KTS Võ Trọng Nghĩa: “Ý tưởng sáng tạo bắt nguồn từ tâm tĩnh lặng”

(Dân trí) - KTS Võ Trọng Nghĩa khẳng định: Tiềm thức con người luôn muốn gần với thiên nhiên và nhiệm vụ của KTS là trả lại màu xanh cho trái đất...

Những ý tưởng sáng tạo của anh được bắt đầu như thế nào?

Có lẽ sự sáng tạo bắt nguồn từ một tâm tĩnh lặng bởi khi tâm chúng ta tĩnh lặng chúng ta sẽ có sự kết nối với thiên nhiên và như thế chúng ta sẽ thấy rõ vấn đề của thiên nhiên của xã hội. Những thiết kế đó nhìn qua thì thấy độc đáo nhưng nguyên tắc của nó rất đơn giản và bắt nguồn từ những chuyện rất đời thường. Tôi không cố tình tạo ra sự khác lạ mà sự bình dị, đơn giản của nó tạo ra một cái gì khác biệt hơn những gì chúng ta cố gắng suy nghĩ để làm ra nó.

KTS Võ Trọng Nghĩa (Ảnh: N.An)
KTS Võ Trọng Nghĩa (Ảnh: N.An)

Gần gũi với thiên nhiên luôn có trong tiềm thức con người

Trong các công trình của anh đều có nét đặc trưng là tiết kiệm năng lượng và gần gũi với thiên nhiên. Từ đâu mà anh lại quyết định phát triển các tác phẩm kiến trúc theo hướng này?

Trong tiềm thức của con người là gần gũi với thiên nhiên. Theo tôi tiết kiệm năng lượng và gần gũi với thiên nhiên là điều đương nhiên và tất yếu của mỗi người tồn tại trên trái đất này. Không có loại động vật nào có 7 tỷ con mà lại ăn thịt tất cả các loài động vật khác, mà còn chặt cây làm nhà phá rừng, phá ruộng làm khu đô thị… Vì thế, trách nhiệm đương nhiên và tất yếu của kiến trúc sư là phải đem lại những cái đó cho môi trường và xã hội.

Mô hình Nhà Xanh: Giúp mang thiên nhiên vào nhà
Mô hình Nhà Xanh: Giúp "mang" thiên nhiên vào nhà

Tuy anh tiếp xúc với nền giáo dục Nhật Bản nhưng anh lại có những ứng dụng những nguyên liệu từ Việt Nam và tạo nên những công trình mang tính chất Việt Nam. Điều gì khiến anh trăn trở và làm nên những công trình đậm nét Việt Nam này?

Tôi học từ người Nhật phương pháp tư duy cũng như cách suy nghĩ vấn đề và triển khai như thế nào và học được sự giản dị của họ trong cách giải quyết vấn đề. Ở một trường hợp cụ thể là môi trường, khí hậu, con người, và xã hội Việt Nam thì nó sẽ cho ra một sản phẩm hoàn toàn được sản xuất và bắt nguồn từ Việt Nam, mặc dù có thể xuất phát từ một tư duy khác nhưng nó vẫn giải quyết vấn đề nội tại của Việt Nam và mang đậm bản sắc Việt Nam.

 Kiến trúc cộng đồng tại đô thị sinh thái Đảo Kim Cương - 
 Kiến trúc cộng đồng tại đô thị sinh thái Đảo Kim Cương - Diamond Island (TPHCM) lấy ý tưởng từ cái sọt úp gà truyền thống của Việt Nam

Nên có chính sách xanh hóa mái nhà đô thị

Theo anh, điều gì khiến cho anh được cộng đồng kiến trúc trên thế giới đánh giá cao các tác phẩm của mình?

Những sản phẩm của tôi giản dị và giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội ngay bây giờ. Ví dụ, Sài Gòn và Hà Nội đang thiếu rất nhiều cây xanh nên chúng tôi làm những công trình có nhiều cây xanh để giải quyết trực tiếp và cụ thể vào bài toán đó. Không những thế, chúng tôi còn muốn chính quyền đưa ra những quy định xanh hóa mái nhà đô thị càng sớm càng tốt. Và đó là lý do với bất cứ ngành nghề nào chúng ta đi sâu, nhìn thẳng, trực tiếp vào vấn đề, giải quyết trực tiếp vấn đề đó thì ngành nghề đó cũng được ghi nhận và đánh giá cao.

Nhiều người quan tâm đến anh không chỉ bởi các tác phẩm kiến trúc của anh mà bởi phong cách sống của anh. Anh nghĩ là mình đã truyền cảm hứng gì cho giới trẻ?

Tôi nghĩ là cái quan trọng nhất là mình hiểu rõ mình là ai. Như tôi nói là tôi thường tự hỏi mỗi ngày tôi đã làm ô nhiễm bao nhiêu môi trường, tôi đi trên một chiếc xe phân khối lớn như thế sẽ ô nhiễm đến môi trường như thế nào? Tôi giết chết bao nhiêu con cá, bao nhiêu con gà, bao nhiêu con bò…để ăn thịt? Tôi đã tắm rửa và xả nước thải ô nhiễm môi trường bao nhiêu? Thậm chí tôi đi nhà vệ sinh cũng ảnh hưởng đến môi trường. Khi biết mình là một sự tồn tại như thế để hiểu rõ mình không là cái gì cả để nỗ lực hơn và làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn.

Được biết, anh vừa ra mắt cuốn sách “Vo Trong Nghia Architects”. Vậy, anh muốn gửi thông điệp gì qua cuốn sách này?

Cuốn sách là tập hợp các ví dụ cụ thể về xanh hóa đô thị cũng như làm các công trình kiến trúc gần gũi với thiên nhiên. Tôi hy vọng những chia sẻ của tôi có thể là những tư liệu cho mọi người tham khảo để làm các công trình mà mình mong muốn.

Nhà Cho Cây: Giúp xanh hóa mái nhà đô thị
Nhà Cho Cây: Giúp xanh hóa mái nhà đô thị

Nếu anh có cơ hội được thiết kế kiến trúc cho Hà Nội, anh sẽ làm gì để tạo điểm nhấn và làm tôn nên vẻ đẹp của thủ đô?

Theo tôi, mọi cái đều xuất phát từ tự thân, đừng cố gắng làm gì đó để tạo thành một điểm nhấn. Nhiều người thường nghĩ phải làm gì đó để có bản sắc, nhưng theo tôi, tự thân nó phù hợp với khí hậu, phù hợp với phong thổ, phù hợp với xã hội, phù hợp với con người, phù hợp với phong cách sống thì tự khắc nó sẽ tạo thành bản sắc, còn cố gắng đi tìm bản sắc thì lại không thành công. Một công trình làm ra tự thân nó được mọi người ghi nhận, mọi người đến nhiều, mọi người biết nhiều thì tự khắc nó thành điểm nhấn dù là công trình nhỏ.

Để Hà Nội xanh hơn, đẹp hơn thì cần trồng thêm nhiều cây xanh và cần có những quy hoạch rõ ràng, mạch lạc hơn. Vấn đề này không phải là khó mà là chúng ta có muốn làm hay không, giống như để bắt đầu một công trình kiến trúc độc đáo thì phải thuyết phục chủ đầu tư, thợ và phải có đủ vốn để xây dựng.

Xin trân trọng cảm ơn anh!

Nguyên An

(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm