Kịch hình thể còn quá nhiều lời
Sau 10 năm thể nghiệm kịch hình thể với nhiều tác phẩm đã ra đời nhưng cho tới nay nó vẫn còn gây tranh cãi bởi giới phê bình và người làm nghề.
Người bảo đúng, người nói không
Hầu hết những ý kiến của nhà nghiên cứu, phê bình, nghệ sĩ, nhà báo đều khẳng định Đoàn kịch hình thể ra đời với những tác phẩm “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử”, Vườn thiên đàng”, “Từ một ngã tư”, “Tâm linh Việt”, “Stereo man”, "Nguyễn Du với Kiều"... đã tạo sự đa dạng cho sân khấu Việt Nam, tác động tích cực đến khán giả.
Trong khi TS Thái khen vở “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” thì NSND Lan Hương cho biết khi hỏi một số bạn bè quốc tế họ lại nói rằng đây không phải là một tác phẩm kịch hình thể....
“Kịch hình thể có đầy đủ những đặc trưng của nghệ thuật sân khấu nhưng lại chưa được đầu tư đúng mức. Qua 10 năm, chúng ta dựng được 10 vở diễn. Nhưng tất cả đều là sự mày mò, tìm tòi của các nghệ sỹ Việt Nam, đặc biệt là NSND Lan Hương. Chưa có chuyên gia nào đến Việt Nam giảng dạy và cũng chưa có nghệ sỹ, diễn viên nào được ra nước ngoài học một cách bài bản về loại hình nghệ thuật này”, nhà nghiên cứu Phạm Duy Khuê nói.
Kinh phí bèo bọt, diễn không công
Hầu hết các vở kịch hình thể do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đều lấy kinh phí từ nguồn xã hội hóa, phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước rất khiêm tốn. Nhiều vở được dựng từ kinh phí do phía quốc tế tài trợ và biểu diễn miễn phí.
Theo ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, mỗi năm Nhà hát được nhà nước cấp kinh phí 1 tỷ đồng, phân đều cho các đoàn để đầu tư hai vở diễn mới (300 triệu đồng/vở) và nâng cấp hai vở diễn cũ (200 triệu đồng/vở). Kịch hình thể là thiệt thòi nhất trong các đoàn ở Nhà hát khi được cấp kinh phí rất “bèo bọt”.
Thực tế, sau 10 năm kịch hình thể vẫn chỉ ở giai đoạn thử nghiệm và không có khán giả. Liệu có phải xem lại tài năng của người nghệ sĩ? đó là câu hỏi của nhiều người trong buổi tạo đàm.
NSND Lan Hương cho hay Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo bài bản về kịch hình thể, các nghệ sỹ diễn viên của đoàn kịch hình thể phần lớn xuất thân là các nghệ sỹ múa, nghệ sỹ kịch câm… Tất cả việc đào tạo là tự biên tự diễn, ai có kinh nghiệm gì thì chia sẻ với anh em. Trong khi đó, để đi vào con đường chuyên nghiệp, một diễn viên cần có sự hiểu biết nhiều lĩnh vực như xiếc, múa, ballet…
Do vậy, mặc dù đã dựng được 10 tác phẩm kịch hình thể nhưng “hầu hết các tác phẩm này chỉ dừng lại ở việc minh họa hình thể, khán giả chỉ nhớ câu chuyện mà của tác phẩm chứ không nhớ đến nghệ thuật tuyệt vời mà người đạo diễn đã dàn dựng”, NSND Lê Tiến Thọ nói.
Xem xong không hiểu
NSND Phạm Thị Thành tiết lộ rất nhiều bạn bè của bà khi xem xong kịch hình thể đều nói không hiểu và muốn xem nhiều lần cho hiểu nhưng không có cơ hội. “Hãy nới rộng phạm vi biểu diễn của kịch hình thể, có thể ra sân bãi , vào sân các trường đại học, đối tượng thiếu nhi cũng không nên bỏ. Lan Huơng làm nhiều vở cho người lớn quá”, bà Thành nhận xét.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng khái: “Loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, nếu không có khán giả, nó sẽ chết. Chúng ta phải tìm đường tiếp cận với khán giả, công tác quảng bá tác phẩm cũng vô cùng quan trọng.
“Đừng bắt khán giả phải xem vội, mà hãy dẫn giải họ vào thế giới kỳ ảo của những động tác cơ thể biết nói”, NSƯT Lê Chức gợi ý.
Không thể phủ nhận được kịch hình thể đã đem lại “luồng gió mới” cho sân khấu kịch. Nếu dừng ở con số 10 năm để nhìn lại thì nỗi đam mê và cả sự hy sinh cho nghệ thuật kịch hình thể của NSND Lan Hương và các cộng sự là không nhỏ nhưng chưa có được con số lớn người biết tới, hiểu và yêu kịch hình thể. Do vậy, muốn kịch hình thể có thể phát triển và tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng, có lẽ sự cố gắng của riêng Đoàn kịch thể nghiệm (Nhà hát Tuổi trẻ) là chưa đủ.