Khi nào con người cảm thấy hạnh phúc nhất?

Viên Minh

(Dân trí) - Cuốn sách dành cho những ai muốn tìm hiểu về tâm lý học hiện đại, về hạnh phúc và đặc biệt thấu hiểu chính mình qua lăng kính phân tích của khoa học.

Mihaly Csikszentmihalyi đã dùng một số công cụ tâm lý học hiện đại để khám phá câu hỏi "Khi nào con người cảm thấy hạnh phúc nhất?" thông qua cuốn sách Flow - Dòng chảy (552 trang, Nhà xuất bản Dân Trí).

Tác phẩm gồm 10 chương, từng bước tái cấu trúc hạnh phúc, bằng cách rút ra một công thức gồm 9 điều kiện cần thiết để đưa mình vào "trạng thái dòng chảy". Đây là trạng thái mà con người tập trung sâu sắc vào một hoạt động đến mức dường như chẳng còn điều gì khác quan trọng nữa.

9 điều kiện cần thiết gồm: Có mục tiêu rõ ràng; Có những phản hồi tức thì cho hành động; Có sự cân bằng giữa thách thức và kỹ năng; Hành động và nhận thức được hợp nhất; Những khía cạnh khác bị loại khỏi ý thức; Không lo sợ thất bại; Sự tự ý thức biến mất; Cảm thức về thời gian bị bóp méo và Hoạt động trở thành hoạt động có mục đích tự thân.

Khi nào con người cảm thấy hạnh phúc nhất? - 1

Cuốn sách "Flow - Dòng chảy" dày 552 trang do Nhà xuất bản Dân Trí phát hành (Ảnh: NXB cung cấp).

"Trạng thái dòng chảy" giúp con người tập trung cao độ, đạt được hiệu suất tối ưu nhất trong mọi việc, cũng như trải nghiệm trọn vẹn nhất cuộc sống mà không cần quá nỗ lực hay cố gắng. Con người sẽ sống hạnh phúc hơn, chủ động hơn và cân bằng hơn trong mọi hoàn cảnh.

Hai khái niệm không thể tách rời trong thuyết dòng chảy của Mihaly Csikszentmihalyi gồm "trạng thái dòng chảy" và "trải nghiệm tối ưu" - những tiền đề của một cuộc sống hạnh phúc.

Khi "trạng thái dòng chảy" diễn ra trong tâm trí, con người có được trải nghiệm tối ưu - "cơ thể hay tâm trí của một người được kéo căng đến giới hạn của nó, trong một nỗ lực tự nguyện, nhằm hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn và đáng giá". Chính là lúc con người hoàn toàn kiểm soát chất lượng cuộc sống, bất chấp các điều kiện ngoại cảnh.

Thuyết dòng chảy không chỉ là một chủ đề học thuật đơn thuần, mà còn mang tính thực tiễn và ứng dụng cao. Vấn đề này hiện tiếp tục được nghiên cứu và áp dụng trong hầu hết các ngành khoa học xã hội, kinh tế, đời sống,... nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.

Dù là một vấn đề học thuật, Flow - Dòng chảy dành cho độc giả phổ thông, nhằm tóm lược các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ về những khía cạnh tích cực trong trải nghiệm của con người.

Mihaly Csikszentmihalyi (1934-2021) là tiến sĩ tâm lý học người Mỹ gốc Hungary, nhà nghiên cứu lỗi lạc, giáo sư thuộc Khoa Tâm lý học và Quản lý tại trường Drucker trực thuộc Đại học Claremont Graduate tại Claremont, California.

Ông là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu về chất lượng cuộc sống tại trường Drucker, đồng thời là nguyên chủ nhiệm Khoa Tâm lý học tại Đại học Chicago.

Mihaly được biết đến như cha đẻ của thuyết dòng chảy. Trong suốt hàng chục năm, ông đã gắn bó với vô số nghiên cứu xoay quanh chủ đề dòng chảy. Những nghiên cứu này có sức lan tỏa khắp thế giới với sự quan tâm đặc biệt.