Bảo tồn Trạm Phát sóng Bạch Mai là giữ lại dấu tích lịch sử quan trọng
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, giữ lại Trạm Phát sóng Bạch Mai là giữ lại lịch sử của ngành phát thanh và một phần lịch sử của đất nước.
Theo Quy hoạch mở rộng đường vành đai 2 của TP. Hà Nội, ngôi biệt thự cổ ở 128C Đại La (Hà Nội) và một số công trình thuộc Trạm Phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Trước sự việc này, mới đây, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - TGĐ Đài TNVN đã ký Công văn gửi UBND TP. Hà Nội về việc phối hợp bảo tồn di tích lịch sử Trạm phát sóng Bạch Mai. Đài TNVN đề nghị TP. Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số phương án bảo tồn như ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, giữ lại tòa nhà tại vị trí hiện tại hoặc di chuyển tòa nhà sang một vị trí khác, hoặc giữ lại một phần của tòa nhà, chỉnh trang thành địa chỉ lịch sử về Trạm Phát sóng Bạch Mai.
Nhà báo Trần Đức Nuôi - nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập Đài TNVN cho rằng, cuối năm 1970, lần đầu đặt chân đến 128C Đại La, ông ấn tượng mạnh với 4 cột ăng-ten cao ngất nghểu, một tòa nhà vuông vắn, tường dày màu trắng, thường gọi là “nhà trắng”, gần cổng sắt là ngôi biệt thự mang phong cách Pháp rất đẹp.
Sau này, khi tìm tư liệu về lịch sử của Đài TNVN, ông Nuôi mới biết đây là Đài Phát tín Bạch Mai do người Pháp xây vào năm 1912 để liên lạc từ chính quyền thực dân đến toàn Đông Dương và Paris - Pháp.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trạm vô tuyến điện này được chính quyền cách mạng sử dụng làm trạm phát sóng phát thanh cho Đài Phát thanh Quốc gia (Trạm Phát sóng Bạch Mai). Ở đây đã ghi dấu hai sự kiện lịch sử của đất nước, không thể nào quên.
Vào hồi 11h30 ngày 07/9/1945, tại đây, hai phát thanh viên đầu tiên của Đài TNVN là Nguyễn Văn Nhất và Dương Thị Ngân đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước và nhân dân thế giới, đánh dấu một thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh. Nhờ chương trình phát thành này mà thế giới biết được có một nước Việt Nam độc lập và Việt Nam có tên trên bản đồ chính trị thế giới.
Cũng tại nơi này, tối ngày 19/12/1946, Bản tin đặc biệt của Đài TNVN đã được phát sóng, truyền đi mật lệnh Toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
“Ngôi biệt thự cổ ở 128C Đại La không chỉ là địa chỉ đỏ của Đài TNVN, của ngành phát thanh cả nước mà còn là một nhân chứng lịch sử của quốc gia. Đây cũng là một dấu tích để cả thế giới biết đến Việt Nam đã đứng lên kháng chiến giành độc lập dân tộc như thế nào và điều đó hết sức thiêng liêng.
Chính ngôi biệt thự cổ này sau đó đã được Đài TNVN phân cho 2 gia đình là 2 nhân vật lịch sử của Đài TNVN và của báo chí cách mạng Việt Nam là ông Nguyễn Văn Nhất và bà Dương Thị Ngân. Đây là 2 người cùng với ông Trần Lâm - nguyên TGĐ Đài TNVN đặt nền móng xây dựng Đài. Phía tầng trệt của căn biệt thự này phân cho ông Lý Văn Sáu - một nhà báo, một nhà ngoại giao và là GĐ của Đài Nam bộ kháng chiến đóng tại khu V.
Phải nói rằng, ngôi biệt thự này không chỉ là lịch sử mà còn là một kiến trúc đẹp của Pháp. Kiến trúc đó mang nét tinh túy của họ và đã có tuổi đời 107 năm. Ở Hà Nội bây giờ không có mấy biệt thự đẹp được như thế. Ngôi biệt thự ấy vẫn hiện hữu và chưa hề có dấu hiệu xuống cấp.
Những thứ đó, tôi nghĩ không phải chỉ giữ gìn cho bây giờ mà cho con cháu mai sau. Ai bước chân đến đó sẽ nhớ đến lịch sử của Đài TNVN và lịch sử của đất nước.
Tôi tha thiết giữ lại ngôi nhà đó. Tôi nghĩ không phải không có cách để giữ. Bây giờ chúng ta có đầy đủ điều kiện vật chất lẫn tiềm lực để giữ lại. Nếu đến mức không giữ được thì phải có một tấm bia kỷ niệm đặt ở vị trí có tấm biển bằng chữ Pháp trên ngôi nhà”, ông Nuôi bày tỏ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ rằng: “Chúng ta luôn luôn tự hào về lịch sử Hà Nội với 1000 năm Thăng Long, truyền thống cách mạng vẻ vang... Không nhà lãnh đạo nào mà không nói chuyện đó. Nhưng dấu ấn của những cái gắn với nét tự hào đó còn lại rất ít.
Những nhân chứng lịch sử rồi sẽ chết đi theo quy luật, còn lại sẽ là những giá trị vật thể mà bao năm chúng ta đã có. Trong khi đó, nhu cầu phát triển của Hà Nội có nhiều phương án khác nhau. Anh không xây chỗ này có thể xây chỗ khác. Không có phương án này thì có phương án khác. Một khi đã phá bỏ đi một di tích rồi sẽ không bao giờ làm lại được, kể cả đầu tư cho nó rất nhiều tiền”.
Ông Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh, những chứng tích gắn liền với thời kỳ lịch sử Cách mạng Tháng Tám, thời kỳ xây dựng chế độ từ những ngày giành được độc lập... bây giờ còn lại rất ít ỏi. Vì thế, không thể tùy tiện phá bỏ bởi phá là mất.
“Thử hỏi những dấu ấn của thời kỳ cách mạng bây giờ còn cái gì? Toà biệt thự ở 128C Đại La, dấu ấn quan trọng nhất chính là nơi đã truyền đi bản “Tuyên ngôn độc lập” của Bác Hồ. Đây cũng là nơi chứng kiến rất nhiều sự kiện cách mạng quan trọng.
Bản thân toà nhà đó cũng không phải xấu xí gì cả. Nó cũng là một biệt thự rất đẹp. Nếu chúng ta bảo tồn được cái này, nghĩa là chúng ta bảo tồn được hai giá trị. Một biệt thự cũ và một di tích lịch sử. Nếu đặt lên bàn cân thì chúng ta thấy mở một con đường hay xây dựng một công trình mới gì đi chăng nữa cũng sẽ có rất nhiều phương án nhưng bảo tồn chỉ có một phương án mà thôi.
Cái nữa là ngày xưa chúng ta tự an ủi bằng câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Sau này, chúng ta giàu có hẵng bàn đến giữ gìn văn hoá, còn bây giờ chúng ta bàn gì thực tế đi. Nhưng thực tế thời đại ngày nay đã thay đổi. Chính lễ nghĩa mới sinh ra phú quý. Anh giữ được văn hoá thì sẽ tạo ra được nguồn lực phát triển.
Tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của Đài TNVN về việc phải bảo tồn di tích này. Và cũng đề nghị Hà Nội phải trả lời xem định phá để làm gì, vì sao lại phá?... Xem chứng lý có đủ sức nặng để chúng ta hy sinh một di tích hay không?”, ông Quốc nói thêm.
Hà Tùng Long