Làm phim điện ảnh cho trẻ nhỏ bắt đầu từ… nỗi sợ hãi
(Dân trí) - Những nỗi sợ hãi thuở ấu thơ, trải nghiệm của một cậu học sinh thường xuyên bị bắt nạt, sự cô độc ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường… Đối với đạo diễn Steven Spielberg, mọi bộ phim phải bắt đầu từ nỗi sợ, kể cả phim dành cho thiếu nhi.
Steven Spielberg - phù thủy điện ảnh
Steven Spielberg - nhà làm phim lừng danh thế giới, ông là cha của 7 người con trưởng thành và là ông của 4 người cháu. Trong sự nghiệp làm phim đáng tự hào của mình, có một hạng mục không nhỏ Spielberg dành cho những bộ phim thiếu nhi, trong đó phải kể tới “E.T. the Extra-Terrestrial” (E.T.- Sinh vật ngoài hành tinh - 1982) hay “Jurassic Park” (Công viên kỷ Jura - 1993).
Trước đây, khi làm những bộ phim dành cho thiếu nhi, Spielberg nghĩ về con mình, giờ đây, ông nghĩ về cháu mình: “Đó phải là những câu chuyện điện ảnh đưa lại sức mạnh, sự nhiệm màu. Bí mật của những bộ phim làm cho thiếu nhi, đó là phải khiến những đứa trẻ cảm thấy như thể mình có khả năng làm được bất cứ điều gì, rằng không gì là không thể”.
Nhìn lại quá trình làm phim của Spielberg sẽ thấy ông là một phù thủy điện ảnh biến hóa khôn lường với các thể loại phim khác nhau. Nếu như năm ngoái, ông gây chú ý với “Bridge Of Spies” (Người đàm phán), một phim tâm lý kịch tính lấy bối cảnh thời kỳ chiến tranh lạnh, thì sang năm nay, Spielberg cho ra mắt “The BFG” (Người bạn khổng lồ), một bộ phim dành cho thiếu nhi, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Roald Dahl.
Trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của các sinh viên trường Đại học Harvard (Mỹ) mùa hè này, Spielberg đã nhắn nhủ: “Tôi luôn nói với các con mình rằng điều khó nhất chính là nghe thấy bản năng của mình, nghe thấy trực giác của cá nhân mình, nó luôn thì thầm và không bao giờ nói to, rất khó nghe thấy”.
Đó cũng chính là cách làm phim của Spielberg, ông đọc nhiều sách và kịch bản, nhưng sẽ chỉ lựa chọn dự án nào khiến bản năng ông lên tiếng, một tiếng thì thầm vọng ra từ nội tâm: “Đây chính là điều dành cho mình”. Khi càng lớn tuổi, Spielberg càng cần những lời thì thầm mà ông đã từng nghe thấy từ thuở ấu thơ, điều đó giúp ông tận tụy với dự án mới.
Tuổi thơ dị biệt và ký ức khốn khổ vì bị bắt nạt
Ngay từ nhỏ, Spielberg đã là một đứa trẻ sống tách biệt. Ông không hay chơi bời, giao du với bạn bè, hết giờ học, Spielberg sẽ trở về nhà ngay để trốn trong phòng riêng, hì hụi viết kịch bản, loay hoay dựng phim.
Spielberg luôn tự so sánh mình với người ngoài hành tinh mỗi khi nhớ về tuổi ấu thơ, ông không cảm thấy mình ăn nhập vào đời sống bình thường của một đứa trẻ, luôn thấy lạ lẫm với những câu chuyện, những trò vui của bạn bè.
Niềm hứng thú với điện ảnh bắt đầu được khơi dậy trong Spielberg từ cha của ông, vốn là một người yêu phim khoa học viễn tưởng.
Cha của Spielberg cho rằng người ngoài hành tinh không đi xuyên không gian để tới trái đất chinh phạt, họ tới đây bởi sự tò mò, cũng giống như sự tò mò mà con người dành cho họ, và người ngoài hành tinh hạ cánh xuống trái đất cùng với thiện chí, họ muốn chia sẻ kiến thức, sự hiểu biết của mình.
Chính cách suy nghĩ này của cha đã khiến Spielberg luôn tin vào điều tốt đẹp ở người ngoài hành tinh. Sau này, khi đã trở thành một nhà làm phim, ông cũng luôn xây dựng những nhân vật người ngoài hành tinh thân thiện, tốt bụng, như trong “Close Encounters of the Third Kind” (Kiểu tiếp xúc thứ 3 - 1977), “E.T. the Extra-Terrestrial” (E.T.- Sinh vật ngoài hành tinh - 1982), “A.I. Artificial Intelligence” (AI – Trí tuệ nhân tạo - 2001) và “The BFG” (Người bạn khổng lồ - 2016).
“Nhiều nỗi sợ của tôi đã xuất hiện trong những chuyện phim, để rồi chuyện phim sẽ luôn đánh bại nỗi sợ. Tôi thường dành nhiều thời gian để trò chuyện với biên kịch về nỗi ám ảnh của mình, về những điều khiến tôi sợ hãi. Mọi thứ phải bắt đầu với nỗi sợ. Mất mát, cô đơn, thử thách, hiểm nguy… ‘The BFG’ (Người bạn khổng lồ) có lẽ là chuyện phim cô đơn nhất mà tôi từng kể cho thiếu nhi”.
“Hai nhân vật cô đơn cố gắng cùng nhau tạo nên sự khác biệt. Chính điều đó đã thu hút tôi đến với tác phẩm văn học nguyên gốc. Tôi đã từng đọc câu chuyện này cho các con mình, nó luôn gợi nhớ lại những ký ức tuổi thơ, khi tôi bị bắt nạt khốn khổ ở trường. Và khi tôi chiến thắng nỗi sợ, tôi đã cảm thấy mình còn cao lớn hơn cả người khổng lồ. Sức mạnh không phải là tất cả mà chính nỗi cô đơn mới là điều dạy cho chúng ta nhiều thứ”, Spielberg chiêm nghiệm.
Mãi tới những năm tháng tuổi già, Spielberg mới chia sẻ về việc mình từng bị bắt nạt khi còn đi học. Ông vốn sinh ra trong một gia đình theo đạo Do Thái. Điều này khiến Spielberg bị phân biệt, cậu bé Spielberg thường xuyên bị bạn học trêu chọc, phá quấy và còn có khi bị đánh sau giờ học.
Một trong những kẻ bắt nạt “bự con” nhất, khi biết Spielberg có sở thích làm phim, đã rất tò mò. Spielberg liền đưa cậu ta vào một bộ phim amateur của mình. Đó là một bộ phim làm về đề tài Thế chiến II, cậu bạn nhập vai phi công lái máy bay chiến đấu, phim có tên “Escape To Nowhere” (Không nơi ẩn náu - 1961).
Spielberg quay phim bằng chiếc máy quay của gia đình và sử dụng những túi bột mì để dựng cảnh chiến đấu. Khi thấy Spielberg chơi với đứa bự con nhất trong nhóm bắt nạt, những đứa khác dần lảng ra, không làm phiền Spielberg nữa.
Sự việc đó đã dạy cho Spielberg một bài học quan trọng đầu tiên về nghề làm phim, đó là điện ảnh ẩn chứa sức mạnh.
“Phần lớn những bạn bè mà tôi có được đều là nhờ công việc làm phim. Thay vì giao du tìm kiếm bạn bè, tôi luôn trở về nhà sau giờ học để viết kịch bản, dựng phim. Tôi sống khá cô độc, nhưng bù lại, tôi có một niềm đam mê đến ám ảnh ngay từ những năm tháng thiếu thời. Tôi không đi tới nhà bạn để chơi bời, chuyện gẫu, chỉ thích ở trong phòng mình với chiếc máy quay và những dự án amateur”.
Bậc kỳ tài cũng phải chịu cảnh “ma cũ bắt nạt ma mới”
Khi khởi nghiệp đạo diễn hồi năm 1968 ở tuổi 22, Spielberg hồ hởi làm phim và có nhiều dự án gây được dấu ấn như “Jaws” (Hàm cá mập - 1975), “E.T. the Extra-Terrestrial” (E.T.- Sinh vật ngoài hành tinh - 1982), “Indiana Jones and the Temple of Doom” (Indiana Jones và ngôi đền tàn khốc - 1984)…
Tuy vậy, một số nhà phê bình cho rằng cách làm phim của Spielberg quá… thị trường và thiếu chín chắn. Ngay lập tức, Spielberg đáp lại bằng “Schindler’s List” (Bản danh sách của Schindler - 1993), bộ phim đánh dấu sự trưởng thành trong cách làm phim của ông, chỉ để rồi ngay trong năm đó, ông cho ra mắt “Jurassic Park” (Công viên kỷ Jura) thành công vang dội, dù là một phim hướng đến thiếu nhi.
Sự nghiệp đạo diễn của Spielberg cũng phải chứng kiến những sự “bắt nạt” tương tự như thuở còn đi học, Spielberg bước vào nghề đạo diễn từ rất sớm, năm 22 tuổi, chưa hề qua trường lớp, cũng không “tầm sư học đạo”, lại còn bị trường Sân khấu - Điện ảnh Nam California từ chối hồ sơ xin học tới… 3 lần.
Spielberg “nhảy cóc” vào nghề đạo diễn, đến khi được nhận vào một trường điện ảnh khác, ông cũng sớm bỏ học giữa chừng để chuyên tâm theo nghề mà không cần bài bản, sách vở.
Những góc quay mới lạ, trẻ trung, những cách xây dựng nhân vật vui vẻ, bông lơn, và doanh thu khủng ngoài phòng vé, khiến sự xuất hiện của Spielberg như thể một sự “xúc phạm” đối với những nhà làm phim kỳ cựu.
Trong cuốn hồi ký “Miracles Of Life” (Những điều kỳ diệu trong cuộc sống - 2008) của nhà văn Anh - JG Ballard, ông đã chứng thực cho việc Spielberg bị bắt nạt thuở mới vào nghề.
Năm 1987, Spielberg làm phim “Empire Of The Sun” (Đế chế mặt trời), chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của JG Ballard. Nhà văn nhớ lại rằng: “Người Mỹ luôn thân thiện và tốt bụng, nhưng tôi thấy có một sự đối địch kỳ lạ dành cho Steven Spielberg. Một nhà báo Mỹ từng hỏi tôi: Tại sao ông lại để Spielberg chuyển thể tác phẩm của mình? Tôi trả lời rằng bởi Spielberg là đạo diễn vĩ đại của Mỹ, anh ấy liền sửa lại lời tôi: Không phải vĩ đại nhất, chỉ là thành công nhất”.
Bất kể thái độ ghẻ lạnh, “ma cũ bắt nạt ma mới”, dần dần Spielberg khẳng định được vị thế của mình tại Hollywood và trở thành một trong những vị đạo diễn có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại đây. Tạp chí Forbes từng ước tính gia tài của Spielberg trị giá vào khoảng 3,6 tỉ đô la.
Dù từng thành công là vậy, nhưng trong những năm trở lại đây, Spielberg đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết, các bộ phim của ông không còn “được mùa” giải thưởng như trước, thêm nữa, phim cũng thường không đạt được doanh thu lớn.
Vị đạo diễn 69 tuổi cho rằng hiện tại Hollywood đang dựa dẫm quá nhiều vào phim siêu anh hùng: “Hollywood đang hoàn toàn lệ thuộc vào một món ăn. Nếu một nền công nghiệp điện ảnh quá lệ thuộc vào một thể loại phim nào đó, thì khi thể loại đó bị thất sủng, giống như thể loại phim cao bồi viễn tây trước đây, cả nền công nghiệp điện ảnh sẽ bị chấn động. Tôi không xếp phim siêu anh hùng vào nhóm phim khoa học viễn tưởng. Khoa học viễn tưởng sẽ còn mãi, nhưng siêu anh hùng thì không”.
Giờ đây, niềm vui làm phim đối với Spielberg, đó là tạo nên những tác phẩm điện ảnh để những đứa cháu của ông có thể say mê thưởng thức: “Đơn thuần là niềm vui được làm những bộ phim đem lại tiếng cười cho những đứa cháu, hoặc khiến chúng phải sợ hãi, để chúng quên đi những nỗi sợ trong thực tại, giải thoát chúng khỏi thực tế”.
“Ngồi kể chuyện bên lò sưởi, theo tôi, chính là cách để những giấc mơ con trẻ ra đời. Tôi rất thích việc này và luôn dành thời gian để ngồi kể chuyện cho các cháu của mình, thậm chí còn trông ngóng nữa là khác, đó cũng chính là thái độ của tôi mỗi khi bắt tay làm một bộ phim dành cho thiếu nhi”.
Trailer “The BFG” (Người bạn khổng lồ)
Bích Ngọc
Tổng hợp