Thanh Hóa:
Lối vào di tích Quốc gia bị chắn bởi... trang trại gà
(Dân trí) - Nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Chiến khu Ngọc Trạo- nơi đã được công nhận di tích Quốc gia vào năm 1994, thế nhưng, Hang Treo đang bị xâm phạm nghiêm trọng khi một trang trại gà cả hàng nghìn con chắn ngay lối vào.
Quần thể Khu di tích lịch sử Chiến khu Ngọc Trạo và Hang Treo nằm trên địa bàn huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Hang Treo tọa lạc tại nơi giáp ranh giữa xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành và xã Hà Long, huyện Hà Trung. Nơi đây, vào đêm 19/9/1941, 21 chiến sĩ đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo được thành lập (đây cũng chính là đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thanh Hóa sau này). Quần thể di tích Chiến khu Ngọc Trạo - Hang Treo được xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1994.
Tại Quyết định của Bộ Văn hóa Thông tin công nhận nêu rõ: “Công nhận di tích lịch sử di tích Chiến Khu Ngọc Trạo (Khu trung tâm và Hang Treo) xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa là di tích Quốc gia. Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử, danh lam và thắng cảnh phải được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin cho phép.
Thế nhưng, hiện nay Hang Treo đã xuống cấp và ít được quan tâm tu bổ. Điều đáng nói, ngay lối vào Hang Treo, một trang trại gà hàng nghìn con mọc lên bịt kín lối vào. Dù trang trại này mọc lên đã được 2 năm thế nhưng cơ quan chức năng lại lúng túng trong cách xử lý.
Được biết, khu đất xây dựng trang trại gà thuộc quyền quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Thạch Thành, đơn vị này đã giao đất cho hộ gia đình ông Long sau đó hộ ông Long đã bán lại cho ông Hùng (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Tuy nhiên ông Hùng không trồng cây mà chuyển sang làm trang trại nuôi hàng nghìn con gà.
Theo quan sát, trước cửa hang là một khu trang trại rộng khoảng 2 ha, xây dựng chuồng trại kiên cố khiến du khách đến đây không thể nhận ra đâu là Hang Treo, một địa chỉ đỏ về cách mạng của Thanh Hóa. Du khách đến tham quan đều phải xin phép những người trông trại gà mở tới 3 lần khóa mới có thể vào được trong hang.
Ông Nguyễn Văn Vương, Giám đốc Ban quản lý di tích Chiến khu Ngọc Trạo cũng thừa nhận có việc trang trại gà nằm ngay lối vào Hang Treo và cho biết Ban cũng đã gửi đã báo cáo bằng văn bản lên huyện để có hướng xử lý.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Khắc Vân, Trưởng phòng Văn hóa huyện Thạch Thành thì Khu di tích Chiến khu Ngọc gồm khu trung tâm tại xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành với diện tích là 24 ha, trong đó có 20 ha là rừng phòng hộ. Ngoài ra, khu Hang Treo tại xã Thành Tâm (giáp ranh với xã Hà Long, huyện Hà Trung) chỉ được nhắc đến khi công nhận là di tích Quốc gia.
Cũng theo ông Vân thì di tích này chỉ được nhắc đến qua những trang tóm tắt lịch sử của địa phương, còn lại hầu hết các hồ sơ, biểu đồ, giấy tờ khác đều không có, không có quy hoạch, khoanh vùng bàn giao mốc giới nên rất khó cho công tác quản lý bảo tồn.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Thanh Hóa), cho biết: “Đây là di tích cách mạng quan trọng nhất nhì ở Thanh Hóa vì đây là nơi hình thành lực lượng vụ trang đầu tiên của tỉnh. Về mặt cảnh quan, di tích này đang bị xâm hại nghiêm trọng do con đường chính dẫn vào hang đã bị bịt lại”.
“Do năm 1994 được xếp hạng, trong quá trình lập hồ sơ chưa xác định cụ thể về mặt diện tích, dấu mốc không có nên khó xác định trang trại đó có xâm phạm vào đất di tích hay không. Về lâu dài chắc chắn phải có hướng di chuyển trang trại gà đi nơi khác, để làm được việc này UBND huyện Thạch Thành phải có báo cáo cụ thể lập lại di tích để có hướng xử lý nhằm phát huy tốt giá trị lịch sử văn hóa của di tích này” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Nguyễn Thùy