Khi những người trẻ “no đủ”, “giàu có” kể về chiến tranh
(Dân trí) - Sinh năm 1985, được biết đến với gia thế giàu có, nữ diễn viên trẻ Lã Thanh Huyền sau nhiều năm vắng bóng bỗng trở lại điện ảnh với một vai diễn đầy sức nặng- một nữ y tá trở về từ chiến tranh khốc liệt và vật lộn để thoát khỏi những ám ảnh, mất mát…
Điện ảnh Quân đội Nhân dân vừa “trình làng” một tác phẩm điện ảnh được đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, bộ phim “Người trở về”. Phim được lấy ý tưởng từ truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Phim là câu chuyện về số phận bi thương của một nữ y tá trở về từ chiến tranh.
Đề tài về số phận người lính thời hậu chiến không còn là đề tài mới trong điện ảnh. Câu chuyện về những người lính trở về từ cuộc chiến phải đấu tranh, vật lộn thoát khỏi những ám ảnh từ cuộc chiến ấy và vất vả kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình từng được nhắc đến trong bộ phim “Bến không chồng” (đạo diễn Lưu Trọng Ninh, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng).
Nhân vật Mây sinh ra và lớn lên ở một miền quê yên bình ở Bắc Bộ. Cô sớm giã từ mối tình đầu lên đường theo tiếng gọi của lý tưởng. Mây trở thành y tá phục vụ trong một bệnh viện dã chiến..
“Người trở về” của đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền (sinh năm 1980) được kể với chất liệu điện ảnh nữ tính, mềm mại và giàu cảm xúc. Nhân vật Mây được giao cho nữ diễn viên trẻ Lã Thanh Huyền (sinh năm 1985). Với chất hiện đại, trẻ trung, Lã Thanh Huyền đã có một nhân vật Mây mang nét riêng so với hình ảnh chung về những người phụ nữ trở về từ chiến tranh. Nếu họ khắc khổ, đau đớn, bị chiến tranh làm cho nhàu nát, khô cằn thì Mây của Lã Thanh Huyền vẫn tươi trẻ, lạc quan, khát khao hạnh phúc. Nhân vật Mây có phần nặng với Lã Thanh Huyền nhưng có thể nhìn thấy những nỗ lực, cố gắng của nữ diễn viên dành cho nhân vật của mình.
Tuy vẫn bị chê về logic truyện, bị chê trong cách đặt thoại “hiện đại hóa”, “sách vở hóa” ví như ông chú của San (người đàn ông sống ở quê, đặt nặng chuyện con cái nối dõi tông đường) nhưng lại có thể lịch sự nói với chị dâu, “Chị có thể để em nói chuyện riêng với cháu được không”, hay ông bố làm nghề chèo đò ở quê khuyên con gái “Nên đối diện với nỗi đau để chỉ đau một lần rồi thôi…”, phim cũng bị cho rằng đã để nhân vật của Trương Minh Quốc Thái “tung hoành” khắp chiến trường với hình ảnh “thoắt ẩn thoắt hiện”, vừa bị thương rất nặng lại ngay lập tức có thể khỏe mạnh… Nhưng trên tất cả, “Người trở về” là một câu chuyện được kể với nhiều cảm xúc.
Thêm một lần nữa, Trương Minh Quốc Thái có một vai diễn nam tính, mạnh mẽ, quyết liệt. Nhưng, sự xuất hiện của anh ở mặt trận có phần... "thoắt ẩn thoắt hiện", khi bị thương rất nặng, lúc lại khỏe mạnh nhanh chóng một cách đầy bất ngờ...
Nói như đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền, “Chúng tôi chỉ muốn mang đến cho khán giả một câu chuyện về chiến tranh, một câu chuyện về số phận người phụ nữ thời hậu chiến- qua cách nhìn, qua cách kể chuyện của những người rất trẻ như chúng tôi”.
Nữ diễn viên Lã Thanh Huyền cho rằng, “Thế hệ chúng tôi lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa. Chúng tôi trưởng thành trong hòa bình, sự no đủ. Vì thế, khi tham gia bộ phim này, tôi mới thấu hiểu phần nào sự khốc liệt của chiến tranh. Và, những người trở về từ chiến tranh, khi họ tưởng như nỗi đau đã khép lại, nhưng hóa ra, nỗi đau lại chỉ mới bắt đầu… Khi vào vai Mây, tôi mới thấm thía hơn bao giờ hết, tôi đã may mắn như thế nào khi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, no đủ”.
Bộ phim là cách nhìn, cách kể của những người trẻ về chiến tranh
Bộ phim được Quân đội dốc sức đầu tư cho những cảnh chiến trận khốc liệt. Nữ diễn viên Lã Thanh Huyền cho biết, phim thực hiện với nhiều quả nổ có thể gây chấn thương cho diễn viên thực sự, bởi vậy, các diễn viên đã diễn rất thật, trong bối cảnh hiểm nguy có thật.
Sau những khốc liệt, đau thương, mất mát từ chiến trường, Mây trở về quê nhà. Có ý kiến cho rằng, tạo hình của nhân vật Mây từ chiến trường trở về có phần... tươi trẻ so với những nỗi đau đã phải chịu đựng.
Phim có nhiều góc quay đẹp mắt. Nhiều góc quay giàu tính điện ảnh...
Trên tất cả, hành trình đi tìm hạnh phúc, và "cuộc chiến" trong chính nội tâm nhân vật Mây để thoát khỏi ám ảnh chiến tranh, đã được kể với nhiều cảm xúc.
H.H