Mạng sống đang bị coi rẻ trên phim trường?
Sẽ còn những cái chết oan uổng như diễn viên Nguyễn Giàu trong phim “Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc” nếu mạng sống con người không được xem trọng trên phim trường như hiện nay
Tin anh Nguyễn Giàu diễn viên bị tai nạn đa chấn thương trên trường quay bộ phim “Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc” do Công ty Giải trí Ưng Hoàng Phúc và Công ty Ngộ Entertainment đầu tư sản xuất, đã qua đời lúc 11 giờ 40 phút ngày 10-8 khi mới 25 tuổi đã khiến nhiều đồng nghiệp, công chúng thương tiếc, xót xa lẫn bức xúc. Anh Giàu sẽ không phải chết oan uổng nếu mạng sống con người không bị coi rẻ trên phim trường như vậy.
Đóng vai quần chúng phải chịu
“Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc” là phim điện ảnh hành động - hài nên huy động một lực lượng diễn viên quần chúng rất đông. Theo lời kể của nhiều người có mặt tại đoàn phim, hôm xảy ra tai nạn của anh Giàu (24-7), đoàn phim triệu tập khoảng 50 diễn viên quần chúng và cascadeur (người đóng thế) tham gia. Hầu hết họ đều không được ký hợp đồng lao động và mua bảo hiểm. Anh Giàu cũng nằm trong số đó.
Không chỉ anh Giàu mà đa số diễn viên quần chúng hiện nay đều xuất thân từ sinh viên, người chưa có việc làm hay gia đình nghèo khó. Họ đến với phim vì muốn kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Vì thế, ai cũng mang tâm trạng “đi đóng phim được là mừng rồi”. Anh Văn Thành, một diễn viên quần chúng chia sẻ: “Tôi đi đóng vai quần chúng đã 3 năm nay nhưng chẳng bao giờ quan tâm tới chuyện hợp đồng hay bảo hiểm”. Một người phụ trách gọi diễn viên quần chúng cũng xác nhận: “Lâu nay, tôi ít thấy diễn viên quần chúng lên tiếng hỏi về hợp đồng hay bảo hiểm. Vì họ đóng vài ba cảnh quay đơn giản, không nặng nhọc và nguy hiểm nên chỉ mong kiếm được vài ba trăm ngàn là xong!”.
Song, nói như anh Quang Bình, một diễn viên quần chúng khác: “Nói không quan tâm cũng không chính xác, đúng hơn là chúng tôi không có quyền đòi hỏi. Ban đầu vào nghề, tôi cũng sợ tai nạn vì đôi khi cũng phải đóng những cảnh nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro như đánh chém nhau hay nhảy từ trên cao xuống. Nhưng khi hỏi hợp đồng hay bảo hiểm thì mọi người đều lắc đầu bảo: Đừng có mơ! Đóng vai quần chúng phải chấp nhận thiệt thòi thôi”. Diễn viên Thân Thúy Hà cũng cho rằng các diễn viên có đòi quyền lợi nhưng không được nên họ nản, không còn quan tâm. Rất nhiều diễn viên quần chúng vì yêu nghề, kiếm tiền mà chẳng màng đến sự nguy hiểm của bản thân, chấp nhận làm nghề với tâm trạng “may nhờ rủi chịu”.
Đổ hết cho nghèo
Chuyện tai nạn nói riêng và an toàn cho diễn viên trên trường quay nói chung được cảnh báo từ hàng chục năm nay. Báo Người Lao Động từng có loạt bài “Tai nạn trường quay: Không ai bảo hiểm” từ năm 2005 cũng đã đề cập thực trạng này. Song từ đó đến nay, những tồn tại đã đề cập vẫn không cải thiện. Trường hợp của anh Nguyễn Giàu mới đây lại một lần nữa cho thấy nguy hiểm luôn chực chờ các diễn viên khi họ làm việc trên trường quay.
Một diễn viên cho biết: “Với những diễn viên có ký hợp đồng thì đều được mua bảo hiểm. Còn những diễn viên không ký hợp đồng thì đương nhiên là không được mua bảo hiểm”. Diễn viên Thân Thúy Hà nêu thực tế: “Không chỉ có diễn viên quần chúng không được mua bảo hiểm mà hiện nay, phần lớn diễn viên phụ cũng không được mua bảo hiểm”.
Theo đạo diễn Đinh Thái Thụy, việc mua bảo hiểm cho diễn viên lâu nay bị các nhà sản xuất phớt lờ. Rất nhiều nhà sản xuất lấy cớ do nghèo để giải thích cho việc không thể mua bảo hiểm cho diễn viên. “Trong thời buổi làm phim kinh phí thấp, phải chi đủ thứ nên đoàn phim phải ưu tiên những khoản chi cần thiết hơn. Bảo hiểm cũng quan trọng nhưng thù lao diễn viên còn quan trọng hơn nên tiết giảm được chừng nào hay chừng ấy” - đại diện một nhà sản xuất phim truyền hình thú nhận. Trong khi việc bảo hiểm cho đoàn làm phim chưa được quy định trong Luật Điện ảnh càng khiến cho các nhà sản xuất làm lơ.
Vấn đề bảo đảm an toàn tại trường quay cũng bị các nhà sản xuất, đoàn phim viện lý do vì “nghèo”. Môi trường làm việc của diễn viên chưa bảo đảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn cũng vì đoàn phim không trang bị bảo hộ lao động. Chẳng hạn như địa điểm quay của đoàn phim “Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc” ngay trên lầu 1, nơi công trình xây dựng đang dang dở, có nhiều lỗ trống. Ai cũng biết chỉ cần sơ suất là diễn viên có nguy cơ thương vong.
Rõ ràng đoàn phim hoàn toàn lơ là đến chuyện bảo đảm điều kiện an toàn, bảo hộ, bảo hiểm phim trường. Cứ có sự cố thì giải quyết theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong khi tai nạn xảy ra, không những diễn viên bị tổn hại sức khỏe, tính mạng, gia đình của họ bị ảnh hưởng mà đoàn làm phim cũng tốn kém chi phí lo liệu, bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn. Hơn nữa, việc quay bị gián đoạn, uy tín của đoàn làm phim bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kathy Uyên, diễn viên người Mỹ gốc Việt, cho biết khi đóng phim ở Mỹ, toàn bộ việc bảo hiểm cũng như mọi quyền lợi khác của cô đều do Hiệp hội Diễn viên Mỹ (SAG) bảo vệ. “Tai nạn đau lòng cứ lần lượt xảy ra nhưng ai là người bảo vệ, giám sát an toàn trên phim trường là một câu hỏi lớn không có lời giải đáp” - đạo diễn Đinh Thái Thụy băn khoăn.
Mảng trống trong quản lý
Theo các nhà chuyên môn, pháp luật lao động quy định khi có quan hệ lao động, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) phải giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). HĐLĐ là sự thỏa thuận về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Trường hợp NLĐ là diễn viên được thuê đóng phim, được trả tiền công (cát-sê) là có đủ yếu tố để xác định giữa hai bên đã phát sinh quan hệ lao động. Vì vậy, phải tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, trong đó có việc giao kết HĐLĐ và thực hiện chính sách về bảo hiểm.
Như vậy, tùy từng trường hợp thuê mướn lao động cho các công việc trong quá trình sản xuất phim, NSDLĐ có thể giao kết HĐLĐ với NLĐ theo từng loại khác nhau. Nhưng dù giao kết HĐLĐ loại nào thì khi xảy ra tai nạn lao động với diễn viên, NSDLĐ cũng phải thanh toán toàn bộ chi phí từ khi sơ, cấp cứu cho đến khi điều trị ổn định thương tật cho họ, sau đó, phải đưa NLĐ đi giám định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động để giải quyết việc bồi thường và chế độ trợ cấp tai nạn lao động.
Pháp luật lao động cũng quy định NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho NLĐ và NLĐ có quyền từ chối làm công việc khi thấy rõ nguy cơ tai nạn lao động xảy ra, đe dọa tính mạng, sức khỏe của mình.
Từ lâu nay, theo các nhà quản lý chuyên môn, đây là một mảng trống trong việc quản lý, thực hiện các chế độ lao động cho đối tượng NLĐ là diễn viên trong quan hệ lao động hiện nay. Phần lớn các diễn viên không được giao kết HĐLĐ và không được bảo hiểm tai nạn, nhất là diễn viên phụ, diễn viên quần chúng.
Thực tế, có những tai nạn hoàn toàn không thuộc nguyên nhân chủ quan của con người. Có một vài hãng phim mỗi khi thành lập đoàn phim, bất kể có pha nguy hiểm hay không đều mua bảo hiểm cho toàn đoàn theo quy định của nhà nước, cả bảo hiểm bệnh tật lẫn bảo hiểm tai nạn. Nhưng phần lớn các hãng phim hiện nay lấy lý do kinh phí làm phim eo hẹp nên chỉ những phim dự kiến có những cảnh nguy hiểm nhà sản xuất mới mua bảo hiểm tai nạn cho đoàn phim, kể cả máy móc trang thiết bị. Một số hãng cho biết chỉ mua bảo hiểm nếu diễn viên yêu cầu còn không thì thôi. Nếu chẳng may có xảy ra tai nạn trong quá trình quay phim, nhà sản xuất có trách nhiệm chăm lo việc điều trị cho diễn viên là được.
Có phim để đóng, có tiền thù lao là đã mừng rồi nên diễn viên ít ai ý thức, quan tâm đến việc có hay không có bảo hiểm tai nạn trên trường quay. Vì muốn có phim để đóng, nhiều diễn viên chẳng màng đến sự nguy hiểm của bản thân. Khi tai nạn xảy ra, nhà sản xuất nói lời xin lỗi, thăm hỏi, động viên và chịu toàn bộ viện phí xem như là hết trách nhiệm. Còn tính mạng của diễn viên, cuộc sống người thân của họ sẽ ra sao khi có trường hợp tai nạn tử vong hoặc mang thương tật nặng đến suốt đời thì gần như bỏ mặc!
Bảo vệ tính mạng diễn viên trên phim trường đang cần sự ra tay quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước và sự lên tiếng mạnh mẽ của các hội điện ảnh trong việc bảo vệ lợi ích người làm nghề.
Ân Thông
Theo Hạ Nguyên
Người lao động