Kỳ dị những hôn lễ mùa đông
(Dân trí) - Ở thị trấn miền núi Ribnovo, Bulgaria, có những lễ cưới được tổ chức vào mùa đông với nghi lễ rất kỳ dị.
Ở thị trấn miền núi Ribnovo xa xôi của đất nước Bulgaria, những nghi thức cưới hỏi truyền thống đã có từ nhiều thế kỷ nay vẫn được duy trì. Vào ngày trọng đại, các cô dâu ở thị trấn Ribnovo phải tuân thủ nhiều nghi thức truyền thống kỳ lạ: họ buộc phải nhắm nghiền mắt, khuôn mặt bị bôi đầy sơn trắng và gắn lên những món đồ trang sức sặc sỡ, kỳ quái…
Thị trấn Ribnovo nằm ở một khu vực đồi núi, mùa đông lạnh giá, phủ đầy tuyết trắng, thuộc miền tây nam Bulgaria. Ở đây, lễ cưới thường được tiến hành vào mùa đông và có những truyền thống rất đặc biệt.
Cô dâu Fatme Inus với khuôn mặt sơn trắng, được trang trí bằng những món đồ trang trí sặc sỡ, kỳ quái. Với cách phục sức ấn tượng như thế này, cô dâu sẽ xuất hiện để ra mắt dân làng.
Trong khi lễ phục của cô dâu kỳ lạ như vậy thì chú rể chỉ phải mặc vest. Một lễ cưới truyền thống ở thị trấn Ribnovo sẽ kéo dài trong hai ngày.
Hiện giờ, các lễ cưới theo phong tục truyền thống ở Bulgaria còn lại khá ít, trong đó, lễ cưới truyền thống ở thị trấn Ribnovo được coi là một trong những nét văn hóa lâu đời, đặc sắc.
Lễ cưới đang được tiến hành thì có một đàn cừu đi ngang qua. Trong suốt lễ cưới, cô dâu Fatme Inus luôn phải cầm theo một tấm gương. Lúc này, cô dâu chú rể đang đứng trước cửa nhà cô dâu để ra mắt dân làng.
Thường thanh niên ở các bản làng xa xôi ở Bulgaria thường đi ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, tuy vậy, đến mùa cưới, họ sẽ trở về thị trấn nhỏ, nằm trên những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng để tiến hành lễ cưới theo nghi thức truyền thống.
Những gia đình sinh con gái ở đây thường phải tích trữ của hồi môn cho con từ khi bé gái mới được sinh ra, chủ yếu là những món đồ đan lát tự làm, chăn mền, vải vóc, thảm dệt… Vào ngày con gái đi lấy chồng, gia đình nhà gái sẽ treo những món đồ này lên một giàn giáo bằng gỗ chạy dài hàng chục mét được dựng lên trước lễ cưới.
Trong suốt lễ cưới, cô dâu phải nhắm nghiền mắt, cô chỉ được mở mắt sau khi thầy tu đã tới và chúc phúc cho hai vợ chồng. Bên cạnh đó, tay cô luôn phải cầm theo một chiếc gương.
Phòng tân hôn của cô dâu chú rể.
Chú rể gỡ bỏ những món đồ trang sức cho cô dâu sau khi lễ cưới kết thúc.
Ở đây, khi cô dâu về nhà chồng thường phải mang theo rất nhiều của hồi môn. Gần như người dân của cả thị trấn sẽ đổ về xem của hồi môn của cô dâu, bao gồm các món đồ gia dụng, chăn mền, vải vóc... Tất cả các món đồ này được bày trong khoảnh sân ở nhà cô dâu như một cuộc triển lãm để dân làng tới xem.
Cô dâu và chú rể đi ra quảng trường trung tâm thị trấn để cùng với những thanh niên khác nhảy múa ăn mừng.
Hoạt động quan trọng nhất của lễ cưới là khi người ta vẽ mặt cho cô dâu, hoạt động này thường diễn ra vào gần cuối ngày cưới thứ hai. Trong một nghi thức chỉ dành cho phụ nữ, cô dâu bắt đầu được thoa lên mặt những lớp sơn dày màu trắng, sau đó được gắn thêm lên những món đồ trang sức sặc sỡ.
Dân làng cùng nhau nhảy múa trong ngày đầu tiên của lễ cưới.
Trong ngày đầu tiên này, cô dâu chưa phải phục sức theo nghi lễ truyền thống, trên quần áo của cô lúc này gắn đầy những tờ tiền mà bạn bè và họ hàng mừng tặng.
Điều đặc biệt là trong lễ cưới truyền thống ở thị trấn Ribnovo, rượu tuyệt đối bị cấm. Những ảnh hưởng từ thế giới hiện đại bên ngoài đối với đời sống của người dân vùng núi thị trấn Ribnovo diễn ra rất chậm chạp.
Đời sống ở đây mang đậm nét truyền thống, người trẻ được khuyến khích kết hôn với những người trong thị trấn. Họ có thể đi làm ăn ở xa quanh năm nhưng thường trở về quê nhà để “tìm hiểu”, yêu đương và cử hành hôn lễ.
Cặp đôi mới cưới tham gia vào cuộc khiêu vũ tập thể.
Một em bé được địu tới quảng trường trung tâm để xem cuộc khiêu vũ lớn chào mừng lễ cưới.
Các nhạc công chơi nhạc rộn vang khắp quảng trường, mời gọi người dân thị trấn tới chung vui.
Trong ngày này, những người thân trong gia đình cô dâu, chú rể cũng được phục sức ấn tượng để dân làng nhận ra ai là người nhà của chủ nhân buổi lễ. Họ có trách nhiệm dẫn dắt các hoạt động, chào đón khách khứa.
Bạn bè và người thân của cô dâu trong khi đó có nhiệm vụ sắp xếp những món đồ hồi môn của cô dâu lên giàn giáo bằng gỗ. Gần như người dân khắp thị trấn sẽ đến xem của hồi môn của cô dâu. Lúc này, khoảng sân trước nhà cô dâu tựa như một hội chợ trưng bày triển lãm đồ gia dụng.