Lòng say mê - một sức mạnh ghê gớm
Đó là một câu viết trích trong Nhật ký ghi chép của họa sỹ Bùi Xuân Phái “Lòng say mê - một sức mạnh ghê gớm”. Khi thực hiện bộ tranh “Những con chữ” để kỷ niệm Thăng Long nghìn năm tuổi, năm 2010 tôi đã cho ký tự này của họa sỹ vào tranh của mình.
Khi đọc dòng viết này của ông, tôi thấy hình ảnh của bác hiện lên rõ mồn một. Dáng bác cao gầy mảnh khảnh, mong manh, hai bàn tay ngón dài gầy guộc. Tính tình nhẹ nhàng, dịu hiền, mềm mỏng, ý nhị, với nụ cười mỉm như e dè, ngập ngừng, dí dỏm như muốn nói, lại như muốn hỏi. Bác hay ngạc nhiên về mọi thứ như một đứa trẻ ngây thơ, ngơ ngác chưa biết tý gì, mà lại cũng như một ông già đã thấu hiểu mọi lẽ đời sống ngàn năm tuổi với đôi mắt to, trong vắt, rực sáng rất đẹp.
Cứ nhìn thấy bác là tôi lại liên tưởng thấp thoáng đâu đây thần thái của Đức Chúa Giêsu - bác cũng vác trên vai thập tự giá của riêng mình và ở con người bác toát lên tinh thần của một người tử vì đạo, quý phái, thanh cao, dễ gần, tài năng nhưng không cao ngạo, say mê nghệ thuật như là lẽ sống của mình vậy.
Ấy vậy mà con người gầy gò, mong manh, nhỏ nhẹ, dịu dàng, mềm mỏng như vậy lại là người có sức làm việc, một ý chí ghê gớm. Tôi chưa thấy họa sỹ nào mà lòng đam mê vẽ đến đắm say, quyết liệt như vậy. Ở bất kỳ chỗ nào, ngồi uống cà phê, ngồi nói chuyện với bạn, trong cuộc rượu, trong cuộc họp… lúc nào bác cũng vẽ, có toiles sơn thì bác vẽ sơn dầu, không có thì bác vẽ bột màu, thuốc nước, bút chì, bút mực - vẽ trên giấy, trên báo, vẽ trên hộp diêm, hộp thuốc lá, trên mảnh carton… Bác vẽ những gì hiện ra trong trí nhớ, vẽ những con phố Hà Nội đã nằm trong sâu thẳm tâm hồn mình, vẽ những vật dụng quanh bác, vẽ bạn bè đang ngồi nói chuyện với bác hay những bóng hình thoáng qua trên phố, bất kỳ cái gì bác chợt bắt gặp trong tiềm thức hay trực diện trong đời sống đều được bác vẽ lên như sợ nó sẽ vuột qua, biến mất, bác hối hả giữ lại nó bằng những nét vẽ của mình. Vẽ đối với bác như là hơi thở vậy.
Tôi có may mắn được biết bác từ khi còn nhỏ, khi tôi mới bước chân tập tọng vẽ những bức đầu tiên. Bố tôi đã dắt tôi đến nhà bác để được xem tranh của bác, được nghe bác và bố tôi nói chuyện. Sau này vào học trường Mỹ thuật, ngoài việc học tập ở trường, bố tôi thường xuyên đưa tôi đến nhà bác để được bác chỉ dạy cách thức vẽ, được bác nói cho nghe về những bức tranh của bác, ngồi cạnh bác hàng giờ xem bác vẽ để học hỏi, ngắm tranh của bác không biết chán và quan trọng hơn cả là được nghe bác nói về quan niệm, suy nghĩ về con đường nghệ thuật, hội họa.
Tôi đã học được ở bác rất nhiều. Đó là những năm tháng hạnh phúc, hồn nhiên tươi đẹp nhất của tôi khi lần đầu tiên tiếp xúc với hội họa - một cánh cửa mới lạ, hấp dẫn như một ma lực cuốn tôi vào niềm đam mê hội họa đi suốt cuộc đời tôi đến tận bây giờ.
Việc tôi được bố cho đến học thêm các bác họa sỹ như bác Phái, bác Sáng, bác Nghiêm, bác Văn Cao, bác Dương Bích Liên, bác Sỹ Ngọc… trong những năm thập kỷ 60 -70 là một hạnh phúc may mắn nhất của tôi nhưng cũng là chông gai trên con đường nghệ thuật của mình. Tôi là người may mắn nhưng cũng phải trả giá rất nhiều, bởi đó là giai đoạn khó khăn nhất của văn hóa nghệ thuật, cũng là giai đoạn khó khăn nhất của các bác thời Nhân văn giai phẩm. Tôi là một học sinh đang đi học ở trường Mỹ thuật nhưng lại học thêm các bác ở ngoài, mà các bác lại toàn là người của Nhân văn giai phẩm lúc đó vì thế khi tốt nghiệp ra trường tôi gặp rất nhiều khó khăn và bị quy chụp là không chịu tuân theo sự giảng dạy của nhà trường và cũng có nhiều chuyện không hay xảy ra với tôi.
Căn phòng gia đình bác ở bé tý, có một căn gác xép thấp lè tè không đứng thẳng được, phải cúi lom khom - đó là atelier của bác, rộng độ mấy mét vuông. Tôi vẫn còn nhớ nhiều lần bác đưa tôi và bố lên căn gác xép ngổn ngang bút màu và tranh, những bức tranh phố với gam màu nâu và trắng, màu xám, màu vàng đất, được phân định bởi những đường viền đen rung cảm, những bức biển với những nhát dao vẽ phóng khoáng, mạnh mẽ, nghe như tiếng sóng biển vỗ đâu đây, những bức tranh tĩnh vật vẽ những vật dụng thân quen với bác như cái đèn dầu, điếu cầy, chai rượu, lọ gốm thô mộc. Mầu thâm trầm ấm áp và đượm buồn, những bức chèo với mầu tươi vui hơn, xanh lam, vàng, xanh nõn, đỏ, đỏ điều bác vẽ trong thời gian bác đi vẽ trang trí sân khấu cho đoàn chèo.
Tôi cũng nhớ những bức tranh bác vẽ con trai bác Bùi Kỳ Anh người lính trẻ đã mất, bác bày ở bàn thờ, rồi chân dung con gái bác, vợ bác… Tôi nhớ có lần đến thăm bác, thấy bác vẽ một số bức mới trừu tượng, bác bảo tôi: Bác vẽ trừu tượng đấy, bác nghiên cứu vẽ nó, bởi có nhiều người bảo bác không biết vẽ trừu tượng. Bác thử sức mình vào lĩnh vực này xem. Những bức trừu tượng của bác mầu sắc tươi vui hơn, cô đọng hơn nhưng thấp thoáng đâu đó cảm nhận của những mái nhà, những con phố đã thấm sâu vào máu, vào tâm hồn bác, nó đẹp vì rất thực với tâm hồn bác.
Những năm 70, làm ở Tạp chí Thanh niên của Trung ương Đoàn, tôi thường hay đến nhà bác đặt bác vẽ minh họa cho báo, tôi cũng thường hay làm minh họa cho các báo, nhất là Báo Văn nghệ cùng các bác. Cứ mỗi lần vẽ minh họa xong, có nhuận bút tôi lại mời bố tôi, chú Chính ở Báo Văn nghệ, bác Phái, bác Văn Cao đi uống cà phê hay tới nhà tôi ăn cơm. Có lần đang ngồi cùng bác bất chợt bác hỏi tôi: “Hiền à, nếu bây giờ cho cháu đầy đủ nguyên liệu toiles, sơn dầu, bút vẽ cháu muốn vẽ bao nhiêu cũng có đủ nhưng với điều kiện cháu phải cô đơn một mình trên hoang đảo, không được tiếp xúc với bất kỳ ai kể cả thư từ liên hệ với đời sống bên ngoài, cháu có vẽ được không?”.
Tôi nhìn bác, bác nhìn tôi, hai bác cháu không biết câu trả lời thế nào. Bác lại nhấn mạnh: “Dù không được tiếp xúc với ai nhưng cháu có đầy đủ nguyên liệu toiles sơn để vẽ cơ mà? Cháu có vẽ được không?”. Ở thời gian khó khăn như lúc đó tôi cũng có giấc mơ rằng mình lúc nào cũng có đủ toiles sơn để vẽ, nhưng điều kiện bác đưa ra khó khăn quá, nghĩ mãi, vừa định trả lời thì bác nói: “Chắc là cháu không vẽ được, đúng không?”. Tôi nói vâng. Bác nói, bác cũng vậy, dù có thừa mứa toiles sơn để vẽ, nhưng cô độc một mình trên hoang đảo không được tiếp xúc liên hệ với đời sống con người thì làm sao làm nghệ thuật được, nếu cứ vẽ, nó sẽ là thứ nghệ thuật chết, không có hồn, khô cứng vì không có hơi thở của cuộc sống.
Bác đã viết trong nhật ký “Những người nghệ sỹ phải chăng là những người đi tìm những giấc mơ đẹp ngay trong cuộc sống” - nếu không có sự gắn liền tình yêu với con người và cuộc sống, những đống toiles sơn thừa mứa cũng chỉ còn là có đống nguyên liệu vô hồn mà thôi.
Nói chuyện với tôi như vậy xong, bác nhìn ra xa, ngồi xụm xuống và thở dài. Tôi bỗng thấy thương bác vô cùng, một họa sỹ tài năng, lao động không ngừng, có lòng say mê và sức mạnh ghê gớm trong lao động và sáng tạo nghệ thuật, nhưng không ai hiểu rằng ẩn sâu trong bác một nỗi khát khao có được một chút điều kiện tốt hơn, một atelier tương đối rộng với đầy đủ toiles, sơn, bút, dao vẽ để bác được thỏa chí vẫy vùng trong lao động, sáng tạo nghệ thuật của mình - ước mơ đơn giản nhất của một người họa sỹ đó là có đủ những nguyên liệu để được vẽ.
Tôi chưa thấy họa sỹ nào có nhiều tranh nhỏ tí trên những mảnh carton, giấy báo, giấy bìa, bao thuốc lá, vỏ diêm… như bác. Giá như có điều kiện đầy đủ toiles sơn nguyên liệu như bác từng mơ ước biết đâu những bức tranh trên vỏ diêm, vỏ bao thuốc lá, trên mảnh giấy báo lại không hiện lên ngồn ngộn sắc mầu trên những tấm toiles, cho ra những bức tranh tầm cỡ để lại cho đời!
Vậy mà giấc mơ nhỏ bé để được làm việc thỏa chí ấy của bác, đến cuối đời bác vẫn không đạt được. Bác vẫn thật là nghèo. Những bức tranh bác vẽ, bác tặng, bác cho, bác đổi lấy cà phê, lấy rượu để nhâm nhi vui cùng bạn bè, đến bây giờ nếu bán đi một bức tranh của bác cho đi thời đó thì đã đủ để bác mua được cho mình bao nhiêu là nguyên liệu toiles sơn dư thừa để vẽ, những bức tranh bác cho, bác tặng, bác đổi lấy cà phê, lấy rượu thết bạn bè, giờ có thể trở thành cả gia tài của họ. Thật tiếc làm sao khi bác còn sống lại không có đủ toiles sơn cho bác vẽ, ước mơ nhỏ bé của bác sao đơn giản mà khó khăn đến vậy.
Trong lòng tôi, bác là một người thầy, người bạn thân thiết trong gia đình, tôi quý trọng và thương bác lắm nên lúc nào cũng muốn làm bác vui.
Khi làm ở xưởng tranh nghệ thuật Việt Nam, tôi đề xuất việc bày phòng tranh ở ngoại giao đoàn trong những dịp Tết của người nước ngoài và vẽ ký họa chân dung họ, tôi muốn tạo một không khí làm việc cho các họa sỹ giống như ở quán cà phê La Rotonde hay ở phố Montmartre ở Paris nơi các họa sỹ thường gặp nhau để trao đổi những ý tưởng sáng tác hay vẽ ký họa chân dung cho có chút hoạt động văn hóa giao lưu giữa họa sỹ với mọi người, nhất là những người nước ngoài để họ hiểu thêm về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam - tôi đã mời bác, bác Văn Cao, Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến cùng tham dự. Bác cháu tôi đã có những buổi vui vẻ tuyệt vời, vẽ từ chập tối đến gần sáng, tay run, mồ hôi vã ra trong đêm đông giao thừa vẫn không hết khách tây xếp hàng mua tranh và vẽ chân dung ký họa họ.
Khi tôi lập gia đình, trong đám cưới của tôi, tôi đã trải một tờ giấy troky dài suốt căn phòng để bác và bác Văn Cao vẽ, hai bác đã dùng bút lông vẽ tôi và chồng tôi trên tờ giấy đó, rồi tất cả cùng ký vào bức tranh, anh Thái Bá Vân, anh Đào Trọng Khánh, Nguyễn Hữu Tuấn, Phạm Việt Thanh… và rất nhiều bạn bè đã ký kín đặc bức tranh đó.
Mọi cuộc vui trong gia đình, ngày lễ, ngày Tết bao giờ cũng có bác và bác Văn Cao đến uống rượu chia vui. Con tôi đầy tháng, đầy năm, những bước chân chập chững đầu tiên của con tôi đều có sự chứng kiến của bác và bác Văn Cao. Sau này vào miền Nam công tác, tôi ít có điều kiện gần bác hơn nhưng hễ có dịp ra Hà Nội là tôi lại đến thăm bác, dắt khách đến mua tranh cho bác, hay biếu bác chai rượu ngon để bác vui cùng bạn bè.
Tấm lòng tôi dành cho bác chẳng làm sao bù đắp nổi những tháng ngày bước đầu đi học vẽ, được ngồi hàng giờ bên cạnh xem bác vẽ, được bác xem xét phê bình góp ý cho từng bức tranh của tôi, được bác nói cho nghe về những suy nghĩ, quan điểm của con đường đi đến nghệ thuật, hội họa mà tôi theo đuổi và được chứng kiến cuộc đời bác, một con người thuần khiết, trong veo với đôi mắt ngùn ngụt sáng của niềm say mê nghệ thuật sáng tạo, lao động không ngừng như một tấm gương để tôi ngưỡng mộ thương yêu, trân quý và học tập.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
Theo An Ninh Thủ Đô