Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung và bí mật lịch sử chưa lời giải:

Kỳ 5: Tại sao Phủ Dương Xuân lại “mất tích” bí ẩn?

(Dân trí) - Việc tìm ra thêm 1 điểm nữa là Phủ Dương Xuân bị “mất tích” bí ẩn có liên quan đến Cung điện Đan Dương - nơi chôn Hoàng đế Quang Trung và chùa Thiền Lâm đã cho Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đắc Xuân có được “bộ 3 lá bài” chứng cứ về dấu vết lăng mộ vua.

Như ở Kỳ 4, trong quá trình đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung, NNC Nguyễn Đắc Xuân đã tìm ra giả thiết 1 cung điện có tên Đan Dương nơi vua ở, và cũng là lăng mộ chôn cất nhà vua. Hướng lăng mộ vua này ở phía Nam sông Hương gần ngôi chùa Thuyền Lâm. Ngôi chùa này xưa kia nguyên là phủ Thái sư triều Tây Sơn chất chứa nhiều bí ấn với việc đến thời vua Nguyễn bị đổi địa danh qua chỗ khác. Vào năm 1990 khi sư thầy Thích Chơn Trí về làm trụ trì, lúc cuốc đất trồng rau đã phát hiện nhiều hiện vật cổ dưới đất như gạch vồ có khuôn dấu, ngói, đá táng, đá tảng lớn… nghi là nền của một công trình kiến trúc lớn của vua chúa xưa.

Khi các mối kết nối đang dần dần được ông Xuân tìm cách chứng minh “khớp” vào cùng một sự việc, thì một Phủ có tên Dương Xuân được sử triều Nguyễn viết là mất tích đã được nhà nghiên cứu cho “có lắm điều khó hiểu”. Và ông Xuân đã “giải” được: Phủ Dương Xuân có mối quan hệ đặc biệt với chùa Thiền Lâm và Cung điện Đan Dương/lăng Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung.

Có 1 Phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn nằm nơi cao ráo tránh lụt

Theo NNC Nguyễn Đắc Xuân, từ xưa đến nay Huế luôn bị ngập lụt hàng năm, các dinh phủ của chúa Nguyễn nằm ở vùng Kim Long, Phú Xuân luôn bị ngập lụt. Ở Đại Nam thực lục tiền biên do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn, bản dịch Viện Sử học năm 1962 ghi vào tháng 8 năm Canh Thân (1680) “gió bão, nước lụt ngập, mặt đất sâu hơn trượng, người và súc vật bị thương và chết nhiều”. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, tập Thượng, Thừa Thiên Phủ, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ QGGD, Sài Gòn 1961 cho biết “Lúc đầu bản triều khai quốc có dựng phủ ở gò Dương Xuân”. Đến đời chúa thứ sáu là Nguyễn Phúc Chu, vào năm Canh Thìn 1700, Phủ Dương Xuân được trùng tu.

Điều này được Nhà Huế học, Linh mục Léopold Cadière giải thích: “Năm 1698 ngày thứ hai trong tháng 11, một cơn bão lớn đã xảy ra, kèm theo mưa lớn và lụt. Minh Vương (tức Nguyễn Phúc Chu) cảm thấy nguy nan khi đang ngự trong Cung, đã tìm đến chỗ an toàn trên một ngọn núi nhỏ. Ngọn núi này phải chăng là nơi ở cũ tại Dương Xuân, nơi Võ Vương sau đó đã ở trong những tháng mùa đông, trong một cung điện, mà theo lời của Poivre, được xây dựng trên một cái gò (élévation). Phải chăng vì sự báo động (lũ lụt) trong năm 1698 đã khiến Minh Vương có ý định xây dựng lại phủ Dương Xuân vào năm 1700”.

Sau thời chúa Nguyễn Phúc Chu, người cháu nội của chúa là Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát) lên ngôi trị vì vào năm 1738. Sử nhà Nguyễn không thấy ghi chuyện Võ Vương trùng tu phủ Dương Xuân.

Tuy nhiên một điều thú vị là nhiều khách phương Tây đã được Võ Vương tiếp ở Phủ Dương Xuân, về sau viết sách họ không quên viết về ngôi phủ này. Trong B.A.V.H, Léopold Cadière đã nhắc đến nhà buôn Pháp – Pierre Poivre, người đã đến xứ Đàng Trong vào cuối năm 1749.

Nhà buôn người Pháp - Pierre Poivre
Nhà buôn người Pháp - Pierre Poivre

Sau khi mua hàng hóa ở Hội An, ông ra Huế thì gặp chúa Nguyễn và được Võ Vương tiếp đón tử tế ở Phủ thượng (Palais supérieur), tức Cung điện mùa Đông hay Phủ Dương Xuân vào ngày 29/11/1749. Ông còn nhớ và ghi lại mấy chi tiết sau: (theo BAVH, tháng 7-9, 1925, trang139): “Ngài bước xuống một căn phòng nhỏ dùng để tiếp tân ở ngay cửa Phủ (chứng tỏ chỗ ông ở trên cao, cửa Phủ dưới thấp – NNC Nguyễn Đắc Xuân). Ông cầm tay tôi (Poivre) và dẫn tôi đến một mô đất nằm ngoài cùng của Phủ, đối diện với một cái hồ… Trong lúc tôi đang ngồi trên mô đất... thì ở phía bờ hồ bên kia, một đám dân nghèo đáng thương đang rạp người cúi lạy Ngài, rồi ráng sức gào lên: bất công ! bất công !”

Phóng ảnh bản gốc BAVH, tháng 7-9, 1925, trang 139 (ảnh tư liệu Nguyễn Đắc Xuân)
Phóng ảnh bản gốc BAVH, tháng 7-9, 1925, trang 139 (ảnh tư liệu Nguyễn Đắc Xuân)

Theo Pierre Poivre cung điện Mùa Đông (tức Phủ Dương Xuân) được xây dựng cũng theo qui cách của điện chính (ce palais d’hiver est construit sur le modèle du grand...). Điện chính lúc ấy là Đô thành Phú Xuân (bên trong cửa Thượng Tứ bây giờ). Trong bút ký "Kỷ hành" (Voyage) Pierre Poivre cho biết qui mô và vị trí Phủ Dương Xuân so với Điện chính ở Phú Xuân là: “le second palais, qui est plus petit, est bâti sur une élévation un peu éloignée de la rivière et n’a qu’une aile qui regarde du côté de l’eau. Le Roy pense l’hiver ou la saison des pluies qui dure quatre mois" (Dịch "Cung điện thứ hai nhỏ hơn, được xây dựng trên cái gò (élévation) hơi xa sông một chút và chỉ có một cánh nhìn ra phía sông. Chúa thường ngự ở đó vào mùa đông hay mùa mưa kéo dài đến bốn tháng").

Sao y trích đoạn viết về Cung điện thứ hai trong BAVH, tháng 7-9, 1925 (ảnh tư liệu Nguyễn Đắc Xuân)
Sao y trích đoạn viết về Cung điện thứ hai trong BAVH, tháng 7-9, 1925 (ảnh tư liệu Nguyễn Đắc Xuân)

Cũng theo J.Koffler, làm y sĩ cho chúa trong Đô thành Phú Xuân biết rất rõ các dinh điện, cung thất ở đây. Trong bộ Sử chí xứ Đàng Trong (Description historique de la Cochinchine) ông cho biết: “outre cette demeure royale (c’est-à-dire le grand palais), il y a encore trois autre palais... Le second, qui sert au roi de résidence d’hiver, est construit sur la rive opposée du fleuve” (Dịch "Ngoài chỗ ở ấy của chúa, còn có 3 cung điện khác nữa.[...] Cung điện thứ nhì dùng làm cung điện Mùa đông của chúa dựng lên ở bên kia sông”)

Đến đời chúa thứ chín Nguyễn Phúc Thuần, chúa Trịnh từ Đàng Ngoài xua quân vào đánh chiếm Phú Xuân năm 1774, Phủ Dương Xuân lọt vào tay quân Trịnh. Năm 1774, Lê Quý Đôn theo quân Trịnh vào Huế. Ông là người viết lịch sử Phủ Dương Xuân đầu tiên qua mô tả trong Phủ Biên Tạp Lục: “Ở về mạn thượng lưu bờ nam ngạn, có Phủ Dương Xuân, Phủ Cam. Đi lên phía trên nữa có Phủ Tập Tượng là nơi dành để luyện tập voi. Người ta còn xây Điện Trường Lạc, Hiên Duyệt Võ… các ngôi nhà đều có nền móng bằng phẳng, đều được lát gạch và lát đá cả” (trang 73a sách Phủ Biên Tạp Lục, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn năm 1972).

Cửa chính vào Đô thành Phú Xuân từ khi Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương (1744) cho đến hết thời Tây Sơn (1802) bên bờ bắc sông Hương. Người châu Âu đến Huế viết đây là cổng vào cung điện chính, có thành quách bao bọc xung quanh (ảnh tư liệu Phạm Văn Sơn sưu tầm). Ngoài Cung điện chính thì còn có 1 Cung điện mùa Đông nằm ở bờ nam sông Hương, là Phủ Dương Xuân
Cửa chính vào Đô thành Phú Xuân từ khi Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương (1744) cho đến hết thời Tây Sơn (1802) bên bờ bắc sông Hương. Người châu Âu đến Huế viết đây là cổng vào cung điện chính, có thành quách bao bọc xung quanh (ảnh tư liệu Phạm Văn Sơn sưu tầm). Ngoài Cung điện chính thì còn có 1 Cung điện mùa Đông nằm ở bờ nam sông Hương, là Phủ Dương Xuân

Hơn 10 năm sau, vào năm 1786, Phú Xuân và Phủ Dương Xuân lại thuộc về Phong trào tây Sơn do Nguyễn Huệ đánh thắng quân chúa Trịnh tại Phú Xuân. Năm 1801, Nguyễn Ánh đánh thắng quân Tây Sơn, đã áp dụng nhiều “tận pháp trừng trị” triều Tây Sơn.

Đến đầu triều Nguyễn, Phan Huy Chú tham khảo tài liệu do cụ thân sinh Phan Huy Ích để lại viết cuốn Dư Địa Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí. Sách Dư Địa Chí có một đọan viết về Phủ Dương Xuân và các cung điện ở bờ nam sông Hương rằng: “Nam ngạn con sông và trên mạng thượng lưu, lại có phủ Dương Xuân, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ; ấy là những tòa nhà nguy nga, mái đao rực rỡ, có hành lang bao quanh, tường thành vây bọc; cửa ngõ mở thông ra tứ phía, được chạm trổ và trang sức rất công phu. Các tòa nhà được xây nền bằng gạch đá rất bằng phẳng, trên lát ván gỗ kiền kiền, dưới mái nhà có máng hứng nước từ trên chảy xuống; có cây cối trồng xen cạnh, những gốc sung, xoài, cây mít lớn vừa người ôm. Trong vườn sau có núi non bộ xây với những hòn đá lạ mắt, lại có ao vuông, hồ bán nguyệt với những cây cầu vồng và nhà hóng mát (thủy tạ) cất ở giữa hồ. Những bức tường trong tường ngoài thảy được xây dày đến vài tấc, lại có những hình tượng, rồng, hổ, lân, phượng và hoa cỏ đắp tô bằng mảnh sứ và vôi".

Cùng với thời Phan Huy Chú, các sử thần triều Nguyễn, tác giả Đại Nam thực lục tiền biên (khởi thảo 1821, viết xong 1844) cũng viết: “Ở thượng lưu sông Hương lại có Phủ Dương Xuân, Điện Trường Lạc, Hiên Duyệt Võ. Đều chạm vẽ hết sức tinh xảo. Ở vườn hậu uyển thì có non bộ, đá lạ, hồ vuông, hào cong, cầu vồng, thủy tạ…” (trích Đại Nam thực lục tiền biên, Quốc Sử quán triều Nguyễn, bản dịch của Viện Sử học năm 1962, trang 126).

Thời các chúa Nguyễn - tây Sơn từng có 1 Phủ Dương Xuân được xem là Cung điện mùa Đông nằm ở phía ngoài Đô thành Phú Xuân, phía bắc đàn Nam Giao trên vùng gò cao Dương Xuân (ảnh tư liệu Phan Thuận An)
Thời các chúa Nguyễn - tây Sơn từng có 1 Phủ Dương Xuân được xem là 'Cung điện mùa Đông" nằm ở phía ngoài Đô thành Phú Xuân, phía bắc đàn Nam Giao trên vùng gò cao Dương Xuân (ảnh tư liệu Phan Thuận An)

Từ nhiều cứ liệu mà đặc biệt là mô tả của Pierre Poivre, NNC Nguyễn Đắc Xuân khẳng định “Pierre Poivre đã kể cho chúng ta biết Phủ Dương Xuân là cung điện thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đã là cung điện thứ hai thì chung quanh chúa còn có gia đình vợ con, cha mẹ, văn võ đình thần, và cả bộ máy phục dịch đông đảo. Như vậy Phủ Dương Xuân là một tiểu triều đình, một cung phủ có nhiều kiến trúc phải trải ra trên một diện tích tương đối rộng”.

Sự “mất tích” khó hiểu của Phủ Dương Xuân trong sử triều Nguyễn

Ông Xuân trong quá trình nghiên cứu Sử sách nhà Nguyễn đã ngạc nhiên thốt lên rằng “Sử sách nhà Nguyễn không có mục nào viết cụ thể mô tả Phủ Dương Xuân”.

Chính Phủ Dương Xuân to lớn và quan trọng đối với các chúa Nguyễn chỉ sau Đô thành Phú Xuân mà thôi. Thế nhưng trong Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Đức cũng như đời Duy Tân đều không viết. Nhưng một điều may mắn cho ông Xuân là khi xem về Gò Dương Xuân thì hai bộ địa lý lịch sử trên đều có nhắc đến chữ Phủ Dương Xuân bị “mất tích”.

Ở Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân, Phan Đăng phiên âm: “Dương Xuân Cương. Tại huyện Tây bắc thập ngũ lý, cương thế bình quảng, khởi phục la liệt, diên đáng số lý, hứa kỳ nam Nam Giao đàn tại yên, kỳ Tây đa danh lam cổ sát, diệc xưng giai thắng.

Cẩn án: Dương Xuân cương quốc sơ kiến phủ ư kỳ thử. Hiển Tôn Canh thìn (1700) cửu niên, trùng tu, Tả Thủy cơ khuất địa đắc nhất đồng ấn, hữu văn viết “Trấn Lỗ tướng quân chi ấn” , nhân danh ấn phủ. Tự Kinh binh loạn kim thất kỳ xứ”.

Bản dịch của Nguyễn Tạo: "GÒ DƯƠNG-XUÂN. Ở phía tây bắc huyện 15 dặm; thế gò bằng thẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam-Giao, phía tây có nhiều danh-lam-cổ-sát, cũng xưng là nơi giai thắng.

Cẩn Án: Lúc đầu bản triều khai-quốc có dựng phủ ở gò Dương-Xuân nầy. Đời vua Hiển-Tôn năm Canh-thìn thứ 9 (1700) trùng tu, cơ Tả-Thủy, đào đất 1 cái ấn đồng có khắc chữ: “Trấn-Lỗ Tướng-Quân chi ấn” là ấn của Trấn Lỗ Tướng-Quân, nhân đó đặt tên phủ là Ấn-phủ. Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”.

Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân cho biết trên gò Dương Xuân có dựng phủ, Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, từ sau binh hỏa thì chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào” (ảnh tư liệu Nguyễn Đắc Xuân)
Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân cho biết trên gò Dương Xuân có dựng phủ, Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, từ sau binh hỏa thì chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào” (ảnh tư liệu Nguyễn Đắc Xuân)

Xoáy sâu vào đây, ông Xuân cho rằng thông tin gò Dương Xuân cho biết Phủ Dương Xuân nằm trên gò Dương Xuân, phía nam có đàn Nam Giao tức là Phủ Dương Xuân nằm phía bắc đàn Nam Giao.

Từ đàn Nam Giao về phía bắc giáp sông Lợi Nông, một khoảng cách không xa (chưa đầy 2 km) mà Phủ Dương Xuân nằm trên đoạn đường đó sau binh hỏa có thể mất tích đến nỗi không biết ở vào chỗ nào được sao? Thật là một điều khó hiểu. Trong binh hỏa các kiến trúc gỗ có thể cháy nhưng phần gạch đá và địa điểm từng tọa lạc Phủ Dương Xuân làm sao có thể cháy đến mất tích được? Vì sao có sự phi lý ấy?

“Chiến tranh với Tây Sơn (hoặc hoạt động trả thù tây Sơn) đã làm cho nhiều di tích bị hư hại nặng nhưng chỉ hư hại về kiến trúc chứ địa điểm xây dựng, nền móng của các kiến trúc ấy làm sao có thể hư hại đến mức mất tích được?

Lúc ấy chiến tranh hai bên chưa có vũ khí hủy diệt như bom nguyên tử thả xuống Hirosima và Nagasaki trong Thế chiến thứ hai. Mà bom nguyên tử có hủy diệt thì người ta cũng định vị được địa điểm những kiến trúc đã có từ trước ở chỗ nào. Một dinh phủ quan trọng to lớn mà chúa Nguyễn thường ngự đó vào mùa đông hay mùa mưa kéo dài đến 4 tháng hàng năm, lại có thể mất tích được hay sao?

Cũng được biết khi thống nhất được đất nước, triều Nguyễn cho trùng tu, sửa chữa hết các chùa, công trình. Vì sao nhà Nguyễn không cho tìm và phục hồi Phủ Dương Xuân? Hơn một thế kỷ qua chưa có một nhà sử học Việt Nam và ngoại quốc nào quan tâm và đặt ra câu hỏi đó cả” – ông Xuân đặt rất nhiều dấu hỏi cho sự “mất tích” đầy bí ẩn Phủ Dương Xuân, nghi vấn việc bị lịch sử “cho mất tích” này phải có một nguyên do cực kỳ quan trọng đến đời trước, đặc biệt là triều Tây Sơn vì triều này đã từng chiếm phủ này

Qua cuộc truy tìm trong sử sách, ông Xuân đã tìm ra Phủ Dương Xuân có những đặc điểm sau:

- Phủ nằm ở gò Dương Xuân (Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân);

- Phủ ở phia bắc đàn Nam Giao (Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân);

- Phủ Dương Xuân là một khu vực rộng vài dặm (Thạch Liêm/Thích Đại Sán);

- Phủ “xây dựng trên một cái gò (élévation) hơi xa sông một chút” (Pierre Poivre);

- Có một cánh nhìn ra phía sông Hương (Pierre Poivre).

- Địa thế chỗ cao chỗ thấp (Pierre Poivre)

- Chỗ thấp đối diện với một cái hồ (Grand étang) (Pierre Poivre), dân chúng thời bấy giờ có thể đến bái lạy kêu oan.

- Các ngôi nhà đều có nền móng bằng phẳng, đều được lát gạch và lát đá (Lê Quý Đôn);

Theo Kỳ 4, ông Xuân đã chứng minh được chùa Thiền Lâm hiện tại nằm ở số 150 đường Điện Biên Phủ, TP Huế ở hướng phía bắc đàn Nam Giao có nhiều bí ẩn nghi nằm trên một công trình kiến trúc đã bị triệt giải. Trong lịch sử thì ngôi chùa này từng là nơi ở của Thái sư Bùi Đắc Tuyên triều Tây Sơn. Chùa Thiền Lâm nằm gần Cung điện có tên Đan Dương - lăng mộ Hoàng đế Quang Trung. Lý do là các Tiểu giám giữ lăng vua Quang Trung do ở gần chùa Thiền Lâm nên thường đến hầu rượu Thị trung ngự sử Phan Huy Ích - lúc đó ở một ngôi chùa gần chùa Thiền Lâm, đêm đêm làm việc với Thái sư.

Như vậy việc tìm ra Phủ Dương Xuân cũng nằm ở phía bắc đàn Nam Giao như trên đã đưa ra là cả 3 địa điểm gồm: Cung điện Đan Dương (nghi ngờ là lăng mộ vua Quang Trung) – Chùa Thiền Lâm – Phủ Dương Xuân đều nằm cùng hướng và gần nhau.

Việc đi tìm cung điện Đan Dương để ra lăng mộ Quang Trung thì rất mờ nhạt do chỉ dựa vào những câu thơ từ sử sách ngoài, không phải sử sách triều Nguyễn. Như vậy phải dựa vào cuộc khảo sát trên thực địa ở vùng có 2 địa điểm là chùa Thiền Lâm và Phủ Dương Xuân. Nhưng một điều khó hiểu là tại sao các sử thần triều Nguyễn viết Đại Nam Nhất Thống Chí lại “đưa” chùa Thiền Lâm qua xã An Cựu, còn Phủ Dương Xuân nằm trên gò Dương Xuân phía bắc đàn Nam Giao thì lại viết là “mất tích”? Điều này đã thách đố ông Xuân trong việc tìm kiếm của mình.

Trong khoảng thời gian đoạn từ năm 1980 trở đi, lúc NNC Nguyễn Đắc Xuân bắt đầu công cuộc tìm kiếm thì chỉ còn chùa Thiền Lâm là có tồn tại, còn Phủ Dương Xuân không có lưu danh cụ thể. Mọi việc được ông bắt đầu tiến hành tại địa điểm gốc mà chùa Thiền Lâm đã tọa lạc.

Cuộc đi săn lùng, tìm kiếm dấu vết trên thực địa của NNC Nguyễn Đắc Xuân trong kỳ tới sẽ đem đến cho độc giả nhiều điều thú vị, bất ngờ về việc “giải mã” một nơi được cho là Cung điện xưa của Hoàng đế Quang Trung thời kỳ đóng đô ở Phú Xuân Huế.

Đại Dương

(còn tiếp…)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm