MC Lại Văn Sâm: "Nếu nói điều giả dối thì khác nào tự tát vào mặt mình"

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - "Làm chương trình này, mỗi khi nói gì tôi đều phải nhớ rằng xung quanh còn rất nhiều người biết tôi từ bé đến lớn, biết cả nhà tôi. Họ chính là những người học cùng tôi, làm cùng tôi", anh bộc bạch.

Khi chia sẻ những kỷ niệm trong quãng thời gian gắn bó với chương trình "Ký ức vui vẻ", trong tập Gala vừa phát sóng, NSND Tự Long trải lòng: Tôi gắn bó với chương trình này từ đầu tới giờ và thấy trong nó có những thứ thiêng liêng, lại nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Tôi được nhận những thứ mà đến bản thân còn bất ngờ ở ngoài đời.

Tôi là một người rất hoài niệm, luôn nhớ về ấu thơ của mình ở quê. Ký ức của tôi là ký ức của một đứa trẻ con làng, với bạn bè. Bạn bè tôi ngày đó cho đến giờ đều phải công nhận những ký ức tôi kể ra về ấu thơ của mình là đúng, không nói hộ người nào cả".

MC Lại Văn Sâm: Nếu nói điều giả dối thì khác nào tự tát vào mặt mình - 1

"Mình nói, mình phải nhớ đến rằng, xung quanh có rất nhiều người biết mình, biết nhà mình, biết mình từ bé đến lớn. Họ chính là những người học cùng mình, làm cùng mình", MC Lại Văn Sâm chia sẻ.

MC Lại Văn Sâm nghe vậy cũng bày tỏ: "Vì mình đang xuất hiện trên sóng truyền hình mà. Mình nói, mình phải nhớ đến rằng, xung quanh có rất nhiều người biết mình, biết nhà mình, biết mình từ bé đến lớn. Họ chính là những người học cùng mình, làm cùng mình.

Nếu chúng ta nói một điều giả dối thì chẳng khác nào tự tát vào mặt mình".

Anh cũng chia sẻ thêm: "Khi về già, người ta thường hay nhớ lại, hoài niệm lại quá khứ. Đó là lí do vì sao nhiều người thích viết hồi ký. Tôi thì chưa bao giờ nghĩ tới chuyện viết hồi ký dù tuổi đã khá cao. Tôi cảm giác mình chưa già đến mức độ phải viết hồi ký.

Nhưng từ khi làm chương trình này, tôi mới nhận ra mình cũng giống như đang viết hồi ký, mà đang làm chương trình liên quan tới hồi ký không chỉ của riêng mình mà còn của rất nhiều người cùng thế hệ mình, trước thế hệ mình. Có lẽ vì thế mà tôi được nhiều người theo dõi đến như vậy".

Lại Văn Sâm: "Mẹ vợ nuôi tôi khi thất nghiệp"

Trước đó, không ít lần Lại Văn Sâm gây xúc động khi chia sẻ những "góc khuất" trong cuộc đời. Trong chương trình phát sóng năm 2019, nhà báo kỳ cựu từng gây bất ngờ khi tiết lộ về quãng thời gian khốn khó, thất nghiệp, mẹ vợ phải nuôi.

"Năm 1987 thì tôi lần đầu tiên tiếp cận với truyền hình, sau khi ở Liên Xô về. Khi đó tôi đến Đài Truyền hình thử việc ở phòng Thể thao. Anh Vũ Huy Hùng là người trực tiếp tuyển dụng tôi. Khi tôi đến, anh giao cho tôi bản ở Nga có hàng tuần -  tổng hợp bóng đá tuần. Tôi dịch xong đưa cho anh. Anh nói rằng, có mấy chỗ không ổn, phải sửa, văn này… Tây quá. Và tôi chỉnh sửa lại…

Làm cho đến hết năm 1987, vẫn chưa có ai đả động đến mình. Tôi bỏ. Tôi về phụ việc cho mẹ vợ bán hàng ở nhà số 74 phố Đồng Xuân. Khách nước ngoài vào thì tôi dịch cho bà, nói giá cả này khác. Thời gian đó, bà đã nuôi tôi...", MC Lại Văn Sâm kể.

Hay trong chương trình phát sóng dịp Tết vừa rồi, đồng cảm với diễn viên Nhan Phúc Vinh, NSND Tự Long khi tình yêu người thân khó thể hiện thành lời, Lại Văn Sâm thẳng thắn thừa nhận: "Cho đến khi mẹ mất, tôi chưa một lần nói yêu mẹ".

MC Lại Văn Sâm: Nếu nói điều giả dối thì khác nào tự tát vào mặt mình - 2

 "Khi tôi về nước, bố tôi mất, ở nhà còn mỗi mợ (mẹ- PV) tôi thôi. Cho đến khi bà mất, tôi cũng chưa lần nào nói con yêu mợ lắm".

Anh chia sẻ: "Tình yêu vẫn có, nó thể hiện qua hành động của mình. Bố mẹ sẽ tự cảm nhận được qua hành động đó. Tôi nghĩ, các ông bố bà mẹ Việt Nam, người ta thường bảo nước mắt chảy xuôi. Bố mẹ bao giờ cũng yêu con cái hơn là con cái yêu bố mẹ. Đó là điều chắc chắn.

Nhưng tình cảm của chúng ta, chúng ta có thể không nói nên lời nhưng hành động của chúng ta, tôi nghĩ là bố mẹ hiểu hết. Đó là điều bố mẹ cần, chứ không chỉ lời nói: "con yêu bố, con yêu mẹ" đâu.

Tôi có may mắn hơn Nhan Phúc Vinh và Tự Long. Từ bé cho đến khi ra nước ngoài, chưa một lần tôi nói lời yêu thương với bố mẹ, anh chị. Nhưng khi ở nước ngoài, tôi viết thư về, trong thư mình dễ bộc lộ tình cảm hơn. Tôi mới bày tỏ lòng nhớ thương, kính yêu bố mẹ và biết ơn bố mẹ. Dễ nói hơn nhiều. Chứ nói trực tiếp với bố mẹ, tôi cũng không nói được.

Khi tôi về nước, bố tôi mất, ở nhà còn mỗi mợ (mẹ - PV) tôi thôi. Cho đến khi bà mất, tôi cũng chưa lần nào nói con yêu mợ lắm. Tôi chỉ biểu lộ qua hành động của mình thôi. Chẳng hạn như khi bà 80 tuổi rồi, tôi vẫn cố mời bà đi từ Hà Nội vào Sài Gòn, đi thăm cả Đồng Nai, Bình Dương…

Tôi thấy bà hạnh phúc lắm. Tôi càng cảm thấy yêu mẹ hơn bao giờ hết nhưng tuyệt nhiên chưa nói được thành lời…"