Làng ăn trầu
(Dân trí) – Ở xã Quỳnh Yên (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) không chỉ những người già mà nhiều người trung niên thậm chí là những thanh niên cũng có thói quen ăn trầu.
Từ xa xưa, tục ăn trầu đã trở thành một phong tục đẹp của người Việt. Các tác giả từ dân gian đến đương đại đã phải tốn nhiều tâm huyết để nói, để viết về mỹ tục mang tên trầu cau ấy.
Vẫn chỉ là quả cau nho nhỏ miếng trầu xanh nhưng trầu cau làng Quỳnh Yên không cần têm cánh phượng cầu kỳ như người phương Bắc. Cau chỉ cần chủ nhà bổ thành 4, có khi 5 hoặc 6, vỏ tước hờ. Trầu chỉ cần rọc dài theo sống gân thành những miếng vừa, quết lên tí vôi, bày lên đĩa thế là đã có thể mời trầu. Suồng sã thế nhưng với cách mời, cách ăn nói có duyên của chủ, dẫu là những người khách khó tính nhất cũng khó lòng từ chối!
Khi được hỏi về tục ăn trầu ở làng mình anh Hồ Xuân Lương, cán bộ văn hóa – thông tin của xã khẳng định: “Ở làng chúng tôi miếng trầu quả cau không chỉ có mặt trong các lễ nghi như đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, ma chay, hay ngày rằm, mồng một, ngày tết mà nó có mặt trong đời sống hàng ngày”.
Nhìn hàm răng đã bắt đầu ngả màu, cũng có thể đoán biết anh cũng là một người nghiện trầu. “Miếng trầu có thêm chút rễ chay hay nhón thuốc lào thì cũng như nồi canh đang nhạt mà ta gia vào chút muối vậy. Người nghiện trầu thường ăn trầu thuốc, nghĩa là miếng trầu ngoài cau, trầu không, vôi còn có cả thuốc lào nữa. Mà ai đã ăn đến trầu thuốc thì không thể chịu được nếu một ngày nhịn trầu, ở những người này cũng rất hiếm khi thấy người ta nhổ bỏ nước trầu đi”, anh Lương chia sẻ.
Điểm ghé thăm đầu tiên mà anh Lương dẫn tôi đến là gia đình cụ Hồ Thị Khoa 102 tuổi, ngụ ở xóm 11. Miếng trầu quả cau gắn với đời cụ Khoa từ những ngày gian khó, ngày mới bước chân về nhà chồng chẳng được bao lâu đã chịu cảnh góa bụa. Ông giáo chồng cụ đi dạy học xa nhà mắc bạo bệnh qua đời khi con gái đầu lòng chưa tròn một tuổi, một mình cụ phải chống chèo nuôi con ăn học trưởng thành.
Trong dòng hồi tưởng vẫn còn rất rõ nét, cụ Khoa không bao giờ quên được những ngày phải hái lá mắm thay trầu, hái trái đưng thay cau, gỡ nụ đưng, vỏ đưng thay rễ chay ăn cho đỡ nhớ trầu. Và đến tận bây giờ khi tuổi đã hơn trăm, răng không còn một chiếc cụ vẫn còn ăn trầu, nước da trắng càng hiện rõ nét môi hồng cắn chỉ. Cụ bảo với tôi: “Nhịn cơm thì cụ chịu được chứ nhịn trầu thì chịu không được con ơi!”.
Cô giáo Trần Thị Cương con gái cụ Khoa nay đã bước sang tuổi 67, cũng là một người hay ăn trầu nhưng bà nhận mình ăn trầu chẳng thấm tháp vào đâu so với mẹ. Vừa giúp mẹ dập trầu trong chiếc cối nhỏ, bà tâm sự: “Một ngày mẹ tôi cũng phải ăn từ 50 đến 60 miếng trầu. Chỉ trừ những lúc ăn cơm, uống nước, đi ngủ thời gian còn lại thì dù làm gì cụ cũng ăn trầu. Nhiều đêm khó ngủ cụ cứ nằm nhai trầu, hết miếng này lại qua miếng khác, không biết cụ ăn bao nhiêu miếng giấc ngủ mới đến”.
Gia đình bà Hồ Thị Thuyết (ngụ xóm 2) mới đây lại phải lặn lội đi ba, bốn chợ huyện mới gom góp được 2000 quả cau về lo đám cưới cho con. Bà Thuyết cho biết, ở vùng này có cái tục như vậy, trước, trong và sau đám cưới đều phải cần đến cau trầu. Cau trầu để nạp tài, để mời bạn bè, hàng xóm người ta đến chúc phúc. Ai thân hữu ở xa mà không đến được thì gia chủ gửi về gọi là chút quà mọn.
Ở làng Quỳnh Yên trầu cau đâu chỉ để dành riêng cho các cụ. Trầu cau còn là một thứ khó bỏ đối với thanh niên. Vừa bổ cau, rọc trầu mời khách bà Thuyết chia sẻ: “Cái thằng con tôi ăn trầu khiếp lắm! Bữa đám cưới mà thấy nó cứ nhai trầu miết. Sợ nó say lại không đi rước dâu được, tôi nhắc thì nó lại bảo, trông có đám cưới để ăn trầu mà mẹ. Còn bạn bè nó thì khỏi phải nói, mười tám đôi mươi thôi chứ anh nào cũng xơi trầu miệng đỏ chót”.Trẻ con làng Quỳnh, nhiều đứa cũng bắt chước người lớn nhai trầu như nhai kẹo.
Rời nhà bà Minh, chúng tôi tìm đến nhà một trí thức ăn trầu, ông giáo Lê Văn Bường ở xóm 1 (ông Bường trước đây là hiệu trưởng một trường THCS nay đã về hưu). Trông vẻ ngoài, thầy Bường vẫn còn rất trẻ so với cái tuổi 82 của mình. Ngôi nhà mà ông đang ở đến giờ vẫn còn lưu giữ một vẻ đẹp cổ xưa. Không gian quê kiểng với giàn trầu không liên phòng và hàng cau xanh mướt mát chạy trước nhà, khiến cho phần minh đường của ngôi nhà cổ càng thêm khoáng đãng, thanh thoát. “Nhà tôi có tất cả 22 cây cau, trong đó 14 cây đã cho quả và 7 gốc trầu, chủ yếu là để ăn, ăn không hết thì cho. Nhà sẵn cau, sẵn trầu khi nào cần ra vườn hái là có ngay”, ông giáo chia sẻ.
Ông giáo Bường nhớ mình biết ăn trầu từ lúc 17 tuổi, rồi nghiện luôn nó từ khi nào không hay. Ông tâm sự: “Sáng ra bận việc này việc nọ chưa kịp ăn trầu thì thấy nhạt mồm, nhạt miệng khó chịu lắm. Mà khi đã nhai trầu rồi thì cơm cũng thôi luôn! Cau trầu được cái chắc răng, thơm miệng. Xã giao thì một vài miếng cho vui, còn có duyên mà gặp bạn chí tình thì hứng lên ăn không biết mấy chục miếng. Ngày trước vợ tôi còn sống, bà cụ răng yếu nên lần nào ăn trầu tôi cũng đều phải dùng miệng mình cắn dập miếng trầu rồi mới đút cho bà”. Vừa dọn trầu, chủ nhiệm câu lạc bộ người cao tuổi xã Quỳnh Yên ông giáo Lê Văn Bường vừa cao hứng hát: “Trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta...”.
Rời làng Quỳnh tôi như vẫn còn say trong điệu mời trầu, say hương trầu thơm thơm nồng xức. Những gương mặt ấm áp, thân tình rạng rỡ nét môi hồng cắn chỉ của con người nơi đây như níu kéo, như thôi thúc thêm một lần trở lại. Có lẽ trong cuộc sống những giá trị tinh thần vô giá lại chất chứa ở những điều tưởng chừng giản dị ấy!