Thái Bình:

Lễ hội đền Đồng Bằng được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

(Dân trí) - Để vinh danh và bảo tồn văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ hội đền Đồng Bằng Thái Bình là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Vào ngày 9/10 (tức 20-8 âm lịch), hàng vạn người dân và du khách thập phương đã đổ về xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, để tham dự Lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng. Cũng nhân dịp này, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ hội đền Đồng Bằng Thái Bình là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo tục lệ, cứ đến 20/8 âm lịch hằng năm, người dân xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ và du khách thập phương đều đổ về Đền Đồng Bằng để dâng hương tưởng nhớ Vĩnh Công Đại Vương, người có công lớn giúp Vua Hùng đánh giặc ngoại xâm, dựng nước và khai lập tám trang Đào Động xưa; đồng thời cũng là nơi tưởng niệm Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng, hoàng thân quốc thích nhà Trần.

Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Bằng chứng nhận đền Đồng Bằng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Bằng chứng nhận đền Đồng Bằng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Đền Đồng Bằng còn có tên gọi đền Đức Vua hay đền Vua Cha Bát Hải gồm một đền chính (đền Đức Vua) và năm đền nhỏ: đền Sinh, đền quan Đệ Nhị, đền quan Đệ Tam, đền quan Điều và đền quan Đệ Bát trên khuôn viên rộng hơn 11 ha. Ngôi đền chính có kiến trúc gỗ độc đáo với 13 tòa, 66 gian chạm trổ tinh sảo, hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thếp vàng lộng lẫy. Nơi đây là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với nét văn hóa đặc sắc là tục hầu bóng, hát văn mang đậm hồn Việt.

Di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Bằng được Bộ Văn Hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử Quốc gia năm 1986.

Lễ hội đền Đồng Bằng là lễ hội cấp vùng mang đặc trưng nét văn hóa truyền thống của cư dân trồng lúa nước đồng bằng Bắc Bộ. Về đây, ngoài việc thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tâm linh cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc, mọi người còn được đắm mình trong các hoạt động lễ hội đặc sắc, riêng có như: Bơi chải trên sông cổ Mai Diêm phía trước đền, thi vật đô, chọi gà, diễn xướng hát văn và hầu đồng, đặc biệt là lễ rước bộ từ các đền Quan trong quần thể di tích về đền Vua Cha trong ngày khai hội.

Để vinh danh và bảo tồn văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ hội đền Đồng Bằng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội đền Đồng Bằng kéo dài đến hết ngày 15/10 (tức 26-8 âm lịch).

Đức Văn