TP Huế:
Miếu thờ các thần y tại Huế đón nhận bằng di tích lịch sử
(Dân trí) - Ngày 23/2, Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 225 Đức Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đồng thời đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh miếu Tiên Y .
Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lễ giỗ là dịp ôn lại thân thế, sự nghiệp của Đức Y tổ, nhằm giáo dục, nhắc nhở các thế hệ con cháu, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc ngày nay nỗ lực học tập, noi theo gương sáng của ông về y đức, y đạo và y thuật.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Y miếu triều Nguyễn còn được gọi là Tiên Y miếu. Đây là một trong những công trình thờ tự thuộc hệ thống quần tự của vương triều Nguyễn, nơi thờ các bậc thần y của phương Đông và các vị danh y có công với dân với nước, thể hiện sự tôn vinh các vị Thánh y, Tiên y đã làm rạng rỡ truyền thống y đức, y thuật.
Miếu Tiên Y đã được xây dựng trên đất Huế từ năm 1825 tại làng Anh Ninh gần chùa Thiên Mụ. Vào năm 1850, vua Tự Đức cho dời miếu về về địa điểm hiện nay. Từ đó về sau, ngôi miếu này đã một đôi lần thay đổi địa điểm, nhưng đến đời Thành Thái năm 1903, miếu Tiên Y lại quay về vị trí cũ và tồn tại ở đó cho đến ngày nay (hiện miếu ở đường Lương Y, phường Thuận Lộc, TP Huế).
Dưới thời Nguyễn, miếu Tiên Y là một trong những miếu thờ có tầm quan trọng đặc biệt. Miếu được xếp vào hàng quần tự, hàng năm có quan tam phẩm và Thái Y Viện đến cúng tế. Miếu là một di tích đặc biệt, nơi thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của những người làm ngành y.
Sau khi triều Nguyễn chấm dứt, ngôi miếu đã bị bỏ hoang cho đến năm 1991, các vị bô lão địa phương đã tự nguyện đóng góp xây một ngôi miếu nhỏ ba gian làm bằng xi măng cốt thép có chiều dài 3,5 m, rộng 1,1 m và cao 2,3 m.
Năm 2002, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp kinh phí để trùng tu, tôn tạo lại. Mặc dù đã bị thay đổi về mặt kiến trúc nhưng miếu Tiên Y hiện nay vẫn tọa lạc ở vị trí cũ và vẫn giữ nguyên chức năng (nơi thờ cúng các bậc Tiên y, Thánh y) như dưới thời Nguyễn.
Năm 2015, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh cho miếu Tiên Y. Trên cơ sở đó, vào ngày 26/11/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định số 2739/QĐ-UBND xếp hạng di tích miếu Tiên Y là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Việc công nhận di tích cho miếu Tiên Y góp phần làm phong phú, đa dạng các điểm tham quan trong Kinh thành Huế. Trong tương lai di tích này chắc chắn sẽ được nhiều du khách biết đến, là điểm đến không chỉ những người làm ngành y ở Huế mà còn nhiều người dân trên mọi miền tổ quốc. Đồng thời, di tích cũng là nguồn tư liệu lịch sử để tìm hiểu chính sách của nền Đông Y triều Nguyễn xưa đối với việc khám chữa bệnh cho hoàng gia, quan lại, binh lính và nhân dân khi có dịch bệnh.
Những năm gần đây, Hội đông y Thừa Thiên Huế đã tiến hành tôn tạo ngôi miếu và thiết lập thêm bài vị của Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Tuệ Tĩnh thiền sư, hai vị danh y nước nhà và tiến hành khôi phục lại nghi lễ tế danh y Việt Nam và tưởng niệm ngày mất của Hải thượng Lãn Ông tại Tiên Y miếu vào dịp rằm tháng giêng, để tưởng nhớ các bậc danh y Việt Nam và xem đây cũng là ngày lễ truyền thống của ngành Đông Y.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 11/12/1720, tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông là một danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc. Cuộc đời của ông là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc, là tấm gương sáng về y đức- y đạo - y thuật cho muôn đời sau noi theo. Sau khi ông mất, được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Tiên Y” của Việt Nam".
Đại Dương