. Rất dung dị, không đao to búa lớn, đây là cuộc chơi của Ninh Bình nên để làm cái gì nó nặng nề thì không nên.

Về nguyên tắc tổ chức và dàn dựng Festival, tôi muốn giữ nguyên bản các giá trị di sản của từng tỉnh, thành phố mang về giới thiệu tại đây. 

Do đó chương trình trước hết phải chuẩn về mặt di sản để các nhà nghiên cứu, chuyên gia di sản, UNESCO công nhận và đánh giá cao. Vì vậy chúng tôi có nguyên tắc bất di bất dịch là tỉnh thành nào mang di sản đến chúng tôi sẽ tôn trọng tuyệt đối". 

Đạo diễn Lê Quý Dương kỳ vọng Festival Tràng An kết nối di sản mang tầm quốc tế - 2

Cảnh đẹp Ninh Bình (Ảnh: T.L).

Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ thêm: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, một ngày về với Ninh Bình, thắp nén hương trong đền thờ Vua Đinh, Vua Lê và nhà bia tưởng niệm Vua Lý trên quảng trường Hoa Lư, ngắm núi Mã Yên sừng sững, nơi yên nghỉ của vị Hoàng Đế đầu tiên mở nền độc lập, tự chủ, khơi nền chính thống cho dân tộc, cảm xúc trở về nguồn đã dâng lên mạnh mẽ trong tôi. Ngỡ ngàng! Cảm phục! Tri ân! Một dân tộc khi cần đứng lên thì trẻ chăn trâu cũng cờ lau tập trận, thành anh hùng cứu dân lập quốc.

Không có di sản lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nào mà không bắt đầu từ con người. Khởi nguồn cho mọi di sản chính là con người và dân tộc chúng ta đã làm nên một di sản đồ sộ, đa dạng và vô cùng độc đáo cho chính mình. Suy nghĩ này ám ảnh, thôi thúc và thách thức tôi phải làm một điều gì đó ý nghĩa để những thế hệ hôm nay và nhiều thời đại sau nữa cảm nhận và thấy hiểu được rằng, để được ghi danh trên bản đồ nhân loại như là một dân tộc, để có từng nét chạm khắc trên đền đài miếu mạo, có từng nhịp ngân rung trong tiếng hát còn mãi qua nhiều thế kỷ, cha ông chúng ta đã vượt qua mọi thử thách, thăng trầm, với đôi bàn tay và khối óc sáng tạo nên diện mạo, hình hài và tâm hồn của dân tộc".

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, sau 2 năm "án binh bất động" vì đại dịch COVID-19, trải qua rất nhiều khó khăn, hạn chế cuối cùng "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" đã được thực hiện với mong muốn hội ngộ và lan tỏa cùng hệ thống di sản trên khắp các vùng miền của cả nước, hướng tới tầm nhìn tương lai.

Dự kiến, Festival này sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, phát triển thành một Festival Di sản Quốc gia và Quốc tế, trở thành thương hiệu văn hóa di sản của quê hương Ninh Bình...