Kiến trúc độc đáo di tích thành Hoàng Đế
(Dân trí) – Nhiều công trình kiến trúc cung đình độc đáo của kinh đô Hoàng Đế nhà Tây Sơn được phát hiện như nền móng cung điện lầu Bát giác, các thủy hồ, đàn Nam Giao…
Vừa qua, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Bình Định tiếp tục khai quật lần thứ 5 thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định).
Đợt khai quật này, Đoàn khảo cổ sẽ tiến hành khai quật trong diện tích 900 m2, nằm trong khuôn viên thành nội của thành Hoàng Đế. Trong đó, tập trung ở 3 hố, 1 hố nhằm khảo sát thủy hồ trong Tử thành (nhiều người gọi là Tử cấm thành) của nhà Tây Sơn, 2 hố còn lại nhằm khảo sát, xác định nền móng Tử thành. Kết quả khai quật sẽ là thông tin cần thiết cho việc công việc phục hồi, trùng tu thành Hoàng Đế trong thời gian tới.
Trước đó, sau 4 lần khai quật thành Hoàng Đế vào các năm các năm 2004, 2005, 2006 và 2007 đã xác định một số kiến trúc cung đình độc đáo của kinh đô Hoàng Đế nhà Tây Sơn như nền móng cung điện lầu Bát giác, các thủy hồ, đàn Nam Giao…
TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học Việt Nam, người phụ trách khai quật, cho biết: “Tử thành (Tử cấm thành) nhà Tây Sơn được xác định là kiểu kiến trúc cung đình nên việc xây dựng phải tuân thủ theo quy luật cân đối. Vì vậy, khi phát hiện ra thủy hồ ở phía tây thành (còn gọi là hồ bán nguyệt) nơi dành cho các phi tần, cung nữ tắm rửa, thì nhất định phải có thủy hồ ở phía đông. Nên khi tiến hành khai quật ở phía đông, đoàn tiếp tục phát hiện ra thủy hồ giống với thủy hồ ở phía tây. Còn hai hố còn lại đã phát hiện ra bờ móng, công trình kiến trúc của thành nội thành Hoàng Đế còn giữ lại được chia làm 2 phần: Hoàng cung, nơi triều đình hội họp, các vị lãnh đạo nhà Tây Sơn làm việc và phần phía sau hoàng cung là nơi sinh hoạt, ăn ở của tư gia Hoàng đế Nguyễn Nhạc, nơi mà nhân dân địa phương thường gọi là nền cung cũ hay nền hậu cung”.
TS Lê Đình Phụng cho biết thêm: “Cuộc khai quật nhằm xác định không gian Tử cấm thành gồm quy mô, mặt bằng cùng các công trình kiến trúc thành nội của thành Hoàng Đế; tìm dấu vết để phục vụ cho công tác trùng tu, phục hồi thành Hoàng Đế dựa trên những cứ liệu có cơ sở khoa học vững chắc”.
Tuy nhiên, việc phát hiện thêm nhiều dấu tích lịch sử nhưng để tiếp tục trùng tu, phục hồi thì cần có thêm những chứng cứ khoa học thuyết phục của khảo cổ học về các công trình kiến trúc cung đình Hoàng Đế. Bởi hiện nay, không gian Tử cấm thành và cấu trúc các vòng thành vẫn còn có những ý kiến trái chiều nhau.
Theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, tại vị trí thành Hoàng Đế hiện nay, từng tồn tại 2 vương triều của 2 tộc người khác nhau, sống cách hơn 300 với tên gọi: Đồ Bàn (Champa), Hoàng Đế (Tây Sơn). Tuy nhiên, kinh đô Đồ Bàn - Vijaya tồn tại thời gian gần V thế kỷ (XI - XV), liên tục bị chiến tranh tàn phá rồi lại được xây dựng, tu bổ phục hồi ở nhiều thời điểm khác nhau nên dấu tích không còn nhiều.
Năm 1776, Nguyễn Nhạc, cho quân sửa lại thành Đồ Bàn làm đại bản doanh của quân khởi nghĩa, sau đó xây dựng thành kinh đô nhà Tây Sơn. Từ năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế đặt kinh đô tại Phú Xuân, kinh đô Hoàng Đế chỉ còn trên danh nghĩa. Năm 1793, vua Cảnh Thịnh tiến chiếm thành Hoàng Đế. Năm 1801 thành Hoàng Đế đã thuộc về Nguyễn Ánh do tướng Võ Tánh đóng quân sau khi chiếm được thành từ quân Tây Sơn.
Sau khi chiếm được thành Hoàng Đế, Nguyễn Ánh đã đổi tên là thành Bình Định. Tới năm 1814 ông cho chuyển thủ phủ từ thành Hoàng Đế về vị trí là thành Bình Định sau này, nằm cách thành hoàng đế khoảng 5km về hướng đông nam làm thủ phủ trị sự của vùng Quy Nhơn-Bình Định.