Liên hoan hát văn, chầu văn toàn quốc 2021: Lan tỏa giá trị di sản
(Dân trí) - Tối 18/4, Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc đã bế mạc tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Liên hoan thu hút sự tham dự của gần 400 nghệ nhân, cung văn, hầu giá, diễn viên của 18 tỉnh thành trên toàn quốc.
Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, là hoạt động thiết thực kỷ niệm 5 năm triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Hát văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo). Đây là hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời ca trau chuốt, cùng các nghi lễ nghiêm trang và múa minh họa để con người có thể giao tiếp với thần linh. Hát văn thường diễn ra nơi cửa đền.
Liên hoan hát văn, hát chầu văn năm nay hướng tới nội dung chủ đạo ca ngợi Đảng, Bác Hồ, những nhân vật anh hùng trong lịch sử, tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, những thành tựu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước…
Trong suốt 4 ngày diễn ra Liên hoan, một lần nữa hát văn, hát chầu văn, đã được tôn vinh, khẳng định thêm sự đặc sắc và sức sống mạnh mẽ của Di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt". Ngoài ra, với sự hội tụ của 400 nghệ nhân, cung văn, hầu giá, diễn viên, nhạc công, đây còn là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu với công chúng, du khách về di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương trong toàn quốc.
Theo Ban tổ chức, Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc năm 2021 được tổ chức với mong muốn đưa nghệ thuật hát văn, hát chầu văn, vốn trước đây ngủ quên trong những trang sách phủ bụi thời gian hoặc lẩn khuất đâu đó trong các sinh hoạt đền, phủ... nay có thể đàng hoàng bước ra trình diễn trước công chúng bằng những vũ điệu thánh thần, dìu dặt và mê hoặc trên nền nhịp phách độc đáo, mềm mại, quyến rũ, dồn dập, khỏe khoắn, vui tươi cùng lời văn đầy ắp chất thơ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Tại đền Chân Suối, trong khung cảnh tĩnh lặng giữa rừng già thâm nghiêm của khu vực núi thiêng Tam Đảo - nơi yên nghỉ của hai mẹ con Quốc Tổ mẫu Đào Liễu và Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu đã có công giúp vua Hùng đánh đuổi quân xâm lược nhà Thục, các nghệ nhân đã thể hiện những tiết mục đặc sắc của nghệ thuật hát văn, hát chầu văn, tôn vinh nét đẹp và giá trị văn hóa, nghệ thuật của loại hình nghệ thuật được UNESSCO công nhận.
Trong đó, phải kể đến sự trình diễn của các đoàn Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nam Định, Trung tâm Bảo tồn Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (thuộc Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam); các nghệ nhân ưu tú như Phạm Thị Thuần, Phạm Thị Đoan Trang, Trọng Quỳnh, Công Mạnh, Thành Long, Danh Thưởng…
Đoàn "chủ nhà" Vĩnh Phúc mang đến sự mãn nhãn cho người xem các tiết mục: Nghi thức Chúa Bà đệ Nhất Tây Thiên, Vĩnh Phúc Thiên anh hùng ca, hát văn Ai về Vĩnh Phúc hôm nay, chầu văn Quan Hoàng Mười; Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa với Nghi thức Quan đệ nhị, Nghi thức Chúa Thác Bờ, Nghi thức Cô chín Giếng, Nghi thức Quan lớn Tuần Tranh; Trung tâm Văn hóa tỉnh Nam Định với các tiết mục: Nghi thức Ông Hoàng Mười, Cô đôi thượng Ngàn và hát văn Hội làng, Tây Thiên miền đất linh thiêng; Trung tâm Bảo tồn Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (thuộc Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) do đạo diễn Lưu Đạt làm trưởng đoàn mang đến phần trình diễn giá Chúa Đông Cuông, Quan Hoàng Mười…