Khi dàn sao Hoa ngữ trở nên hờ hững với LHP Cannes
(Dân trí) - Thảm đỏ LHP Cannes năm 2022 vắng bóng các ngôi sao Trung Quốc dù cách đây vài năm, việc được góp mặt tại một trong những LHP danh giá, có truyền thống nhất là ước mơ của nhiều nghệ sĩ quốc gia tỷ dân.
LHP Cannes 2022 bắt đầu diễn ra từ ngày 17/5 và kết thúc vào ngày 28/5. LHP năm nay được tổ chức theo hình thức quen thuộc với những màn trình diễn trên thảm đỏ được phóng viên, công chúng chờ đón sau gần hai năm đóng băng. Năm 2020, LHP Cannes bị hủy bỏ và năm 2021, sự kiện này được tổ chức muộn với những quy định khắt khe về phòng dịch.
Tuy nhiên, từ khi bắt đầu khai mạc LHP năm nay, sự vắng bóng của các ngôi sao Trung Quốc trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội. Trước đây, các ngôi sao hàng đầu Hoa ngữ như Phạm Băng Băng, Chương Tử Di, Củng Lợi… được các fan chờ đón. Song, tại LHP Cannes 2022, trừ Thang Duy, Minh Đạo, Ngô Ngạn Tổ, Trần Pháp Lai, vợ chồng nghệ sĩ Lưu Thi Côn - Tôn Dĩnh, không nhiều bóng hồng hay các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng đến từ Trung Quốc xuất hiện trên thảm đỏ.
Trong đó, sự góp mặt của Thang Duy được xem là nổi bật nhất. Nữ diễn viên 43 tuổi đến LHP Cannes 2022 với tư cách diễn viên chính trong bộ phim Decision to Leave, một tác phẩm của Hàn Quốc tham gia tranh giải Cành cọ vàng. Decision to Leave là tác phẩm nghệ thuật mới nhất của đạo diễn nổi tiếng người Hàn Quốc - Park Chan Wook.
"Ngày càng mờ nhạt và thưa thớt" là lời nhận định của truyền thông quốc tế về tầm ảnh hưởng của làng giải trí Trung Quốc tại Cannes. Theo Sina, Trung Quốc năm nay không gửi bất kỳ tác phẩm nào đến Cannes tranh tài và đây được xem là năm hiếm hoi điện ảnh Hoa ngữ vắng bóng trong danh sách 21 phim tranh giải Cành cọ vàng. Thay vào đó là sự nổi trội của điện ảnh Hàn Quốc trong hạng mục tranh giải Cành cọ vàng và những giải thưởng phụ của Cannes.
Ngoài Thang Duy góp mặt tại LHP Cannes 2022 với tư cách diễn viên có phim tranh giải Cành cọ vàng, Chương Tử Di cũng là nữ nghệ sĩ hiếm hoi của Trung Quốc được truyền thông quốc tế đề cập. Cô được mời làm giám khảo, tham gia chấm điểm tại hạng mục phim tranh giải Cannes XR - VeeR Future Award, một hạng mục dành cho tác phẩm áp dụng công nghệ thực tế ảo tại LHP Cannes 2022.
Những dấu ấn của điện ảnh Hoa ngữ tại các kỳ LHP Cannes
Năm 1993, tác phẩm Bá Vương biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca gây chấn động khi đoạt giải Cành cọ vàng. Sau đó, một năm, bộ phim Phải sống của Trương Nghệ Mưu được Giải thưởng lớn do ban giám khảo đánh giá. Bộ phim giúp Cát Ưu đi vào lịch sử điện ảnh Trung Quốc khi trở thành nghệ sĩ đầu tiên nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc.
Năm 1997, Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ có tên trong đề cử Nam chính xuất sắc nhờ tác phẩm về tình yêu đồng tính trong Happy Love. Bộ phim đã mang về cho đạo diễn Vương Gia Vệ giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes 1997.
Tại LHP Cannes lần thứ 53, đạo diễn Dương Đức Xương được vinh danh hạng mục Đạo diễn xuất sắc trong khi bộ phim Quỷ dữ trước cổng của Khương Văn đoạt Giải thưởng lớn. Nam diễn viên Lương Triều Vỹ được vinh danh tại hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc với tác phẩm Tâm trạng khi yêu.
LHP Cannes còn chứng kiến sự thăng hoa của nữ diễn viên Trương Mạn Ngọc khi cô thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc trong tác phẩm Clean. Đây là những thành tích đáng nể của điện ảnh Hoa ngữ tại các kỳ LHP Cannes và được truyền thông thế giới đánh giá cao.
Tuy nhiên, từ năm 2015, các tác phẩm của Trung Quốc tại LHP Cannes trở nên thưa thớt và không nổi bật. Năm 2019, bộ phim Cuộc gặp gỡ ở bến xe phía Nam do Điêu Diệc Nam đạo diễn, Hồ Ca, Quế Luân Mỹ, Vạn Thiến, Liêu Phàm… đóng chính lọt vào danh sách phim tranh giải. Đây là lần cuối cùng các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc tề tựu trên thảm đỏ Cannes. Cũng trong năm này, bộ phim Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon Ho giúp điện ảnh Hàn Quốc lần đầu tiên giành được giải Cành cọ vàng, còn phim Hoa ngữ ra về tay trắng.
Năm 2020 và 2021, Trung Quốc mang đến LHP Cannes phim Striding into the Wind, Streetwise, Ripples of Life của Ngụy Thư Vận và Na Gia Hựu. Các tác phẩm này đều chiếu ở bên ngoài trung tâm hội nghị Le Palais.
Những ngôi sao Trung Quốc được quan tâm nhất tại các kỳ LHP Cannes chính là Củng Lợi, Chương Tử Di, Phạm Băng Băng. Số còn lại tìm cách đến Cannes dù không có phim tranh giải chỉ với mục đích nâng cao danh tiếng, cố gắng tạo sức hút với truyền thông quốc tế. Điều này khiến nhiều ngôi sao Hoa ngữ rơi vào tình trạng bị phóng viên quốc tế "ngó lơ" trên thảm đỏ.
Củng Lợi là một trong những ngôi sao Trung Quốc nổi tiếng nhất thế giới, cô có nhiều phim được đề cử tại các giải thưởng danh giá trên thế giới. Năm 1997, Củng Lợi trở thành giám khảo của LHP Cannes, nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế. Cô từng được chọn là Chủ tịch ban giám khảo của LHP Berlin, Venice, tham gia vào nhiều các hoạt động về lĩnh vực phim ảnh quốc tế.
Sự xuất hiện trên thảm đỏ Cannes của Củng Lợi luôn thu hút ống kính của phóng viên quốc tế. Họ cũng không ngần ngại khen tặng minh tinh 56 tuổi là "nữ hoàng" nhờ phong cách quý phái, sang trọng.
Chương Tử Di cũng là một ngôi sao được truyền thông quốc tế quan tâm và dành sự ưu ái mỗi lần tham dự các kỳ LHP Cannes. Cô đã ba lần được mời làm giám khảo tại LHP Cannes. Không cần xuất hiện với những bộ trang phục khoa trương màu mè, các phụ kiện kim cương nặng trĩu tiền tỷ, Chương Tử Di vẫn hút trọn ống kính ký giả quốc tế bởi cô thực sự là một cái tên có tiếng với điện ảnh thế giới.
Phạm Băng Băng cũng được truyền thông quốc tế khen ngợi trong những lần tham dự LHP Cannes. Sự sáng tạo từ kiểu tóc, trang điểm, trang phục trong những lần xuất hiện của Phạm Băng Băng luôn được đánh giá cao. Năm 2017, cô được chọn làm giám khảo của LHP Cannes. Đây cũng là lần cuối cùng mỹ nhân họ Phạm tham dự một kỳ LHP Cannes bởi sau đó, người đẹp vướng bê bối trốn thuế, bị phạt 130 triệu USD và rơi cảnh bị cấm sóng.
Lý giải sự mờ nhạt của điện ảnh Trung Quốc tại Cannes
Theo Sina, điện ảnh Trung Quốc đang sa sút vị thế ở các liên hoan phim lớn khi chất lượng các sản phẩm điện ảnh của Trung Quốc không được đánh giá cao, không gây ấn tượng. Lý giải điều này, các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh của quốc gia tỷ dân cho rằng, lứa nghệ sĩ, diễn viên mới của Trung Quốc thiếu những tài năng điện ảnh thực sự.
Các bộ phim được sản xuất của Trung Quốc nhiều năm gần đây chỉ sử dụng các diễn viên có lưu lượng, fan hâm mộ đông đảo để đảm bảo doanh thu phòng vé, thiếu những gương mặt thực sự có năng lực diễn xuất. Những dự án được sản xuất với mục đích kiếm tiền, phục vụ thị hiếu cho thị trường tỷ dân hầu hết không đáp ứng chuyên môn nghệ thuật để tranh giải ở Cannes hay các giải thưởng điện ảnh quốc tế.
Các chuyên gia cũng lý giải, ngoài việc quá thương mại hóa, việc điện ảnh Trung Quốc quá chú trọng thị trường trong nước cũng khiến phim Trung Quốc khó "vươn ra thế giới". Hiện tại, đa số phim Trung Quốc đều xác định mục tiêu là thị trường nội địa, doanh thu phòng vé ở nước ngoài có xu hướng sụt giảm. Theo QQ, năm 2021, doanh thu phòng vé ở nước ngoài của phim Trung Quốc chỉ chiếm tỷ lệ 6% so với doanh thu phòng vé trong nước. Việc xem nhẹ thị trường hải ngoại cũng khiến điện ảnh Hoa ngữ bị ghẻ lạnh khi ra quốc tế.
Bên cạnh đó, thể loại phim võ hiệp - thế mạnh của điện ảnh Hoa ngữ đang ngày càng thoái trào. Các bộ phim võ hiệp của Trung Quốc từng giành giải tại các sự kiện điện ảnh quốc tế có thể kể tới Ngọa hổ tàng long, Anh hùng, Nhất đại tông sư, Nhiếp Ẩn Nương. Khi lợi thế duy nhất của điện ảnh Hoa ngữ trở nên thoái trào, việc các tác phẩm của Trung Quốc ghi dấu ấn tại Cannes hay các giải thưởng điện ảnh quốc tế cũng trở nên khó khăn.
Theo Sina, đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến nghệ sĩ Trung Quốc vắng bóng tại liên hoan phim quốc tế và các sự kiện nghệ thuật quốc tế gần đây. Biện pháp chống dịch nghiêm ngặt theo chiến lược "Zero Covid" cản bước các ngôi sao dự LHP Cannes. Theo đó, các nghệ sĩ từ nước ngoài muốn nhập cảnh vào Trung Quốc phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày. Do vậy, quyết định dự các sự kiện quốc tế khiến nhiều nghệ sĩ Trung Quốc phải cân nhắc.
Bên cạnh các nghệ sĩ chính thống được mời tham dự Cannes với tư cách có phim tranh giải, nhiều ngôi sao của Trung Quốc đến Cannes qua lời mời của các nhãn hàng. Đây là cách nhiều ngôi sao xứ tỷ dân như Dương Mịch, Cổ Lực Na Trát, Lý Vũ Xuân, Côn Lăng, Lưu Đào sử dụng để đến Cannes trong quá khứ. Tuy nhiên, do yêu cầu cách ly y tế vì dịch bệnh nghiêm ngặt, hiện các ngôi sao Hoa ngữ hiếm khi chấp nhận đánh đổi thời gian, sắp xếp lại lịch trình làm việc để tới Cannes trong vài ngày.
Trong quá khứ, một số ngôi sao kém tên tuổi của Trung Quốc có thể phải bỏ hàng nghìn USD để mua vé dự thảm đỏ. Song, do tình hình dịch bệnh, các hoạt động nghệ thuật bị hạn chế, thu nhập của nghệ sĩ sụt giảm, việc chi tiền để tới Cannes không còn nằm trong lựa chọn của họ vào thời điểm này.