Liên hoan Nghệ thuật Diễn xướng Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ lần thứ VIII
(Dân trí) - Chương trình diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đăng cai và tổ chức SEA Games 31 sẽ càng ý nghĩa hơn để kết nối, mở rộng tầm ảnh hưởng của Di sản văn hóa phi vật thể đến cộng đồng trong nước và quốc tế.
Hướng tới chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (1957 - 2022), đồng thời kỷ niệm 7 năm ngày "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam tiếp tục tổ chức chương trình "Liên hoan Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ lần thứ VIII". Chương trình diễn ra vào ngày 15/5 tại Nhà hát Chèo Việt Nam (Kim Mã, Hà Nội).
Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm, với mục đích góp phần tôn vinh di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian hát văn, các thanh đồng đã có công gìn giữ bảo tồn phát huy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần định hướng cho loại hình nghệ thuật hội tụ nhiều giá trị văn hóa mang nhiều màu sắc tâm linh được đi đúng hướng của một di sản phi vật thể.
Thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt có từ lâu đời nhằm tưởng nhớ ân đức của tiền nhân đã có công với dân tộc.
Ngày 1/12/2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESSCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã minh chứng sức ảnh hưởng và giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này.
Hầu đồng là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dìu dặt, cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm...
Để góp phần định hướng cho hình thức trình diễn nghệ thuật mang màu sắc tâm linh đang có dấu hiệu biến tướng trong xã hội hiện nay, Liên hoan Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ còn có ý nghĩa điều chỉnh, định hướng lại cách hiểu của người dân, để người dân tự quan sát những khía cạnh, ý nghĩa của nghi thức này.
Đồng thời đây cũng là dịp để các nhóm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trao đổi kinh nghiệm, học hỏi để làm phong phú thêm hoạt động tín ngưỡng, qua đó giữ gìn, làm lan tỏa hơn nữa trong đời sống.
Nói về Liên hoan Nghệ thuật Diễn xướng Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ năm nay, nghệ nhân Hoàng Xuân Mai đến từ Hà Nội cho biết: "Đây là hoạt động rất được các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, các thanh đồng, đồng đền, đồng điện cùng toàn thể và bà con nhân dân chờ đón.
Chương trình diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chúng ta đăng cai và tổ chức SEA Games 31 sẽ càng ý nghĩa hơn để kết nối, mở rộng tầm ảnh hưởng của Di sản văn hóa phi vật thể đến cộng đồng trong nước và quốc tế, giới thiệu quảng bá đến du khách những giá trị tinh hoa văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
Liên hoan Nghệ thuật Diễn xướng Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ lần thứ VIII thu hút nhiều nghệ nhân thanh đồng đến từ các tỉnh thành phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái… cho đến các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Đắk Lắk…
Các tiết mục đặc sắc được lựa chọn giới thiệu trong chương trình gồm: Giá Chúa Đông Cuông, giá quan Đệ Nhị, giá quan lớn Đệ Tam, giá quan lớn Tuần Tranh, giá Chầu bé Bắc Lệ, giá ông Hoàng Bảy, giá quan Hoàng Mười, giá Cô Đôi Thượng Ngàn, giá Cô Chín, giá Cô Bé… hứa hẹn mang đến ngày hội vô cùng đặc sắc, ý nghĩa với nghệ thuật diễn xướng nghi lễ chầu văn và công chúng.