Mẹ Việt ở Nhật trổ tài "điêu khắc" bánh đẹp như tranh

Thảo Trinh

(Dân trí) - Dưới bàn tay khéo léo của chị Phương, những món bánh truyền thống của Nhật Bản đã được tạo hình chân thực, "hô biến" thành loạt tác phẩm đẹp mắt và "có hồn".

Chị Yamamoto Chihiro (tên tiếng Việt là Phương, 46 tuổi) đã sinh sống tại Nhật Bản hơn 22 năm. Kể từ khi "theo chồng về dinh", chị bắt đầu yêu thích và theo đuổi niềm đam mê đặc biệt với nền ẩm thực của ở xứ sở hoa anh đào.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 1

Chị Phương (bên phải) - chủ nhân của những chiếc bánh có tạo hình đẹp như tranh.

Trong những món ăn nổi tiếng ở đất nước mặt trời mọc, chị Phương yêu thích các loại bánh truyền thống hơn cả. Trong đó có bánh sakura và temari, đều thuộc dòng bánh có tên là Nerikiri.

Hai món bánh này được làm từ những nguyên liệu hoàn toàn giống nhau, chỉ khác biệt ở cách tạo hình và trang trí.  

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 2

Những chiếc bánh Temari nhiều màu sắc là món mà chị Phương yêu thích và làm nhiều.

Chị Phương bắt đầu làm sakura và temari cách đây khoảng 4 năm sau một lần vô tình nhìn thấy và quá say mê trước vẻ đẹp tinh tế của những chiếc bánh. Tuy nhiên, các món bánh truyền thống của Nhật Bản vốn nổi tiếng về độ kỳ công, thể hiện sự tài hoa, sáng tạo của người đầu bếp.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 3

Chị Phương học cách làm bánh Temari từ cuốn sách hướng dẫn ẩm thực khá nổi tiếng Kamakura Temari no Wagashi của tác giả Misono Iyuko.

Để làm được món bánh tinh tế của quê chồng, nàng dâu Việt phải đọc sách ẩm thực và lên mạng tham khảo các video hướng dẫn rồi thực hành vài lần cho quen tay. Dần dần, chị đã thành công và hoàn thiện được những mẻ bánh hấp dẫn, có tạo hình sinh động.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 4

Bánh Temari gây ấn tượng bởi màu sắc đẹp mắt.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 5

Dòng bánh Nerikiri được người phụ nữ Việt hoàn thiện theo nhiều tông màu và tạo hình khác nhau.

Bánh sakura và temari có lớp vỏ làm từ bột nếp, trộn với các loại đậu (đậu trắng và đậu đỏ) xay nhuyễn. Trong đó, công đoạn sên nhân đậu đòi hỏi tốn nhiều thời gian và công sức nhất.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 6

Để biến tấu cho hợp với khẩu vị người Việt, chị thường dùng nhân đậu xanh hoặc nhân dừa.

Bước tiếp theo là trộn đậu trắng đã sên với một lượng nhỏ bột nếp để tạo phần vỏ bánh. Bột nếp đóng vai trò kết dính, tạo độ dẻo, mềm giúp khâu tạo hình bánh trở nên dễ dàng hơn.

"Mỗi công đoạn đều có cái khó riêng, đòi hỏi người làm phải tập trung và kiên nhẫn. Mình thường làm cẩn thận từng bước một, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu chọn lựa hình dáng cho kiểu bánh sẽ thực hiện", chị nói.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 7

Vẻ đẹp tinh tế của dòng bánh Nerikiri thể hiện ở cách tạo hình và phối màu sắc.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 8

Món bánh không chỉ có tạo hình đẹp mắt mà còn phải đảm bảo hương vị thơm ngon, ngọt dịu, dễ ăn.

Tùy kiểu bánh mà người phụ nữ Việt lại lựa chọn các tạo hình khác nhau. Với món bánh sakura, vẻ ngoài của chúng được lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa anh đào - loài hoa biểu tượng của Nhật Bản.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 9

Bánh sakura lấy ý tưởng sáng tạo từ hình ảnh những bông hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật Bản.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 10

Các đường nét, chi tiết được nàng dâu Việt thực hiện tỉ mỉ.

Từng chi tiết, đường nét đều được chị thực hiện khéo léo trên mặt bánh. Để món ăn chân thực, sinh động hơn, chị còn phối màu cho bánh theo tỷ lệ cân đối. Những chiếc bánh sakura nhỏ nhắn, xinh xắn có tông màu hồng nhạt mang đến ấn tượng nhẹ nhàng cho bất kỳ ai thưởng thức.

Với bánh temari, chị Phương cũng sử dụng bột màu rau củ quả để thành phẩm có vẻ ngoài hấp dẫn nhất và đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Chị sáng tạo nhiều tông màu khác nhau khiến những chiếc bánh càng trở nên đẹp mắt, tựa như những tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 11

Ngoài tạo hình quen thuộc, chị còn trổ tài "điêu khắc" bánh Nerikiri thành hình bông hoa nhiều cánh rất ấn tượng.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 12

Mỗi chiếc bánh đều như một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ vô cùng sinh động.

Vì làm từ bột nếp nên hai món bánh đều được thưởng thức lạnh, sử dụng trong ngày hoặc trữ cấp đông khoảng 1-2 tuần để ngon hơn. Chị Phương cho hay, tuyệt đối không cất bánh vào tủ lạnh vì bánh sẽ bị khô.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 13

Dòng bánh này được thưởng thức lạnh, có vị thanh mát, ngọt dịu.

Mẹ Việt ở Nhật trổ tài điêu khắc bánh đẹp như tranh - 14

Những chiếc bánh có màu sắc rực rỡ, đẹp không nỡ ăn của chị Phương.

Khi có thời gian rảnh rỗi hoặc nhân dịp lễ Tết, các ngày đặc biệt, nàng dâu Việt lại vào bếp trổ tài làm nhiều món bánh truyền thống, chiêu đãi gia đình hay gửi tặng bạn bè.