Lối lên chùa Tây Phương bị sứt mẻ vì vận chuyển bể nước
(Dân trí) - Mới đây, chỉ vì vận chuyển một bể nước cũ từ trên chùa Tây Phương xuống dưới chân chùa mà rất nhiều bậc thềm đá ong cũ kỹ bị sứt mẻ… khiến người dân hết sức bức xúc.
Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự) có tuổi đời trên 500 năm, tọa lạc trên một ngọn đồi Câu Lâu thuộc xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Chùa gắn liền với lịch sử phát triển Phật giáo và kiến trúc Việt Nam. Vào năm 2014, chùa được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Nổi bật nhất ở ngôi chùa này là hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Ngoài ra, đường lên chùa là 247 bậc thang bằng đá ong, rêu phong cổ kính, ngả màu thời gian rất ấn tượng.
Ấy vậy mà mới đây, chỉ vì vận chuyển một bể xây xi măng cũ từ trên chùa xuống dưới chân chùa, một tốp thợ đã làm sứt mẻ hàng loạt bậc đá ong này. Điều này khiến cho nhiều người dân tại địa phương hết sức bức xúc.
“247 bậc đá ong đi lên chùa là điểm nhấn và bộ mặt của chùa sau cổng chùa. Vậy mà tốp thợ đã làm cho nhiều bậc bị vỡ ra, sứt mẻ rất nhiều chỗ. Là một di tích gắn với đời sống tâm linh của chúng tôi nên khi nhìn chùa “chảy máu” chúng tôi không thể không xót xa”, một người dân bức xúc nói.
Theo quy định, tất cả các Di tích Quốc gia đặc biệt đều chịu sự quản lý và kiểm soát của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Tất cả các việc trùng tu, tôn tạo và thay đổi hiện trạng di tích đều phải báo cáo xin phép Bộ theo đúng quy trình quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, vụ việc vừa xảy ra, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vẫn chưa nắm được thông tin.
Ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ cho biết, Bộ sẽ cho tiến hành xác minh thông tin để có phương án xử lý.
PGS.TS Trần Lâm Biền chia sẻ, trước đây, lối đi lên chùa Tây Phương làm bằng đá tự nhiên xếp chồng lên nhau. Các bậc đá thô sơ và không đều đặn. Tuy nhiên, sau này, nhà chùa và người dân địa phương đã làm 247 bậc đá ong ở lối đi lên chùa để việc đi lại của bà con Phật tử thuận tiện hơn.
Các bậc đá bị sứt mẻ rất nhiều chỗ.
Vì mới thêm vào sau này nên các bậc đá này không thuộc phần gốc của di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Theo PGS Trần Lâm Biền, điều đáng nói là phải xem xét việc đưa bể nước từ trên đỉnh chùa xuống để làm gì? Và tại sao đưa xuống mà không có biện pháp để tránh làm sứt mẻ các bậc đá.
PGS.TS Trần Lâm Biền cũng cho rằng, mọi ứng xử với Di tích Quốc gia đặc biệt đều phải thận trọng và cẩn thận. Không thể đem tư duy dễ dãi và chủ quan vào để ứng xử được.
PGS.TS Đặng Văn Bài cũng cho rằng, 247 bậc thang bằng đá ong đi lên chùa Tây Phương mới được làm sau này chứ không thuộc phần gốc của di tích. Nếu đã làm sứt mẻ thì phải kịp thời khắc phục ngay bởi đó là lối lên chùa. Chính quyền địa phương cũng nên có sự giám sát và kiểm soát đối với mọi sự thay đổi ở chùa để kịp thời có báo cáo lên cơ quan quản lý cấp Nhà nước.
Việt Phong - Tùng LongẢnh: Việt Phong