1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Tôn vinh 85 tên tuổi lớn của văn hóa, văn chương Việt Nam

Viên Minh

(Dân trí) - Cuốn sách "85 chân dung văn hóa, văn chương Việt" tôn vinh nhiều tên tuổi lớn từ văn học trung đại đến hiện đại.

85 chân dung văn hóa, văn chương Việt của Giáo sư Phong Lê đã dựng lại cuộc đời và sự nghiệp của 85 tác giả tiêu biểu của nền văn chương Việt Nam.

Họ gồm những tên tuổi làm nên chuyển động lớn trong văn học trung đại kể từ Chu Văn An, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm…, đến những gương mặt thế kỷ XX khi văn học chuyển vào quỹ đạo hiện đại.

Trong số 85 nhân vật, GS Phong Lê đặc biệt ấn tượng và tập trung đầu tư vào 3 tác giả mà ông cho là quan trọng nhất, gồm Nam Cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nguyễn Du.

Tôn vinh 85 tên tuổi lớn của văn hóa, văn chương Việt Nam - 1

Cuốn sách "85 chân dung văn hóa, văn chương Việt" do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành (Ảnh: NXB cung cấp).

GS Phong Lê rất linh hoạt trong việc sử dụng đôi mắt xanh tinh tế và ngòi bút sắc sảo để khắc họa những chân dung văn học.

Với mỗi tác giả, ông lựa chọn cách khai thác riêng. Đôi khi chỉ vài nét phác họa, hoặc những cảm nhận, suy ngẫm cá nhân… song đều toát lên con người cuộc đời và con người văn chương của từng nhân vật, qua đó thấu hiểu những bài học nhân sinh và thế thời. 

Tác giả đã dồn hết tâm huyết, tình cảm và rung động vào mỗi chân dung. Ông chưa bao giờ lảng tránh thổ lộ chính kiến ngay thẳng của mình bằng một tình yêu thật sự với các nhân vật.

Một tình yêu sôi nổi và nhiệt thành khiến độc giả phải rung động, kinh ngạc và thán phục trong từng câu chữ.

Giáo sư Phong Lê, tên thật Lê Phong Sừ, sinh ngày 10/11/1938, tại xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông nguyên là Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Nghiên cứu viên cao cấp, Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

GS Phong Lê đã viết riêng và chủ biên khoảng 30 công trình lý luận và nghiên cứu văn học, văn hóa Việt Nam, một trong số đó là: Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1970; Văn và người; Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa; Văn học Việt Nam hiện đại - Lịch sử và lý luận (1980 - 1987, 7 tập); Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại; Văn học và công cuộc đổi mới (1994); Văn học trên hành trình của thế kỷ XX;…

Năm 2005, ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.