Minh Chuyên, Lê Tâm xúc động hát trong lễ giỗ đầu nhạc sĩ Phú Quang
(Dân trí) - Trong niềm thương nhớ và xúc động, Minh Chuyên và Lê Tâm song ca ca khúc "Ngọn nến" và "Hà Nội và em khi thu chớm, đông sang". Nam ca sĩ Lê Anh Dũng hát ca khúc "Điều giản dị".
Ngày 28/11, tại tư gia của nhạc sĩ Phú Quang tại Hà Nội, vợ nhạc sĩ - Trịnh Anh Thư cùng người thân và các nghệ sĩ đã tổ chức lễ giỗ đầu trang trọng và ấm cúng cho ông.
Ca sĩ Minh Chuyên - nàng thơ cuối cùng trong âm nhạc Phú Quang cùng ca sĩ Lê Tâm, ca sĩ Lê Anh Dũng, ca sĩ Nhật Thu và Long Đặng ( người trợ lý gắn bó bền bỉ cùng nhạc sĩ Phú Quang)... đã kính cẩn thắp nén tâm hương và ngọn nến thơm dâng lên người nhạc sĩ tài hoa.
Trong niềm thương nhớ và xúc động, Minh Chuyên và Lê Tâm song ca ca khúc Ngọn nến và Hà Nội và em khi thu chớm, đông sang. Nam ca sĩ Lê Anh Dũng hát ca khúc Điều giản dị.
Trên trang cá nhân, ca sĩ Minh Chuyên cũng xúc động chia sẻ: "Hôm nay chúng cháu cứ ngỡ như chú vẫn còn đây, nên thi nhau hát trong phòng thờ để chú "tổng duyệt"! Nhớ chú nhiều, chú ơi!!! Mới đây thôi mà đã… tròn một năm, chú nhỉ! Hà Nội vắng chú… Thu đến muộn, Đông vẫn chưa thấy chớm sang!
Cháu vẫn hàng ngày ngân nga những bài ca chú viết… Nhất là khi lang thang từng góc phố, ngả đường! Cháu hạnh phúc, và cảm thấy được an ủi khi trải lòng trong tác phẩm của chú.
Cám ơn chú đã dìu dắt và cho chúng cháu cơ hội được gần, được chạm vào tâm hồn của người nghe một cách chân thật nhất. Chú và âm nhạc của chú sẽ luôn sống mãi, là nguồn xúc cảm đặc biệt trong cuộc đời làm nghề của cháu. Nơi đó… mong chú luôn cười, vui, tự hào, mãn nguyện! Cháu sẽ sớm hoàn thành nốt những gì còn dở dang…".
Trước đó, nữ ca sĩ cùng nhiều đồng nghiệp, khán giả thương tiếc khi nghe tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời. Tác giả Điều giản dị đã ra đi mãi mãi vào 8h45 ngày 8/12/2021 (tức ngày 5/11 năm Tân Sửu) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh hiểm nghèo. Ông hưởng thọ 72 tuổi.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, là con út trong gia đình nhiều đời sống ở Hà Nội. Ông có một tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội, từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972. Phú Quang từng chia sẻ ông yêu Hà Nội vì Hà Nội là quê hương. Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội.
Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy được viết xuất phát từ những rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật và cả mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà còn là những giai điệu để tình tự với đất Thăng Long, Hà Nội cổ kính và thanh quý.
Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như: Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)...
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài ca khúc, Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet. Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hòa tấu. Nhiều trích đoạn hòa tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt phần âm nhạc của ông đã góp phần vào thành công của nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam: Bao giờ cho đến tháng Mười (Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (Đạo diễn Lê Hoàng), Vị đắng tình yêu (tập 1, Đạo diễn Lê Xuân Hoàng), Hải Nguyệt (Đạo diễn Trần Mỹ Hà).