Lạ đời thầy giáo 7 năm đạp xe 12km đi dạy

Ngọc Linh

(Dân trí) - "Tôi hay nói với mọi người rằng tôi không có tiền mua xe máy nên chọn đi xe đạp nhưng có vẻ mọi người không tin lắm", thầy giáo Trần Đức Hòa chia sẻ.

Lạ đời thầy giáo 7 năm đạp xe 12km đi dạy - 1

Thầy Hòa "nổi bần bật" giữa phố xá với chiếc xe đạp cũ.

Đó là chia sẻ đầy dí dỏm của thầy giáo Trần Đức Hòa (SN 1987), hiện đang là giảng viên khoa Thông tin- Thư viện, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hình ảnh người thầy trẻ trên chiếc xe đạp đã tạo nên một nét riêng biệt không thể nào nhầm lẫn. Hễ chỉ cần thấy thấp thoáng bóng dáng người đàn ông mặc chiếc sơ mi "hoa lá cành", trên vai đeo balo, đi chiếc xe đạp cắng là sinh viên trong trường nhận ra ngay thầy Hòa.

Lạ đời thầy giáo 7 năm đạp xe 12km đi dạy - 2
Thầy giáo trẻ với bên chiếc xe đạp có nét cổ điển.

 Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên, giữa thời buổi hiện đại với đủ loại phương tiện di chuyển thuận tiện vẫn có người chịu khó đạp xe đi làm. Với sinh viên trong trường thì đây là nét riêng mà chắc là chỉ ở "Nhân văn" mới có.

Giải thích lý do vì sao chọn xe đạp là phương tiện đi lại, thầy Hòa chia sẻ: "Mọi người tự giải mã việc tôi đi xe đạp thành việc tôi bảo vệ môi trường nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ thế. Đơn giản là ngày mới lấy vợ tôi muốn có thêm tiền lo cho cuộc sống hôn nhân nên có bán chiếc xe máy cũ cho một người bạn thân và đi làm bằng xe bus, sau này cảm thấy đi xe bus quá bất tiện nên tôi quyết định mua xe đạp đi làm cho chủ động".

Lạ đời thầy giáo 7 năm đạp xe 12km đi dạy - 3
Sinh viên luôn ấn tượng hình ảnh thầy giáo điển trai hàng ngày đến trường bằng chiếc xe đạp.

 Đến nay chiếc xe đạp này cũng đã gắn bó với người thầy giáo trẻ 7 năm qua. Chiếc xe cắng với lớp sơn đã cũ hàng ngày vẫn đồng hành cùng thầy Hòa trên các con phố Hà Nội. Giữa dòng người tấp nập trên đường, chiếc xe nổi bật thu hút sự chú ý của nhiều người.

"Đi xe đạp thì có nhiều kỷ niệm lắm. Hễ cứ dừng đèn đỏ là sẽ có người bên cạnh  hỏi về chiếc xe, hỏi xe này có đắt không, của Nhật hay của Pháp,… Còn ở trường mỗi khi có tiết mục văn nghệ liên quan hình ảnh học trò thì chiếc xe cũng sẽ được lên sân khấu.

Lạ đời thầy giáo 7 năm đạp xe 12km đi dạy - 4

Chiếc xe cũng gắn với nhiều kỷ niệm dở khóc dở cười.

Nhưng nhớ nhất có lẽ là kỷ niệm đang đạp xe đi làm thì tôi bị…rách quần. Đạp xe từ tận Cổ Nhuế sang Nguyễn Trãi khoảng 12km để dạy mà đến giữa đường quần rách thì đành phải tấp vào cửa hiệu mua quần mới. Nhưng cũng may là cũng chỉ rách có một lần thôi", thầy Hòa cười nói.

Đến nay dù cuộc sống hai vợ chồng thầy Hòa không còn quá nhiều khó khăn như những ngày mới cưới nhưng giảng viên trẻ vẫn duy trì đạp xe hàng ngày. Đi xe đạp lâu dần cũng thành quen, rồi thấy dáng người cũng đẹp hơn, sức khỏe tốt hơn nên thầy Hòa đã đạp xe đến tận bây giờ.

Lạ đời thầy giáo 7 năm đạp xe 12km đi dạy - 5
Chiếc xe đã tróc sơn vẫn hàng ngày gắn bó với thầy giáo như người bạn thân thiết.

Bạn Trần Mỹ Linh (Sinh viên năm 3 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: " Mình ấn tượng với thầy Hòa ngay lần đầu tiên thấy thầy đạp xe trên sân trường. Trông thầy cực "ngầu" và thực sự khác biệt. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều duy nhất khiến mình ấn tượng.

Mình có cơ hội học thầy Hòa một môn học, có lần thấy thầy giảng bài vất vả mình đã mời thầy chai nước mình vừa mua nhưng cả buổi thầy không uống. Sau này mình mới biết, thầy Hòa là người nói không với chai nhựa và nilong. Gần như là hạn chế sử dụng hoàn toàn".

Lạ đời thầy giáo 7 năm đạp xe 12km đi dạy - 6
Trên giảng đường, thầy Hòa luôn nghiêm túc và yêu cầu khá khắt khe với sinh viên. 

 Chia sẻ về điều này, thầy Hòa cho biết bản thân chưa từng đứng trên giảng đường để hô hào sinh viên hãy đi xe đạp, hãy ngưng sử dụng bao bì nhựa, hãy bảo vệ môi trường,… bởi vì thầy cho rằng đó là những việc sáo rỗng. Bản thân thầy luôn muốn tự mình tạo ra những điều thay đổi dù nhỏ nhưng phải bằng hành động của chính mình.

Lạ đời thầy giáo 7 năm đạp xe 12km đi dạy - 7
Dù không hô hào nhưng những hành động thực tế của người thầy trẻ đã có sức ảnh hưởng  tới sinh viên trong vấn đề môi trường.

 "Tôi không tranh luận chỉ để thắng, tôi không tạo ra thay đổi để thích thú với sự thay đổi đó. Mà tôi luôn luôn nghĩ rằng những việc tôi làm tạo cho tôi cảm giác an toàn hơn. Môi trường cũng là vấn đề mà tôi khá lo lắng nhưng tôi không làm điều gì cao cả, vĩ đại vì nhân loại và cũng chẳng phải người hùng. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng những hành động nhỏ từ việc lựa chọn đạp xe đi làm, hay hạn chế sử dụng đồ nhựa là đang tốt cho bản thân tôi và tương lai con cái tôi sau này", thầy Hòa nói.