Khốn đốn vì dịch Covid-19: Diễn viên đi làm thợ nhôm kính, về quê chăm con
(Dân trí) - Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều Nhà hát phải đóng cửa, đẩy các diễn viên, nghệ sĩ vào cảnh thất nghiệp hoặc bỏ nghề, phải làm thêm nhiều nghề tay trái để mưu sinh...
Thất nghiệp, gánh nợ vì Covid-19
Gần 2 năm bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều nhà hát, sân khấu lao đao do không bán được vé; phải đóng cửa, gánh nợ. Tình trạng "đóng băng" hoạt động biểu diễn đẩy nhiều diễn viên, nghệ sĩ vào hoàn cảnh… thất nghiệp, bỏ nghề.
Chia sẻ về nỗi vất vả của các nghệ sĩ xiếc khi dịch bệnh "táng" thêm cú đấm bồi, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam buồn rầu nói: "Chúng tôi đầu tư làm chương trình Gala Xiếc 3 miền ở Hà Nội, 5 đêm ở Quảng Ninh. Suất diễn dịp 30/4 bán vé hết rồi đều phải trả lại tiền cho khán giả. Tiền chi phí mời diễn viên 3 miền từ vé máy bay, chi phí ăn ở chưa biết lấy nguồn thu ở đâu để bù vào? Từ Tết, Liên đoàn đã đi vay đi mượn, nay kiệt quệ quá rồi…"
Theo NSND Tống Toàn Thắng, không chỉ gánh nợ vì đầu tư vào chương trình, Liên đoàn Xiếc còn phải xoay xở để trả lương cho khoảng 60 diễn viên trẻ ở diện hợp đồng, không nằm trong diện được nhận lương từ ngân sách.
"Ngay từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, một số diễn viên không được nhận lương đã phải về quê sống dựa vào gia đình", NSND Tống Toàn Thắng tiết lộ.
Cũng theo NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam thì nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều nghệ sĩ sẽ bỏ nghề vì nhà hát đóng cửa thì không có thu nhập mà không có thu nhập thì lấy gì trang trải cuộc sống?
Nói về việc nghệ sĩ trẻ bỏ nghề vì không đủ sống, NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng bày tỏ: "Nghệ sĩ đói thì không có tâm trí làm nghề nữa. Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam đang trong tình trạng khó khăn tương tự. Đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu chính là khán giả đến xem trực tiếp, nếu không có sự tương tác thì không thể biểu diễn được".
Diễn viên đi làm thợ nhôm kính, về quê chăm con
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, không ít diễn viên múa rối đã rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc bỏ nghề vì nhà hát đóng cửa do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
"Mọi thứ đều ngổn ngang và nghiệt ngã quá. Thậm chí, có những diễn viên solist bỏ nhà hát rồi. Các bạn ấy có thành tích đầy đủ, dồi dào mà cũng bỏ. Nếu không bỏ thì năm nay họ có thể làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT. Có bạn sắp vào biên chế mà cũng bỏ. Có bạn được đào tạo xong cũng bỏ đi làm bảo hiểm, làm nhôm kính, lái xe… Nhìn các diễn viên bỏ nghề vì cuộc sống khó khăn, chúng tôi buồn lắm. Nhưng hiện tại, chúng tôi "lực bất tòng tâm", NSND Nguyễn Tiến Dũng cay đắng nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, diễn viên hài Chiến Thắng thừa nhận, vì diễn biến phức tạp của Covid-19, anh bị hủy hàng loạt các show diễn, rơi vào cảnh thất nghiệp nên về quê phụ vợ chăm con nhỏ.
"Trong vòng hai tuần, tôi bị hủy hơn 10 show. Khó khăn đấy, nhưng đó là tình hình chung, mình phải chịu, phải chấp nhận. Ế show, tôi về quê với vợ con, chơi với con, giúp vợ chăm con. Vì đã trải qua những lần hủy show vì Covid-19 nên giờ mình cũng không quá hốt hoảng nữa. Tôi cũng có kinh nghiệm không dám chi tiêu hoang phí, biết tiết kiệm để phòng thân…"
Bàn về giải pháp, hướng đi cho các Nhà hát trong lúc khó khăn vì dịch bệnh, tại buổi làm việc với 12 Nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Việc các nhà hát gặp khó khăn, chúng tôi cũng thấu hiểu và đang tìm cách tháo gỡ".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để giải quyết những khó khăn trước mắt do tác động nặng nề của dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập.
Bộ trưởng giao cục Nghệ thuật Biểu diễn nghiên cứu để đưa ra con số kinh phí hỗ trợ phù hợp, sát với tình hình thực tế. Bộ trưởng cũng đề nghị các Cục, vụ liên quan khẩn trương tổng hợp những ý kiến kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc, báo cáo với lãnh đạo Bộ, để Bộ trình với Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phối hợp với các đơn vị nghệ thuật Trung ương chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tổ chức biểu diễn cũng như xây dựng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Các nhà hát cũng cần sửa chữa, nâng cấp, để khi cơn bão dịch bệnh đi qua, sẽ cho ra mắt những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của khán giả.