Khủng hoảng tài năng từ các game show

Tưởng nhiều "sao" xuất hiện sau một đêm chiến thắng ở các game show, ai ngờ thị trường ca nhạc càng ngày càng khủng hoảng tài năng.

Bản thân các chương trình cũng dần đi vào lối bí, hoặc đạp lên nhau, đè bẹp nhau để tồn tại. Bởi lẽ, chẳng có tài năng nào mà không đào luyện qua thời gian, cũng chẳng có một  thị trường âm nhạc nào mà ca sĩ đã thành danh lại không đầu tư vào chuyên môn.
 
Hoài Lâm nổi tiếng nhờ khả năng bắt chước các ca sĩ khác.

Hoài Lâm nổi tiếng nhờ khả năng bắt chước các ca sĩ khác. (Ảnh: VTV.vn)

 

Cátsê tăng sau một đêm

 

Đó là trường hợp của Hoài Lâm - một ca sĩ không tên tuổi, dựa hơi làm con nuôi của danh hài Hoài Linh. Bỗng dưng anh nổi tiếng sau khi đăng quang cuộc thi “Gương mặt thân quen” và cátsê, theo giới bầu sô tiết lộ, từ vài triệu đã lên 20 triệu đồng và có khi tới 40 triệu đồng/đêm. Chỉ với khả năng giả gái thành công, cùng với giọng hát khéo bắt chước các nhân vật, Hoài Lâm trở thành ca sĩ thăng hạng B sau một đêm.

 

Tuy nhiên, nhiều người đang bị nhầm tưởng giữa tài năng và sự bắt chước cho giống tài năng, trong một game show. Bằng chứng là trong các bài thi, Hoài Lâm chỉ “hóa thân” vào đủ loại nhân vật. Thực sự, cuộc thi chỉ đẩy anh lên hàng ca sĩ được yêu thích, mà không có một đóng góp nào về mặt nghệ thuật.

 

Nhiều cuộc thi khác cũng rơi vào tình trạng ngộ nhận “tài năng”. Không ai qua mặt Phương Vy khi hát đủ thể loại không thuộc sở trường của mình, nhưng cũng không ai nhớ nổi phong cách gần đây của cô. Sau cuộc thi “Thần tượng âm nhạc”, quán quân Phương Vy chìm nghỉm và gần đây lại nổi lên nhờ chiến thắng trong “Tuyệt đỉnh tranh tài”, nhưng điều đó cũng chỉ giúp hâm nóng tên tuổi của cô trong một thời gian ngắn mà thôi.

 

Cátsê tăng, nhưng cuộc chơi nào cũng chóng tàn, các "sao" chóng xuất hiện dường như đi ngược với quy luật - bơi hụt hơi sau sự nổi tiếng. Tài năng không phải là kiểu người giúp vui trong các chương trình game show, truyền hình thực tế, cũng không phải là ngôi sao vô thưởng vô phạt. Tài năng chỉ có thể khiến người ta rung động, thức tỉnh và suy nghĩ trước những cái mới mà họ mang lại trong nghệ thuật.

 

Đua nhau làm giám khảo và bị ném đá

 

Hiện nay, đa số các "sao" đều ngồi nhẵn mặt ở ghế giám khảo. Cái lợi ở đây là họ được phủ sóng hằng tuần, được mời gọi quảng cáo, tranh thủ quảng bá cho album hay phong cách của mình, được lăng xê miễn phí. Hầu như các sân chơi như Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt nhí, Đồ Rê Mí, Thần tượng âm nhạc, lẫn các cuộc thi khiêu vũ, thi nhảy... đều có mặt những ca sĩ nổi tiếng.

 

Họ là nhân vật góp vui, giải trí là chính, nên không đưa ra những lời khuyên chính xác về chuyên môn, bị đưa ra mổ xẻ cũng là chuyện thường tình. Nhưng hậu cuộc thi, nếu không bị “ném đá” thì cũng dính chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" với thí sinh, rồi tố nhau trên báo... Thông thường, chỉ những ca sĩ không làm giám khảo thì mới có dịp đầu tư nghiêm túc và hiệu quả vào chuyên môn.

 

Chiêu trò và trả giá cho hậu game show

 

Sau khi ngôi vị quán quân đã có chủ, người ta tung hô kẻ thắng cuộc mà đôi khi quên mất sẽ có không ít người bị tổn thương, vì đằng sau các cuộc chơi là các chiêu trò câu khách và kết quả dàn xếp. “Tài năng” một đêm trở nên chới với sau cuộc thi, rất ít người có khả năng đi tiếp và giữ được phong độ. Đặc biệt, bởi có quá nhiều cuộc thi hát, nên thí sinh chạy qua chạy lại giữa các cuộc thi, mà kiếm đỏ mắt mới ra gương mặt mới.

 

Có một lớp "sao" xuất hiện sau các game show hay truyền hình thực tế, cátsê tăng vọt, chạy sô hết công suất, bỏ nghệ thuật lại sau lưng. Cũng có những "sao" nhí trở thành công cụ hái ra tiền của bầu sô và cha mẹ, khi chưa kịp trưởng thành và định hình về phong cách. Hàng loạt thí sinh khát hào quang nổi tiếng và cái lợi trước mắt, mà đôi khi, đổi lại, họ bị lợi dụng và vắt kiệt.

 

Nguy hiểm hơn, theo nhiều nhà chuyên môn, cái đẹp, tài năng và nghệ thuật đã bị đánh đồng với những trò câu khách, giật gân rẻ tiền.

 

Theo Minh Thi

Lao Động