Michelangelo: Từ họa sĩ bị "bỉ bôi" tới đỉnh cao hội họa Phục hưng

(Dân trí) - Khi được giao nhiệm vụ vẽ bích họa cho trần nhà nguyện Sistine, Michelangelo đã phải nhận lấy sự nghi ngờ của giới mỹ thuật đương thời. Họ xì xầm nghi ngại và cả cười thầm đắc chí.

Để họ không còn cớ gì xì xào về năng lực của mình, ông chỉ còn cách sử dụng cây cọ vẽ để tạo nên những siêu phẩm không ai chối cãi được. Giờ đây, những bức bích họa trên trần nhà nguyện Sistine được xem như biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật Phục hưng.

Michelangelo được biết tới nhiều nhất với vai trò một nghệ sĩ điêu khắc, cho tới khi Giáo hoàng Julius II quyết định giao cho ông nhiệm vụ vẽ bích họa cho trần nhà nguyện Sistine. Chàng thanh niên xứ Florence mới 24 tuổi khi thực hiện bức tượng "Pieta" khắc họa Đức Mẹ ôm thi hài Chúa. Bức tượng "David" của Michelangelo khi ấy cũng cho thấy tài năng của Michelangelo trong đặc tả cơ thể người.

Nhưng người đương thời chưa biết tới ông trong vai trò họa sĩ bậc thầy. Những màu sắc và bố cục các bức bích họa trên trần nhà nguyện Sistine cho tới nay vẫn còn mê hoặc hậu thế. Những tác phẩm này là minh chứng ngoạn mục cho thấy năng lực hội họa thiên tài của Michelangelo. Nhưng trước khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, Michelangelo đã gặp vô vàn khó khăn...

Michelangelo: Từ họa sĩ bị bỉ bôi tới đỉnh cao hội họa Phục hưng - 1

Michelangelo được biết tới nhiều nhất với vai trò một nghệ sĩ điêu khắc, cho tới khi Giáo hoàng Julius II quyết định giao cho ông nhiệm vụ vẽ bích họa cho trần nhà nguyện Sistine.

Hồi đầu thế kỷ 16, Rome là một tâm điểm của nghệ thuật, rất nhiều công trình lớn được tu bổ, sửa sang, được tô điểm bằng các tác phẩm nghệ thuật, các bức bích họa. Nhiều họa sĩ danh tiếng khi ấy đã có mặt ở Rome, đẳng cấp của họ được thể hiện qua công trình mà họ được giao phó đảm nhận.

Khi ấy, Michelangelo chủ yếu được biết tới với vai trò nghệ sĩ điêu khắc, vốn bị nghi ngờ về năng lực hội họa, ông đã bị các đối thủ gièm pha khi được giao đảm nhận việc thực hiện loạt bích họa trên trần nhà nguyện Sistine, thậm chí, nhiều đối thủ còn háo hức coi nhiệm vụ này là một thách thức, một cái bẫy có thể vĩnh viễn nhấn chìm tên tuổi Michelangelo.

Khi ấy, nhà nguyện Sistine so với các công trình khác ở Rome chỉ là một công trình giản dị và đương nhiên là một dự án "hạng nhẹ" dành cho họa sĩ "hạng hai".

Nhưng ngay cả với dự án "hạng hai" này, các đối thủ trong lĩnh vực nghệ thuật của Michelangelo lúc bấy giờ cũng vẫn cảm thấy ông không xứng đáng được giao, họ thậm chí còn "hí hửng", bởi họ tin rằng ông không có năng lực hội họa thực thụ, chỉ cần thực hiện vài mảng bích họa đầu tiên là sẽ bị bẽ mặt vì năng lực quá yếu kém, không đảm đương nổi công trình.

Những sự nghi ngờ

Michelangelo: Từ họa sĩ bị bỉ bôi tới đỉnh cao hội họa Phục hưng - 2

Khi được giao nhiệm vụ vẽ bích họa cho trần nhà nguyện Sistine, Michelangelo đã phải nhận lấy sự nghi ngờ của giới mỹ thuật đương thời. Họ xì xầm nghi ngại và cả cười thầm đắc chí.

Những ý kiến phản đối công khai việc giao cho Michelangelo đảm đương công trình đã chỉ rõ ra rằng Michelangelo vốn chỉ được học sơ qua về bích họa tại xưởng của họa sĩ Domenico Ghirlandaio ở Florence hồi năm 13 tuổi. Michelangelo thực tế chưa có tác phẩm bích họa để được giới làm nghề công nhận về năng lực.

Hơn thế, ngay chính Michelangelo cũng từng nói về những yếu điểm của mình trong hội họa, và chính ông tự nhận rằng tài năng thực thụ của mình là dành cho điêu khắc chứ không phải hội họa.

Khi ấy, những bức bích họa trên các bức tường đứng của nhà nguyện Sistine đã được thực hiện bởi các họa sĩ khác. Michelangelo được giao nhiệm vụ vẽ bích họa trên toàn bộ trần của nhà nguyện, một cấu trúc đồ sộ trải ra trên hơn 500 mét vuông. Đây là một công việc gây choáng ngợp đối với cả những họa sĩ tài năng và giàu kinh nghiệm với rất nhiều khó khăn, thử thách.

Mặc dù vậy, Michelangelo không nao núng, ông là một nghệ sĩ giàu tính thực tế, ông hứng thú với những khoản thù lao được đưa ra và cũng rất biết cách để thương lượng thêm nữa. Muốn làm Michelangelo sợ hãi, nản lòng và từ bỏ ngay từ khi chưa bắt tay vào công việc là không đơn giản.

Những kế hoạch phác thảo cũng được phía tòa thánh Vatican đưa ra nhằm hỗ trợ Michelangelo, nhưng ông đều gạt đi vì cho rằng các ý tưởng ấy... quá "xoàng", sau cùng, ông được quyền tự thực hiện theo ý tưởng của riêng mình. Công việc này sẽ kéo dài trong 4 năm, bắt đầu từ năm 1508.

Các bức bích họa do Michelangelo thực hiện trên trần nhà nguyện Sistine khắc họa những điều được kể trong Kinh thánh, về sự sáng tạo ra thiên đàng, ra đất, ra nước, ánh sáng, bóng tối, loài người, về chuyện của Adam và Eve ở vườn địa đàng, về trận đại hồng thủy...

Những thách thức

Michelangelo: Từ họa sĩ bị bỉ bôi tới đỉnh cao hội họa Phục hưng - 3

Khắc họa đặc tả "Sự tạo ra Adam"

Những vấn đề đã nảy sinh trong quá trình Michelangelo thực hiện các bức bích họa. Ông vẽ màu trực tiếp trên lớp vữa thạch cao ẩm, bằng cách ấy, màu sẽ thực sự thấm sâu bám chắc, nhưng điều này đòi hỏi người thực hiện phải chính xác trong từng động tác, không có chỗ cho sai lầm và cũng không thể sửa chữa được.

Thời gian cũng là thách thức đối với Michelangelo, ông phải tranh thủ khi ánh sáng mặt trời còn đủ để làm việc cặm cụi không nghỉ với tư thế duy nhất là ngồi trên giàn giáo và ngửa cổ vẽ trong suốt 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Khi kết thúc một ngày làm việc, ông luôn mệt mỏi rã rời.

Hơn thế, phương pháp thực hiện bích họa ở Florence mà ông vốn quen thuộc lại không phù hợp với khí hậu ở Rome, một số bức bích họa vừa thực hiện xong thì bị nấm mốc, lại phải gỡ bỏ để thực hiện lại, ban đầu, mọi việc diễn ra rất chậm chạp khiến các chức sắc ở tòa thánh Vatican cảm thấy sốt ruột và liên tục phải giục giã Michelangelo xúc tiến công việc.

Rất nhiều căng thẳng đã xảy ra, nhưng cuối cùng, vào năm 1512, sau 4 năm làm việc tận hiến cả về thể chất và tinh thần, Michelangelo đã hoàn tất công việc có tính chất biểu tượng đối với hội họa thời kỳ Phục hưng.

Quay trở lại nhà nguyện

Michelangelo: Từ họa sĩ bị bỉ bôi tới đỉnh cao hội họa Phục hưng - 4

Khắc họa đặc tả "Sự tạo ra Eva"

Những đóng góp nghệ thuật của Michelangelo dành cho nhà nguyện Sistine vẫn chưa dừng lại. Hơn 20 năm sau, vào năm 1536, phía tòa thánh Vatican lại mời Michelangelo thực hiện một bức bích họa nữa để khắc họa "Sự phán xét cuối cùng" trên bức tường phía sau bệ thờ.

Khi ấy, Michelangelo đã hơn 60 tuổi, ông nhận lời, và khi tác phẩm được hoàn tất vào năm 1541, tác phẩm ấy một lần nữa lại khiến người ta choáng ngợp và là bằng chứng vững bền cho thấy tài năng hội họa thực thụ của ông qua năm tháng.

"Sự phán xét cuối cùng"

Trải qua thời gian hàng thế kỷ với những biến động lớn trong xã hội, những thay đổi về quan niệm thẩm mỹ, cách thức tư duy đã khiến các bức bích họa của Michelangelo cũng phải chịu đựng những sự phán xét trái chiều qua từng thời kỳ.

Đã có lúc người ta lên án việc chi ra nhiều tiền để trưng trổ nghệ thuật như vậy là không phù hợp, đã có lúc người ta cho rằng những hình ảnh khỏa thân mà Michelangelo khắc họa trong nhà nguyện là quá đà, các chi tiết nhạy cảm ấy cần phải bị "kiểm duyệt". Sau đó, những đặc tả nhạy cảm về cơ thể người đã phải bị che đi.

Michelangelo: Từ họa sĩ bị bỉ bôi tới đỉnh cao hội họa Phục hưng - 5

Khắc họa đặc tả "Sự sa ngã khiến Adam và Eva bị đuổi khỏi thiên đàng"

Ngay sau khi Michelangelo qua đời ở tuổi 88 hồi năm 1564, họa sĩ Daniele da Volterra đã là người đầu tiên được giao nhiệm vụ chỉnh sửa lại những tác phẩm có yếu tố khỏa thân nhạy cảm trong nhà nguyện Sistine, hình vẽ những chiếc lá, những lớp vải đã được thực hiện đè lên trên tác phẩm nguyên bản.

Sau cùng, đến thập niên 1980 - 1990, một cuộc phục chế quan trọng đã được tiến hành trên các bức bích họa trong nhà nguyện Sistine, những mảng màu che phủ, những chiếc lá "tế nhị" được các chuyên gia xóa bỏ đi, để những lớp màu chân thực, những chi tiết sống động mà Michelangelo từng thực hiện được hé lộ trở lại.

Những khắc họa bậc thầy của Michelangelo về cơ thể người cũng được nhìn nhận xứng tầm hơn. Cho tới tận hôm nay, những bức bích họa của nhà nguyện Sistine vẫn có sức hút lớn đối với công chúng.

Đứng trước những tác phẩm bích họa này, người xem luôn bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp và chiều sâu của tác phẩm.

Những bức bích họa trên trần nhà nguyện Sistine là minh chứng cho hai năng lực nghệ thuật thiên tài của Michelangelo - hội họa và điêu khắc, đây cũng được xem là đỉnh cao của hội họa Phục hưng và cho tới giờ, vẫn còn khiến hậu thế mê mải nhìn ngắm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm