Minh tinh, tài tử không còn đủ sức làm khuynh đảo phòng vé

(Dân trí) - Đã đến lúc điện ảnh không còn trao “tấm vé an toàn” cho bất cứ ai… Tất cả, dù là “sao lớn” hay… “sao bé”, đều phải nỗ lực hết mình.

Will Smith, Tom Cruise, Mel Gibson… là những cái tên từng thống trị phòng vé hồi năm 1996, họ là những tài tử ăn khách nhất, giúp các hãng phim “hái ra tiền”. Một thập kỷ sau, những cái tên mới xuất hiện - Johnny Depp, Ben Stiller, Tom Hanks…

Nam diễn viên Ryan Reynolds trong phim “Deadpool” (Quái nhân)
Nam diễn viên Ryan Reynolds trong phim “Deadpool” (Quái nhân)

Một thập kỷ sau nữa, năm 2016, đó là Chris Evans, Felicity Jones, Ryan Reynolds… Họ xuất hiện trong những bộ phim siêu anh hùng, phim khoa học viễn tưởng, như Captain America trong “Captain America: Nội chiến”, Jyn Erso trong “Rogue One: Star Wars ngoại truyện” và Deadpool trong “Quái nhân”.

Những thập niên khi mà tên của ngôi sao Hollywood có thể tác động lớn tới doanh thu của một bộ phim đã qua rồi, khi bản thân những loạt phim đình đám với tính giải trí cao, kịch bản tốt, hiệu ứng kỹ xảo hoành tráng và được quảng bá rầm rộ đang chiếm thế thượng phong.

Điện ảnh không còn trao tấm vé an toàn cho bất cứ ai

Dựa vào tên tuổi của các ngôi sao lớn, một bộ phim có thể “làm ăn” tốt ngoài phòng vé trong tuần đầu ra rạp, trước khi mạng xã hội bắt đầu tác động tới phim. Ban đầu, người ta sẽ “rỉ tai nhau”: Đây là phim mới của Julia Roberts, thử đi xem…

Cách đây một thập kỷ, việc công chúng ra rạp xem phim diễn ra rất đơn giản, khi trailer giới thiệu phim và những chiêu thức quảng bá phim là kênh thông tin cơ bản khiến người xem đổ ra rạp. Nhưng kể từ khi Internet và đặc biệt là mạng xã hội thống trị đời sống văn hóa đại chúng, có rất nhiều kênh thông tin tác động tới việc ra rạp xem phim của công chúng.

Đặc biệt là những bài “review” đánh giá phim xuất hiện “nhan nhản” trên mạng, tác động rất lớn tới khán giả. Giờ đây, sức mạnh của một bộ phim khi ra rạp, không chỉ còn phụ thuộc vào tên tuổi của ngôi sao như cách đây 1-2 thập kỷ, mà là sức mạnh tổng hợp, bao gồm tên tuổi ngôi sao, hãng phim, chuyện phim, thời điểm phim ra rạp…

Nếu trong phim có diễn viên nổi tiếng, đó sẽ là một chi tiết điểm nhấn, khiến công chúng bị thu hút, nhưng không còn mang tính quyết định.

“Rogue One: Star Wars ngoại truyện” là một ví dụ điển hình cho nhận định này, phim hiện tại đã thu về gần 915 triệu USD từ mức kinh phí đầu tư 200 triệu USD, trong phim chỉ có một cái tên nổi bật duy nhất, là nữ diễn viên Felicity Jones, ngoài ra, những diễn viên khác đều chỉ là diễn viên tầm trung hoặc thậm chí còn chưa được biết đến.

Felicity Jones trong “Rogue One: Star Wars ngoại truyện”
Felicity Jones trong “Rogue One: Star Wars ngoại truyện”

Ngược lại, những phim quy tụ cả một dàn sao điện ảnh, như “Collateral Beauty” (Vẻ đẹp cuộc sống) ra mắt vào đúng dịp lễ Giáng sinh, với sự tham gia của những diễn viên đình đám như Will Smith, Kate Winslet, Edward Norton, Helen Mirren, Keira Knightley… Một dàn diễn viên “siêu đỉnh” với tổng cộng 18 đề cử Oscar, vậy mà chỉ thu về hơn 48 triệu USD từ mức đầu tư 36 triệu USD.

Cũng gây sững sờ, phải kể tới “Passengers” (Người du hành) - một phim khoa học viễn tưởng pha trộn tình cảm lãng mạn có sự tham gia của Chris Pratt và Jennifer Lawrence - những diễn viên đình đám nhất của Hollywood ở thời điểm hiện tại, vậy mà phim chỉ thu về hơn 185 triệu USD từ mức đầu tư 110 triệu USD.

Chris Pratt từng gây sốt với “Guardians of the Galaxy” (Vệ binh giải ngân hà), Jennifer Lawrence gây sốt với loạt phim “The Hunger Games” (Đấu trường sinh tử). Nhưng khi hợp lực, họ vẫn không thể giúp “Passengers” thành công ngoài phòng vé. Đến thời điểm này, đã không còn tồn tại một công thức rõ ràng cho phim ăn khách hay một cái tên giúp đảm bảo doanh thu.

Chris Pratt và Jennifer Lawrence trong “Passengers” (Người du hành)
Chris Pratt và Jennifer Lawrence trong “Passengers” (Người du hành)

Ngược lại, Margot Robbie - gương mặt mới đến từ nước Úc, trước khi xuất hiện trong “Suicide Squad” (Biệt đội cảm tử) còn chưa được biết tới nhiều, nhưng chính nhờ diễn xuất của cô trong vai Harley Quinn mà “Suicide Squad” được cứu thua.

Điện ảnh giờ không còn trao tấm vé an toàn cho bất cứ diễn viên nào nữa, sau thành công với “Suicide Squad”, cũng chẳng ai dám chắc Margot Robbie sẽ tiếp tục là cái tên ăn khách ngoài phòng vé…

Margot Robbie trong “Suicide Squad” (Biệt đội cảm tử)
Margot Robbie trong “Suicide Squad” (Biệt đội cảm tử)

“Patriots Day” với Mark Wahlberg hay “Live by Night” với Ben Affleck thậm chí còn nhìn ra trước nguy cơ lỗ vốn ngoài phòng vé nếu phim ra rạp đúng dịp nghỉ lễ (thời điểm này, hàng loạt phim đồng loạt đổ bộ ra rạp).

Cả hai phim đều đã phải chiếu hạn chế một cách “cầm cự”, chờ kỳ nghỉ lễ kết thúc, mới bắt đầu chiếu rộng rãi, lúc này, sự cạnh tranh ngoài phòng vé đã giảm đi nhiều. Vậy là, ngay cả những cái tên đình đám một thời giờ cũng phải “lo ngay ngáy” vì ế khách.

Sao lớn liệu có thắng… siêu anh hùng?

Trước đây, dòng phim siêu anh hùng vốn không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật và thường bị đặt ở “chiếu dưới”, các ngôi sao lớn muốn khẳng định vị trí “đỉnh cao” của mình thậm chí còn từ chối đóng phim siêu anh hùng vốn bị cho là quá thị trường…

Nhưng giờ đây, chỉ khi xuất hiện trong phim siêu anh hùng, các sao mới mong được tham gia vào những chiến dịch quảng bá phim rầm rộ, mới mong có cát-sê “khủng” và được đảm bảo rằng phim không lỗ vốn.

Bên cạnh những vai diễn “vị nghệ thuật” mà các sao vẫn thường đảm nhận để khẳng định tài năng diễn xuất, để nhắm tới các giải thưởng điện ảnh hàn lâm, giờ đây, họ sẵn sàng nhận đóng phim siêu anh hùng - dòng phim có thế mạnh thị trường.

Ví dụ điển hình tiếp tục là hai nam diễn viên Mark Wahlberg và Ben Affleck. Họ đều đã nhận lời xuất hiện trong các phim siêu anh hùng, phim khoa học viễn tưởng, như “Transformers: The Last Knight” (Transformers: Hiệp sĩ cuối cùng) và “Justin League” (Liên minh công lý).

Năm 2016, điện ảnh Hollywood hân hoan với doanh số lịch sử - 11,37 tỷ USD thu về từ phòng vé. Tất cả 10 phim có doanh thu lớn nhất thế giới năm 2016 đều là phim giả tưởng, trong đó, có không ít phim chẳng hề có sự xuất hiện của một diễn viên ngôi sao nào, có thể kể tới những phim hoạt hình đình đám như “Đi tìm Dory”, “Phi vụ động trời”, “Cậu bé rừng xanh”, “Đẳng cấp thú cưng”…

Đã tròn 20 năm kể từ khi khán giả đổ ra rạp chỉ để xem Will Smith chiến đấu với người ngoài hành tinh trong “Independence Day”, xem Tom Cruise diễn xuất ngoạn mục trong “Mission: Impossible” để rồi ngay sau đó lại mua vé xem tiếp Cruise diễn trong “Jerry Maguire”.

Will Smith đã từng là cái tên ăn khách ngoài phòng vé nhưng thời cuộc thay đổi, Smith và nhiều bạn diễn ngôi sao khác đã chẳng làm nên thành công cho “Collateral Beauty”, nhưng khi Smith xuất hiện trong “Suicide Squad” (Biệt đội cảm tử) - một phim phản anh hùng của DC, thì dù phim bị giới phê bình chê bai tơi tả và chẳng có nhiều sao hội tụ, đây vẫn cứ là “bom tấn” của năm.

Điều này không có nghĩa ngôi sao không còn quan trọng, bởi tâm lý công chúng vẫn luôn bị thu hút bởi người nổi tiếng. Nhưng chúng ta đang trong thời đại của phim siêu anh hùng, người xem quan tâm tới nhân vật hơn là diễn viên.

Nếu ra rạp để xem “Captain America: Nội chiến”, người ta quan tâm tới việc Captain America đấu với Người Sắt, chứ không phải việc hai nam diễn viên Chris Evans và Robert Downey đối đầu trên màn ảnh…

“Captain America: Nội chiến”
“Captain America: Nội chiến”

Ngay đầu thế kỷ 21, cục diện đã thay đổi, khi các seri phim ăn khách xuất hiện, mà đỉnh cao phải kể tới “The Fast and the Furious” (Quá nhanh, quá nguy hiểm - 2001). Phim thành công lớn dù dàn diễn viên khi đó vẫn còn vô danh, với Vin Diesel và Paul Walker “tay không bắt giặc”.

Cái được trong sự chuyển mình này, đó là cơ hội rộng mở hơn cho những tài năng diễn xuất, khi tài năng giờ quan trọng ngang (thậm chí hơn) tên tuổi. Khán giả sẽ được thấy những gương mặt mới triển vọng, chất lượng phim được đẩy lên cao. Tất cả, dù là sao lớn hay… “sao bé”, đều phải nỗ lực hết mình. Điện ảnh đã không còn trao tấm vé an toàn cho bất cứ ai.

Bích Ngọc
Theo USA Today