MC Phan Anh: “Tôi không thích vợ con mặc trang phục ngoại lai...”

(Dân trí) - “Nếu vợ và con gái tôi lựa chọn loại trang phục ngoại lai đó thì tôi buộc phải tôn trọng họ vì đó là sở thích của mỗi người. Tôi không có quyền bắt vợ con tôi phải mặc cái này, mặc cái kia theo ý tôi…”, Phan Anh nói.

Anh là người khởi xướng ý tưởng “Mặc áo dài vào mồng Một Tết”. Xuất phát từ đâu mà anh lại đưa ra ý tưởng này?

Thực ra, tôi không phải là người khởi xướng ý tưởng mặc áo dài vào mồng Một Tết mà tôi kêu gọi tất cả bạn bè của mình hưởng ứng việc mặc áo dài vào ngày Tết. Khi chia sẻ ý tưởng của mình tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn bè, trong đó có nhiều người làm trong lĩnh vực thiết kế áo dài. Mọi người cảm thấy rất thích thú và họ đã kêu gọi cả bạn bè của mình để mặc áo dài vào ngày Tết. Và Tết thì có rất nhiều ngày nên chúng tôi chọn ngày mồng 1 thôi.

Tôi rất yêu vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống. Tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm ngày xưa cứ dịp Tết thì bà, mẹ lại mặc áo dài đi chùa, đi chúc Tết. Đó là những hình ảnh rất đẹp mà mỗi khi nhớ về tôi lại cảm thấy rất bồi hồi. Tôi mong rằng, con cái của tôi cũng có được những cảm xúc đẹp như vậy.

Trong năm, không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội mặc áo dài. Vậy thì chọn dịp Tết để mặc áo dài truyền thống, tại sao lại không?

MC Phan Anh bày tỏ quan điểm về trang phục ngoại lai giống áo dài.

Vậy gia đình của anh đã hưởng ứng lời kêu gọi của anh như thế nào?

Gia đình tôi rất hào hứng, đặc biệt là bà xã. Tôi thấy phụ nữ mặc áo dài rất đẹp. Áo dài giúp người phụ nữ vừa khoe được đường cong của cơ thể, kể cả có hơi thừa cân một tý thì khi mặc áo dài lên vẫn rất gọn gàng. Đặc biệt hơn nữa, khi mặc áo dài trông người phụ nữ nào cũng rất thanh thoát, duyên dáng và dịu dàng. Thế nên, bao giờ vợ tôi mặc áo dài tôi cũng thấy rất đẹp và quyến rũ. Và khi tôi đề cập đến chuyện mặc áo dài đi chơi Tết là được hưởng ứng ngay.

Bên cạnh đó, các con tôi cũng rất thích thú. Mặc dù hai cậu con trai đôi khi hơi khó chịu một chút vì chưa quen. Có một điều đó là khi tôi chia sẻ ý tưởng mặc áo dài đón Tết thì được một số người bạn làm thiết kế, thiết kế tặng cho chúng tôi những bộ áo dài giống nhau. Các con tôi rất thích điều này vì được mặc áo dài giống bố mẹ. Chỉ tiếc là do khi đưa số đo hơi đại khái nên những bộ áo dài giống nhau đó không mặc được mà chúng tôi phải tự phối những mẫu áo dài khác nhau.

Anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng, chính lời kêu gọi của anh đã “châm ngòi” cho phong trào mặc áo dài ngày Tết. Nhưng cũng vì đó mà có những thứ trang phục không phải là áo dài mặc với váy xoè tạo nên những tranh cãi trái chiều trong dư luận?

Tôi rất vui và hạnh phúc vì những lời kêu gọi của tôi được số đông hưởng ứng. Vì như thế là mọi người rất tin yêu mình. Và khi tôi chia sẻ “mọi người hãy mặc áo dài vào dịp Tết” thì tôi cũng chỉ hy vọng Hà Nội, Huế và TP.HCM mặc áo dài thôi chứ không nghĩ là cả nước đều mặc.

Bên cạnh đó, cũng có một vài hệ luỵ. Đó là chính việc này mà có một số bạn đã nhập khá nhiều loại trang phục được gọi là “áo dài cách tân” để phối với váy xoè bán cho mọi người. Cá nhân tôi không gọi đó là “áo dài cách tân” mà là loại áo có tà giống tà áo dài Việt Nam. Tôi thấy điều này bất hợp lý vì nó làm mất đi vẻ thướt tha của tà áo dài truyền thống Việt Nam, nó cũng không tôn vóc dáng của người phụ nữ là mấy. Nhưng ở một khía cạnh nào đó tôi thấy nó cũng khá phù hợp với một vài bạn trẻ.

Phan Anh từng kêu gọi mọi người mặc áo dài vào mồng Một Tết. Ảnh: NVCC.
Phan Anh từng kêu gọi mọi người mặc áo dài vào mồng Một Tết. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, đó là sự lựa chọn của các bạn trẻ còn tôi thì không ủng hộ. Tôi nghĩ rằng, Tết cổ truyền là dịp để chúng ta tôn vinh những nét đẹp, nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình, cớ sao chúng ta lại đi diện một loại trang phục ngoại lai. Còn nếu các bạn trẻ mà diện loại trang phục này trong một dịp khác thì chắc là chúng ta đã không phải lên tiếng nhiều. Vì thời trang là sự lựa chọn của mỗi người. Giống như ông bà ta ngày xưa từng mặc áo tứ thân, áo yếm, áo dài… rồi đến một ngày lại chuyển sang mặc đồ Tây.

Anh nghĩ sao khi vợ và con gái anh cũng lựa chọn loại trang phục ngoại lai đó để mặc trong dịp Tết cổ truyền?

Nếu nói thích hay không thì chắc chắn tôi không thích rồi bởi vì tôi là người không ủng hộ việc diện một loại trang phục ngoại lại trong dịp Tết cổ truyền của nước mình. Còn nếu vợ và con gái tôi lựa chọn loại trang phục ngoại lai đó thì tôi buộc phải tôn trọng họ vì đó là sở thích của mỗi người. Tôi không có quyền bắt vợ con tôi phải mặc cái này, mặc cái kia theo ý tôi. Sự tôn trọng đó là của cá nhân tôi dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng vợ con mình.

Tuy nhiên, không phài vì thế mà mình không có ý kiến. Tôi sẽ nói là tôi không thích và tôi đưa cho vợ con những thông tin về bộ trang phục ngoại lai đó mà tôi biết được. Ngoài ra, tôi cũng sẽ nhấn mạnh đến việc, Tết Việt là dịp để chúng ta đề cao những cái gì thuộc về bản sắc của chúng ta. Còn quyền quyết định là tuỳ thuộc vào mỗi người.

Các con và cháu của Phan Anh mặc áo dài truyền thống trong dịp Tết. Ảnh: NVCC.
Các con và cháu của Phan Anh mặc áo dài truyền thống trong dịp Tết. Ảnh: NVCC.

Yêu và trân quý tà áo dài truyền thống của Việt Nam như vậy thì anh còn nhớ tà áo dài mà vợ anh đã mặc trong lễ ăn hỏi?

Có chứ. Tôi nhìn thấy vợ tôi mặc áo dài là vào một ngày trường cấp 3 tổ chức hội vì ngày xưa chúng tôi học chung trường mà. Tôi nhớ hôm đó, tôi đến nhà đón vợ tôi đi vào trường, và khi nhìn thấy cô ấy mặc áo dài thì tôi hơi thảng thốt một chút. Tôi hơi bất ngờ khi cô ấy mặc chiếc áo dài từ trong nhà đi ra.

Lần thêm trong ký ức tôi nhớ về hình ảnh vợ tôi mặc áo dài trong đám cưới em gái tôi. Trong đám cưới đó gia đình tôi chụp khá nhiều tấm hình và những tấm hình đó rất nhiều cảm xúc. Rồi tà áo dài vợ tôi mặc trong lễ ăn hỏi vì chính tôi đã chở vợ tôi đi chọn áo dài đó. Nói thật là bản thân tôi cũng hơi kỹ tính nên chọn được áo dài đó là cả một vấn đề.

Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long

Clip: Xuân Ngọc