Clip "deepfake" ghép mặt người nổi tiếng:

Lo ngại trước những clip "tưởng không thật mà... thật không tưởng"

(Dân trí) - Những clip này "không thật" bởi kỳ thực ngôi sao không hề xuất hiện trong đó, nhưng chúng lại được thực hiện chân thực đến mức gần như hoàn hảo và đánh lừa được rất nhiều người.

Một tài khoản chuyên tạo clip "deepfake" đã lồng ghép gương mặt tài tử Tom Cruise vào trong các clip một cách chân thực đến mức các clip này hiện đang gây sốt trên mạng xã hội TikTok.

3 video clip đạt hơn 11 triệu lượt xem và vô số những bình luận của cư dân mạng thể hiện sự thán phục trước mức độ chân thực của những clip này, khiến các clip deepfake" đã trở thành hiện tượng mới gây sốt với nhiều người dùng mạng xã hội.

Nếu không được thông báo trước, người xem đã tưởng đó thực sự là những clip của Tom Cruise đang làm ảo thuật, hoặc đang chơi golf.

Hiện tượng các clip "deepfake" đang ngày càng trở nên chân thực đến mức dễ dàng đánh lừa người xem khiến nhiều chuyên gia công nghệ lo lắng.

Đây chính là những ví dụ vô hại đầu tiên có tính cảnh tỉnh cho những vấn đề nguy hại lớn hơn có thể xảy ra về sau, khi những nhân vật có tiếng, có tầm ảnh hưởng trở thành đối tượng bị nhắm tới của các clip giả mạo với nội dung xấu, độc được thực hiện y như thật, có thể đánh lừa được nhiều người xem.

Ông Sam Gregory, giám đốc điều hành của một tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Anh, chia sẻ nỗi lo ngại: "Nhiều phụ nữ đã trở thành nạn nhân của những clip 'deepfake' độc hại. Giờ đây, trong không gian mạng, người dùng Internet tỉnh táo phải hiểu rằng ngay cả mắt nhìn thấy cũng chưa thể tin ngay được. Điều này rất đáng ngại, bởi clip thật có thể bị nghi ngờ là giả, và clip giả có thể bị tưởng lầm là thật".

"Deepfake" là một thuật ngữ ghép từ hai từ trong tiếng Anh gồm "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả mạo) để nói về việc trí tuệ nhân tạo nghiên cứu, tìm hiểu sâu kỹ về biểu cảm gương mặt của một người, rồi tạo nên được những hình ảnh giả mạo đặc tả gương mặt người đó để lồng ghép vào trong clip mà người đó thực ra không hề xuất hiện. Hình ảnh tạo ra lại khá... chân thực, có thể khiến người xem thoạt tiên tưởng đó là nội dung có thực.

Càng ngày, các ứng dụng "deepfake" càng trở nên phát triển và đưa lại những hình ảnh chân thực hơn. Những nhân vật nổi tiếng có nhiều ảnh và clip tồn tại trên mạng là nhân vật dễ bị nhắm đến, bởi trí tuệ nhân tạo sẽ có sẵn nhiều thông tin dữ liệu về các góc mặt, thói quen biểu cảm, cách mở khẩu hình miệng...

Cho tới giờ, những clip "deepfake" lan truyền trên mạng xung quanh tài tử Tom Cruise vẫn chỉ nhằm mục đích giải trí, người tạo ra các clip này chỉ muốn khiến cư dân mạng phải sửng sốt trước những clip giả nhưng quá đỗi chân thực, họ khẳng định ngay từ đầu đây là các clip "deepfake".

Nhưng với những đối tượng có mục đích xấu, cố tình gian lận thông tin, hậu quả và hệ lụy sẽ rất khó lường. Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tại Anh - ông Henry Ajder chia sẻ: "Công nghệ này sẽ tồn tại kể từ đây trong cuộc sống của chúng ta, và chúng ta sẽ chuẩn bị phải đón nhận những sự vụ mà trong đó, những nội dung tiêu cực, độc hại được tạo ra bằng chính công cụ này".

Bà Rachel Tobac, CEO của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ an ninh mạng tại Anh chia sẻ: "Giờ đây, đã có những video clip 'deepfake' thật đến mức gần như khó tìm ra manh mối để biết đó là clip giả mạo.

"Clip 'deepfake' sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng, khiến những kẻ phạm tội bị ghi hình lại bằng video clip thoạt tiên có thể chối cãi rằng đó là clip giả, ngược lại, những người không gây ra hành vi xấu lại có thẻ bị nhắm đến, bị bêu riếu và bị làm tổn thương bằng các clip giả mạo".

Công nghệ "deepfake" khiến ảnh chân dung cổ xưa bỗng sống động trở lại