Liệu có thể phục hồi được Trạm phát sóng Bạch Mai vừa bị phá dỡ?
(Dân trí) - Đây là điều mà rất nhiều người quan tâm sau khi một phần của toà nhà 1 tầng vốn là trụ sở của Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ hôm 9/2.
Việc toà nhà 1 tầng ở ngách 128C/22 Đại La, vốn là trụ sở của Trạm phát sóng Bạch Mai bị đơn vị quản lý là Công ty Cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Văn hoá tự ý phá dỡ một phần đã khiến nhiều người hết sức bức xúc. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là liệu có thể phục hồi lại được toà nhà này để biến nơi đây thành một di tích lịch sử - văn hoá.
Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu - bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Dân trí về vấn đề này.
Theo ông, liệu việc phục hồi lại dãy nhà 1 tầng vốn là trụ sở của Trạm phát sóng Bạch Mai ở địa chỉ ngách 128C/22 Đại La vừa bị phá dỡ có khả thi?
Tôi nghĩ việc phục hồi lại dãy nhà 1 tầng vốn là Trạm phát sóng Bạch Mai vừa bị phã dỡ một phần ở địa chỉ 128C/22 Đại La là có thể được. Vì có thông tin là vẫn còn lưu giữ hồ sơ của toà nhà này.
Ngoài ra, vì kết cấu và kiến trúc của toà nhà không quá phức tạp, mọi người cũng đã chụp ảnh lại nhiều rồi nên việc phục hồi lại cũng không khó lắm. Tất nhiên, chúng ta chỉ có thể phục hồi lại một phần nào thôi chứ việc phã dỡ như thế cũng đã làm giảm đi giá trị gốc của công trình.
Theo như thực tế hiện trạng công trình thì bên đơn vị quản lý đã phá dỡ đi 1/3, chỉ còn lại 2/3 công trình. Với tỉ lệ đó thì chỉ có thể gọi là phục dựng chứ không hẳn là phục hồi. Có thể việc phục dựng lại vẫn giúp người ta hình dung được hình thức của công trình nhưng giá trị gốc sẽ không được như trước đó. Tổng thể công trình sẽ bị giảm đi một số giá trị.
Việc phục dựng lại có mất nhiều thời gian, chi phí và đòi hỏi phải có sự tư vấn của những chuyên gia đầu ngành không, thưa ông?
Việc phục dựng không mấy khó khăn vì chúng ta vẫn còn đầy đủ hồ sơ và mọi người cũng chụp ảnh khá nhiều. Và việc phục dựng lại thực tế sẽ tốt hơn là dưới dạng 3D vì nó sẽ giúp mọi người hình dung được rõ hơn tổng thể của toà nhà. Việc phục dựng cũng không tốn kém lắm bởi vốn dĩ toà nhà là trụ sở để làm việc nên có cấu trúc không quá phức tạp. Khoảng vài trăm triệu là có thể phục dựng lại được những chỗ đã bị hư hại. Có điều chúng ta có quyết tâm làm không thôi.
Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể bảo tồn được công trình này, cần phải dịch chuyển sang một vị trí khác. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Khu vực đó thực ra có 2 công trình, một là biệt thự 2 tầng kiểu Pháp - nơi đã phát đi bản “Tuyên ngôn độc lập” trong ngày 2/9 và mật lệnh “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 12/1946 và hai là toà nhà 1 tầng này. Trước đó, đã có phương án di dời toà nhà 2 tầng sang một vị trí mới bởi toà nhà này nằm ngay trong lòng đường vành đai II đang giải phóng mặt bằng.
Tôi nghĩ việc dịch chuyển toà nhà 1 tầng này sang một vị trí khác là có thể thực hiện được nhưng vấn đề là quỹ đất dành cho việc này ở khu vực đó hiện đang rất nan giải. Ít ra cũng phải có một quỹ đất công của thành phố đủ lớn để đưa dãy nhà này vào.
Nhưng nó cũng sẽ có hạn chế về mặt di chuyển. Di chuyển vài trăm mét thì sẽ dễ hơn nhưng thực tế là mật độ nhà ở khu vực đó rất cao. Hiện nay chưa tìm được quỹ đất nào để đưa toà nhà đó vào.
Ông nhìn nhận như thế nào về giá trị kiến trúc của toà nhà này?
Thứ nhất, mặc dù đây là nhà làm việc nhưng lại được xây qua nhiều giai đoạn. Lúc đầu, được xây dựng dưới hình thức nhà mái bằng, sau đó có sửa chữa lại thành mái dốc. Mái dốc lại mang dáng dấp kiến trúc địa phương của Pháp. Nó thể hiện cái cách mà người Pháp hướng về quê hương của họ.
Thứ hai, toà nhà có một số chi tiết về mặt kết cấu cũng khá đặc biệt. Chẳng hạn như vì, kèo bằng thép và đinh tán khá giống với kỹ thuật ở cầu Long Biên. Và cái lanh-tô (dầm đỡ phần trên cửa) làm bằng sắt và có những chi tiết hoa bằng sắt gắn trên cửa rất độc đáo. Tôi chưa thấy những chi tiết này thể hiện ở công trình nào khác trên toàn thành phố Hà Nội.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Ảnh: Tùng Long