Không để những việc tử tế rất bình dị... bị đánh giá không bình thường
(Dân trí) - Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị tổng kết công tác văn hoá, thể thao và du lịch diễn ra sáng nay (19/1) tại Hà Nội.
Sáng nay, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2019.
Theo đó, năm 2018, ngành văn hoá, thể thao và du lịch trong cả nước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. 11 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng xếp hạng, 22 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL quyết định xếp hạng 14 di tích quốc gia; 43 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tổ chức tốt công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hoàn thiện hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”; xây dựng hồ sơ “Xòe Thái” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trình UNESCO.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, chú trọng. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội có nhiều tiến bộ, kịp thời chấn chỉnh hoạt động lễ hội phù hợp với thuần phong mỹ tục, không để xảy ra hiện tượng phản cảm.
Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, định hướng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của từng tộc người thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lĩnh vực điện ảnh tập trung tháo gỡ khó khăn trong quy trình thẩm định và cấp kinh phí đặt hàng sản xuất phim. Xây dựng hồ sơ “Lập đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)”.
Tổ chức thành công Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V với 147 phim đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ đạo tổ chức 5 đợt phim chào mừng ngày lễ lớn sự kiện chính trị lớn của đất nước. Tổ chức các Tuần phim, sự kiện điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Xây dựng, trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, thể thao du lịch. Công tác thẩm định hồ sơ, cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thực hiện theo đúng quy định.
Công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tiếp tục được quan tâm và thực hiện nghiêm túc với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm; hoạt động giám định của Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh chính thức được triển khai góp phần nâng cao chất lượng, tính minh bạch hoạt động mỹ thuật nhiếp ảnh.
Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Tổ chức triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các Đề án, kế hoạch về quyền tác giả và các quyền liên quan.
Công tác gia đình được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng và yêu cầu đề ra. Tổ chức Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm và 01 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình.
Tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Việc tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” được thực hiện với nhiều nội dung và hình thức phong phú.
Thể thao Việt Nam có bước tiến vượt bậc tại ASIAD 2018 với nhiều huy chương ở các môn Olympic, Đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành Cúp vô địch tại giải vô địch bóng đá Đông Nam Á sau 10 năm chờ đợi tiếp nối chiến thắng của đội tuyển U23 giành ngôi Á quân tại Giải vô địch U23 Châu Á đem lại niềm vinh dự, tự hào dân tộc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Du lịch Việt Nam lần đầu tiên được vinh danh là Điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á năm 2018; khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so với năm 2017, tăng 2 lần so với năm 2015.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Tùng Long.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những thành tựu nổi bật của ngành VHTT&DL trong năm 2018 là kết quả của sự kế thừa, nỗ lực từ những năm trước, xác định đúng hướng, kiên trì thực hiện.
Đơn cử, lĩnh vực du lịch phát triển mạnh mẽ không chỉ qua số lượng du khách mà cải thiện cả về giao thông, thị thực, xây dựng văn hoá, môi trường du lịch an toàn, loại hình, chất lượng dịch vụ, huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ đức Đam cho rằng, trong năm 2019, ngành VHTT&DL cần tập trung, thống nhất một số mặt cụ thể để tạo bức tranh chung tốt hơn.
“Làm văn hoá cần tầm nhìn dài hạn nhưng phải chịu khó, tỉ mỉ, cụ thể. Có những việc tưởng chừng bé nhưng lại là gốc, nhiều việc to, hào nhoáng nhưng lại là ngọn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nói về trách nhiệm của ngành văn hoá trong khắc phục tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, bên cạnh những việc đã và đang thực hiện từ các năm trước, Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2019 Bộ VHTT&DL tập trung chỉ đạo 3 vấn đề.
Trước hết Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ GD&ĐT chặt chẽ, chi tiết, thiết thực để đẩy mạnh giáo dục văn hoá trong nhà trường.
“Trong trường học có 5 điều Bác Hồ dạy nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Những năm trước ngành Thể dục, Thể thao đã rất nỗ lực đưa nhiều môn thể thao vào học đường. Đây là kinh nghiệm khi giáo dục nếp sống, văn hoá, thái độ ứng xử cho học sinh”, Phó Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh vai trò nêu gương những điều tốt đẹp, lên án cái xấu, Phó Thủ tướng đề nghị ngành văn hoá chủ động lên tiếng chính thức trước các hiện tượng diễn ra trong đời sống xã hội, nói rõ thế nào là tốt, thế nào là xấu. Không để những hành động, những việc tử tế, rất bình dị... bị đánh giá là không bình thường.
“Có nhiều vụ việc xe chở bia bị lật, khi người dân lấy bia mang về hay giúp thu gom bia lại cho lái xe thì đều không thấy ngành văn hoá lên tiếng. Bộ VHTT&DL có Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia là nơi danh tính ngôn thuận, rất chuẩn mực để phát ngôn chính thức về những hiện tượng trong xã hội, định hướng dư luận.
Một trong những di sản quý giá nhất và có liên quan đến khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay là di sản của Bác Hồ. Đảng đã phát động các phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.
Các đồng chí phải tập trung phân tích. Những câu chuyện về Bác Hồ bao hàm trong đó nhiều giá trị văn hoá, đạo đức cốt lõi qua những việc, biểu hiện hết sức cụ thể, gần gũi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Điểm tiếp theo Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTT&DL phải xây dựng cho được các quy tắc mang tính nghi lễ, thái độ ứng xử sao cho đúng văn hoá, truyền thống, kết hợp với hiện đại.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ VHTT&DL chủ động tháo gỡ khó khăn trong công tác đào tạo, đặt hàng sáng tác. Một hướng đi mới được Phó Thủ tướng nêu lên là huy động các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp du lịch lớn, cùng tham gia đặt hàng đào tạo, sáng tác, biểu diễn đối với các đơn vị nghệ thuật, gắn du lịch với văn hoá.
Trong việc sắp xếp lại các đoàn nghệ thuật, thư viện… ở địa phương để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không bao giờ được quên các thiết chế văn hoá và nhân lực về văn hoá, đặc biệt đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân là tài sản vô giá không được để mất.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh chấn chỉnh các tập tục, thói quen không còn phù hợp với các tiêu chí xây dựng đời sống văn hoá, nếp sống văn minh.
“Nhiều nơi thành phong trào, tập tục là việc gì cũng liên hoan. Con thi đỗ, sửa lại nhà cũng liên hoan hàng chục, hàng trăm mâm, rồi vay nợ… Bộ VHTT&DL phải phân tích, đưa ra những khuyến nghị chính thức về việc này”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Đánh giá kết quả của lĩnh vực Thể dục - thể thao năm vừa qua, Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa phong trào thể dục, thể thao cộng đồng, nhà trường.
Về thể thao thành tích cao, Phó Thủ tướng điểm một số vấn đề cần chú ý như: Đào tạo các môn Olympic, công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021, thay đổi cơ chế đầu tư các trung tâm huấn luyện, phát triển võ dân tộc…
“Đặc biệt đối với bóng đá chúng ta phải kiên quyết làm bóng đá sạch, cùng với đó phải có những sân vận động đẹp, tiện nghi để người dân, sau một tuần làm việc vất vả, đến sân bóng như trong ngày hội. Bộ cần bàn với các địa phương về cơ chế hợp tác trong xây dựng sân vận động”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL phải chủ động phát huy hơn nữa vai trò chủ trì, điều phối cùng các bộ ngành khác khi triển khai Đề án Nâng cao tầm vóc Việt.
Khẳng định những kết quả của ngành du lịch có được là do lộ trình kế thừa, trong đó các doanh nghiệp lớn đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch mới ở tầm quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là kinh nghiệm rất đáng quý. Các địa phương làm du lịch phải có quy hoạch, định hướng dài hạn, đầu tư quy mô theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt phải bảo vệ được môi trường.
Theo Phó Thủ tướng, xây dựng đời sống văn hoá đầu tiên là ở các điểm du lịch từ đi lại, ứng xử đến nhà vệ sinh, vứt rác… Những thứ tưởng là nhỏ nhặt nhưng làm tốt thì môi trường du lịch sẽ an toàn, văn hoá.
Yêu cầu Bộ VHTT&DL dành nhiều tâm sức, chỉ đạo thống nhất về phát triển du lịch cộng đồng, Phó Thủ tướng nêu rõ: Du khách đi du lịch cộng đồng là muốn trải nghiệm về sinh thái, không gian sống, các nét văn hoá truyền thống chứ không phải là ở khách sạn 5 sao. Nếu không có chỉ đạo để làm tự phát thì những nét đẹp nguyên sơ ở những điểm du lịch cộng đồng sẽ bị biến dạng. Đường đất, hàng rào, bờ dậu, nhà cửa bị bê tông hoá, hiện đại hoá…
Từ thực trạng ngành du lịch thiếu nhân lực trầm trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL phải “xông vào, làm sát sàn sạt”, bằng nhiều hình thức đào tạo qua trực tuyến, vừa học vừa làm… Đồng thời phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch thông minh như hướng dẫn thuyết minh tự động tại các điểm du lịch, đặt và thanh toán các dịch vụ du lịch qua mạng…
Phó Thủ tướng cho biết Bộ KH&CN đang xây dựng bản đồ số Việt Nam đến từng số nhà, chỉ dẫn giao thông, hướng dẫn thương mại điện tử gắn với các dịch vụ liên quan đến văn hoá, du lịch như lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí… “Đây là mũi nhọn của ngành du lịch phải thực hiện bằng được”.
Hà Tùng Long