Làng “ông Táo” Địa Linh và câu chuyện giữ nghề truyền thống

(Dân trí) - (Dân trí) – Đến Huế hỏi làng “táo đất” Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà) thì không ai không biết. Chỉ còn vài ngày nữa là đưa ông Táo về trời, người dân tại đây đang hối hả làm cho kịp “táo đất” đem ra chợ bán.

Hối hả cho những mẻ hàng cuối cùng

Mỗi mùa tết ông Táo, các lò nung ở làng Địa Linh sản xuất hàng vạn tượng Táo đất trước cả tháng. Từ việc lấy đất, làm đất, in khuôn cho tới nung thành phẩm, người dân cũng phải đổ mồ hôi mất 3, 4 tháng. Mỗi mẻ hàng nung mất 4 ngày, cứ ròng rã mấy tháng trời như vậy mãi cho tới giữa tháng Chạp, các nhà lò sẽ tắt lửa và hoàn thiện sản phẩm cung cấp ra thị trường.

Nếu được tận mục sở thị cả quá trình làm ra một tượng ông Táo, kể đếm ra cũng hơn mười lăm bước rất kỳ công. Từ đi lựa đất mua thì phải lựa loại đất tốt, sét cao và phải mua trước mùa mưa lũ hằng năm. Đất mua về phải lọc sạn thật mịn trước khi nhào nặn cho vào khuôn in. In tượng là kỳ công nhất bởi phải in kỹ thì tượng mới có đường nét chính xác và sắc sảo.

In xong, người dân đem tượng đi phơi cho ráo nước trước khi đưa vào lò nung trong 4 ngày. Khi  ra thành phẩm thì quét sơn, vẽ màu lên tượng để tăng tính thẩm mỹ. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà tượng được quét sơn đỏ hoặc sơn các màu khác.

Làm ông táo ở làng Địa Linh - Huế
Làm ông táo ở làng Địa Linh - Huế

“Mỗi mẻ hàng ra lò lại được đi khắp trong nam ngoài bắc, từ Quảng Bình, Quảng Trị cho tới Đà Nẵng, Sài Gòn. Vì nhà ai cũng cần nên thị trường không thiếu” – bác Hoàng Thị Gái vừa liên tay gói hàng vừa chia sẻ. Cũng theo lời bác Gái, làm tượng bây giờ nhanh và dễ vì có khuôn đúc sẵn nhưng để làm ra sản phẩm đẹp thì phải làm kỹ và khá mất thời gian.

Những ngày này những con đường ở làng Địa Linh nhộn nhịp các xe hàng vào ra lấy hàng. “Hàng cứ hoàn thiện, đóng gói xong xuôi là chở đi bỏ sỉ ở chợ Đông Ba (TP Huế), nếu hàng đặt nhiều quá thì người ta tới tận nhà lấy. Cũng có khi hàng bị ứ đọng do mình làm trễ nhưng số lượng cũng không đáng kể. “Mỗi năm được 1 lần Tết, là nghề này kiếm thêm chút thu nhập sắm tết, tuy mệt thiệt nhưng cũng vui vì còn giữ được cái nghề gia truyền” - Ông Võ Văn Nam, người có thâm niên hơn 30 năm làm nghề “ông táo” tại làng này nói.

Ông bà Táo được tô vẽ tỉ mỉ

"Ông bà Táo" được tô vẽ tỉ mỉ

Nỗi trăn trở với làng nghề truyền thống đang dần mai một

Theo các bậc cao niên trong làng thì ở đây xưa nổi tiếng có đất sét cực tốt, thời nhà Nguyễn đặt tại đây “Nê ngõa tượng Cục” chuyên làm gạch ngói phục vụ việc xây dựng lăng tẩm, công thự… cho các vua quan Huế. Nghề làm tượng Táo cũng từ đó mà ra.

Trước đây trong làng gần như nhà nào cũng làm, nhưng dần già, do hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp nên bây giờ chỉ còn 4 anh em nhà cụ Võ Văn Đức còn bám trụ với nghề.

“Mỗi tượng bán chỉ với giá 900đ, trừ tất cả chi phí từ mua đất, sơn, bao bì, giấy… thì lãi còn 100đ. Gia đình 3 người làm từ sáng tới tối ngót nghét kiếm được 100.000đ – đó là chưa kể những lần giá giảm xuống”  - ông Võ Văn Nam cho biết.

Cũng theo lời ông Nam, vì là nghề gia truyền của cha ông truyền lại nên cũng cố gắng mà làm giữ cái nét văn hóa truyền thống và không chắc đời sau, các con cháu sẽ nối nghề, vì để sống với nghề này thì không thể làm “ông táo” cả năm được nên buộc phải làm thêm nhiều việc khác.

Video:


Con gái ông Nam đang bận với việc quét sơn cho tượng cũng thở dài tiếp lời: “Trước đây ba mẹ không có việc để làm nên cũng chỉ biết bám trụ với nghề này kiếm thêm chút thu nhập, chứ tụi em sau này học nghề đầy đủ thì cũng không ai làm nghề này nữa”.

Là một trong những làng nghề hiếm hoi sản xuất tượng ông táo còn lại. Thời buổi vật giá leo thang, thu nhập từ nghề không đủ trang trải cho cuộc sống. Không biết liệu những mùa xuân sau, còn ai giữ lại nghề nữa không?

Theo tín ngưỡng của người Việt ta, tam vị Táo quân được xem là vị thần cai quản việc bếp núc và luôn được thờ ở gian bếp mỗi gia đình. Trước Tết Nguyên đán hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp, người dân sẽ đưa ông Táo về trời. Đi kèm với đó sẽ là Bộ ba tượng ông táo mới được thay lên bếp.


                         



Ông bà Táo được tô vẽ tỉ mỉ

Đất sét được chuẩn bị trước cả năm trời để chuẩn bị cho mùa sau
Ông bà Táo được tô vẽ tỉ mỉ

Các “ông táo” được phơi dưới nắng cho ráo nước trước khi đưa vào lò nung
Táo đã khô sau khi nung

Táo đã khô sau khi nung
Trang trí các đường nét cho 3 ông bà Táo

Trang trí các đường nét cho 3 ông bà Táo
Phơi nắng lại một lần nữa cho khô nước sơn

Phơi nắng lại một lần nữa cho khô nước sơn
Phơi nắng lại một lần nữa cho khô nước sơn

Một sản phẩm hoàn chỉnh chờ đóng gói
Liệu những thế hệ mới tại làng Địa Linh vài chục năm nữa có còn theo nghề cũ của cha ông xưa

Liệu những thế hệ mới tại làng Địa Linh vài chục năm nữa có còn theo nghề cũ của cha ông xưa?


                                                                      Đức Cường – Đại Dương