“Khơi nguồn tiềm năng con trẻ”: Là trẻ con thì phải nghịch đi chứ!

(Dân trí) - Trường hợp trẻ được vui chơi đầy đủ, tính chủ động phát triển đầy đủ, ổn định cảm xúc, thì từ ba đến bốn tuổi, trẻ sẽ rất thích có bạn và rất thích chơi cùng bạn.

Nhiều cha mẹ phân chia rạch ròi giữa thói quen sinh hoạt và việc vui chơi, họ muốn khi trẻ thực hiện những hoạt động sinh hoạt hàng ngày thì không được chơi, thế nhưng có thể nói đây là mong muốn của những người cha người mẹ vị kỷ, không để ý đến lập trường và cảm xúc của con.

Trường hợp trẻ được vui chơi đầy đủ, tính chủ động phát triển đầy đủ, ổn định cảm xúc, thì từ ba đến bốn tuổi, trẻ sẽ rất thích có bạn và rất thích chơi cùng bạn. Bởi thế trường mẫu giáo giữ trẻ trong vòng ba năm, và thường là trẻ từ ba tuổi trở lên.

“Khơi nguồn tiềm năng con trẻ”: Là trẻ con thì phải nghịch đi chứ! - 1

Quen dần với cuộc sống ở trường mẫu giáo, trẻ khoảng bốn tuổi trở lên cực kỳ thích chơi cùng bạn bè. Quá trình vui chơi này cũng có cả sự nghịch ngợm. Ví dụ, việc chúng lấp những chỗ đọng nước sau cơn mưa, rồi cùng nhau dẫm lên bùn sình trên đôi ủng cao cổ, chúng đào các lỗ ở công viên, nặn bánh bằng đất, ... Chúng còn cho nước vào cát và chơi các trò động lực học ở bãi cát. Có nơi cấm trẻ chơi những trò như thế và họ cũng không chấp nhận những trò mà trẻ tự nghĩ ra.

Họ cấm trẻ chơi những kiểu như thế và họ nói đó là nghịch hư, và cũng có những cha mẹ không thích con họ làm bẩn quần áo. Vì tác động đó mà trẻ bị kìm hãm sự tự do. Cho nên, tuy trẻ có ngoan ngoãn và cư xử đúng mực đi chăng nữa, chúng vẫn không thể là đứa trẻ tự do, hoạt bát.

Lên tiểu học, trẻ vẫn còn nghịch ngợm. Ngày xưa thì hay trộm hồng, trộm dưa hấu. Điều đó không phải là do trẻ thích ăn hồng hay thích ăn dưa, mà chỉ là trẻ muốn thử kỹ năng lấy đồ mà không để chủ nhà phát hiện.

Ngoài trò đó ra còn có trò bấm chuông cửa nữa. Đó là kiểu nghịch bấm chuông nhà người ta, rồi nhân lúc chủ nhà chưa ra thì chạy trốn. Những việc này làm phiền đến người khác và cũng không được hay, thế nhưng đó không phải là chuyện to tát và trẻ cũng không nghịch như thế mãi được. Tôi nghĩ cái chính là người lớn nên rộng lượng với trẻ.

Ngày xưa, người lớn thường thông cảm và cho rằng: “Trò trẻ con ấy mà”. Nhưng dạo gần đây nhiều người không nghĩ như vậy nữa, đến mức họ đi gửi các đơn khiếu nại, việc làm đó chẳng phải là đang kìm hãm sự tinh nghịch của trẻ hay sao. Cha mẹ chỉ mong con của họ đừng làm gì ảnh hưởng đến người khác, những lúc như thế, tôi lại càng muốn cha mẹ phải đứng trên lập trường của trẻ.

Tôi nghĩ tùy vào việc trẻ gây phiền phức thế nào mà xem xét. Phiền phức hay không thì cũng tùy suy nghĩ của mỗi người, và cũng không ít người cho rằng tất cả những điều trẻ làm đều phiền phức, nhưng cũng có những người (bao gồm cả tôi) cho rằng những điều trẻ làm là trò đùa không ác ý, chúng chỉ muốn khám phá thế giới mà thôi; hơn nữa, những trò nghịch ngợm, phá phách đó sẽ giúp phát triển tính sáng tạo và chủ động ở trẻ. Vậy thì tại sao lại nghiêm cấm trẻ nghịch ngợm chứ. Xã hội thực sự cần những đứa trẻ hoạt bát, chủ động như vậy.

Thậm chí, tôi muốn la lên rằng: “Là trẻ con thì phải nghịch đi chứ!!!”, vì khi trẻ nghịch, ta sẽ thấy được những điều trẻ muốn, tùy thuộc vào phạm vi cho phép mà trẻ có cảm thấy thỏa mãn những điều chúng muốn hay không, từ đó ta có thể xem xét rằng bản thân mình có kiểm soát được quá trình phát triển tính chủ động của trẻ hay không. Ngược lại, những đứa trẻ không nghịch ngợm thì biểu hiện không mấy tích cực, điều đó thể hiện rõ khi trẻ có biểu hiện là trẻ ngoan.

Để chứng minh cho điều này, hãy thử cho trẻ tự do hoàn toàn, nói với trẻ: “Hôm nay con chơi gì cũng được”, nếu là đứa trẻ hiếu động, chúng sẽ chơi đủ trò, còn trẻ ngoan chắc chắn sẽ thấy rõ ngay, chúng thong dong, quanh đi quẩn lại.

Sự nghịch ngợm là điều tốt đối với sự phát triển tính chủ động của trẻ.

Cho dù lên cấp hai, cấp ba, sự nghịch ngợm của trẻ vẫn cứ tiếp diễn, nhưng đối với cha mẹ và giáo viên, đây chỉ là nghịch ngợm đôi chút, với bạn bè chúng cũng vậy. Kể cả khi là người lớn thì có những người vẫn thích nghịch. Có rất nhiều đồ chơi phục vụ cho sở thích đó của trẻ, và những trò mà trẻ chơi thường gây cười cho người lớn. Những gia đình hạnh phúc luôn cho phép trẻ được đùa nghịch, và cả cha mẹ cũng là người có tính cách thích vui đùa.

“Khơi nguồn tiềm năng con trẻ”: Là trẻ con thì phải nghịch đi chứ! - 2

Còn khi đến trường, thầy cô có cho phép trẻ đùa nghịch hay không, có nuôi dưỡng tính chủ động của trẻ hay không cũng có ảnh hưởng rất lớn. Nhưng quan trọng là trong những năm đầu đời, trẻ được nuôi dạy trong một ngôi nhà mà ai nấy đều thích đùa nghịch sẽ tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách của trẻ.

Ở khía cạnh này, cha mẹ ở Nhật Bản lại quá mong muốn con cái họ phải nghiêm túc. Điều này là do cả cha mẹ và thầy cô đều là những người nghiêm túc, nhưng đó không phải là sự thật, họ chỉ đang để ý đến những lời bình phẩm xung quanh mà thôi. Nhiều bậc cha mẹ vì những lời bình phẩm bên ngoài này mà rèn con vào khuôn khổ để có thể gắn mác trẻ ngoan cho con. Họ hãnh diện khi được người khác khen rằng: “Con anh chị sao ngoan quá, không như thằng bé nhà tôi, lúc nào cũng quậy quá, nghịch ngợm”.

Trẻ vì muốn được cha mẹ khen, hoặc vì bị cha mẹ la rầy mà cố gắng làm trẻ ngoan, còn cha mẹ vì sĩ diện mà ra sức uốn nắn con thành trẻ ngoan. Kết quả của việc này là đứa trẻ trở nên quá nghiêm túc, thiếu sáng tạo, thiếu hoạt bát. Vì vậy, những bậc cha mẹ dạy con cứng nhắc như thế cần biết nhiều hơn về giá trị của việc không nghiêm túc.

Trích sách "Khơi nguồn tiềm năng con trẻ"

Theo First News