Khi “đại thụ làng ảnh” bị nghi… Photoshop
(Dân trí) - Những ngày này, giới yêu nhiếp ảnh trên khắp thế giới đang xôn xao tranh luận trước thông tin “cây đại thụ” nổi tiếng của làng ảnh quốc tế - tay máy lừng danh người Mỹ Steve McCurry - cũng… Photoshop ảnh.
Dù chuyện sử dụng Photoshop trong giới nhiếp ảnh không có gì mới lạ, nhưng với tay máy nổi tiếng như Steve McCurry, việc phải viện tới Photoshop là điều gây bất ngờ.
Dù hiện tại, có nhiều cách lý giải cho những gì đã xảy ra với một số bức ảnh của McCurry thì câu chuyện “đạo đức người cầm máy” vẫn đang tiếp tục thu hút tranh luận trên khắp các diễn đàn nhiếp ảnh.
Steve McCurry “lao đao” trước nghi vấn Photoshop
Để hình dung về tầm vóc của Steve McCurry trong làng ảnh thế giới, có thể nói ngay ông là một tượng đài lớn, là một ngôi sao của giới nhiếp ảnh. Trong cuộc đời cầm máy của mình, ông đã thực hiện nhiều bộ ảnh nổi tiếng nhưng nổi tiếng nhất là bức “Cô gái Afghanistan” với cả một câu chuyện dài đằng sau bức ảnh xoay quanh số phận cô gái.
Đây là một bức ảnh chân dung trứ danh, một hình bìa kinh điển của tờ tạp chí danh tiếng National Geographic (Mỹ), và cũng là bức ảnh nổi tiếng nhất từng được chụp bởi một phóng viên ảnh tin tức.
Trong sự nghiệp kéo dài hơn 3 thập kỷ, Steve McCurry đã mạo hiểm với đề tài nhiếp ảnh chiến tranh, đã chụp hơn một triệu bức ảnh tin tức và du lịch. Ông là một trong những phóng viên ảnh nhận được nhiều giải thưởng nhất mọi thời đại và là một “siêu sao” trong giới những người cầm máy.
Tuy vậy, thời gian gần đây, sự nghiệp của McCurry đang phải trải qua một vụ lùm xùm Photoshop ảnh - lỗi kiêng kỵ đối với những nhiếp ảnh gia danh tiếng.
Quan niệm cơ bản nhất về ý nghĩa của nhiếp ảnh, đó là một phương tiện giúp con người hiểu về chính mình và thế giới xung quanh. Vì vậy, nhiếp ảnh tin tức đòi hỏi sự trung thực tuyệt đối, chỉ cần tác giả chỉnh sửa ảnh đôi chút, ranh giới giữa “thật” và “không thật” đã bị xóa nhòa.
Nếu quả thực McCurry chủ ý sử dụng Photoshop đối với những bức ảnh của mình, thì tượng đài lớn trong làng ảnh đang bị lung lay. Đó là lý do tại sao khi phát hiện ra dấu hiệu Photoshop trong ảnh của ông, làng ảnh thế giới lại xôn xao đến vậy.
Trong giới báo chí quốc tế, những chuẩn mực đối với ảnh của một phóng viên ảnh tin tức là rất nghiêm ngặt, chỉ cần bị phát hiện Photoshop một chi tiết rất phụ, cũng có thể bị đuổi việc khỏi tòa báo, những trường hợp như vậy đã từng xảy ra và được các tờ báo nổi tiếng công khai như một cách thể hiện tiêu chí trung thực của họ trong việc sử dụng ảnh.
Scandal của Steve McCurry đã nổ ra như thế nào?
Những rắc rối lùm xùm khởi nguồn từ một buổi triển lãm ảnh của Steve McCurry diễn ra ở Ý. Một nhiếp ảnh gia người Ý có tên Paolo Viglione đã đến xem triển lãm và nhận thấy có “sạn” trong một bức ảnh mà McCurry chụp ở Cuba.
Cẳng chân dưới của một người đàn ông bị nhòa mờ vào bậc thang và một dải màu vàng xuất hiện ở nơi đáng lẽ phải là… cái cẳng chân. Dải màu vàng này giống hệt cây cột chỉ đường đứng bên cạnh. Dấu hiệu rõ ràng của một hành động Photoshop cẩu thả. Viglione liền viết về những gì mình đã nhìn thấy lên blog cá nhân.
Anh này không hề tỏ ý công kích đối với McCurry mà chỉ tỏ ra thích thú vì đã “bắt lỗi” được một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Chính Viglione cũng không thể ngờ rằng đăng tải của mình đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi lớn nổ ra trong giới nhiếp ảnh quốc tế. Những chuyên trang nhiếp ảnh bắt đầu tung ra hàng loạt bài xoay quanh phát hiện của Viglione.
Vì là một nhiếp ảnh gia thường xuyên rong ruổi trong những chuyến hành trình, nên trong suốt quãng thời gian kể từ khi scandal xảy ra đến nay, McCurry vẫn rất kiệm lời, không đưa ra nhiều sự giải thích, vì quả thực, ông còn đang bận việc.
Tuy vậy, McCurry đã gửi tới báo chí một chia sẻ chi tiết về nghi án ông Photoshop ảnh, trong đó, ông định nghĩa các tác phẩm ảnh của mình thuộc thể loại “visual storytelling” (kể chuyện qua ảnh) và cho biết bộ ảnh chụp ở Cuba (bộ ảnh này chứa bức ảnh gặp lỗi Photoshop ở trên) được ông chụp đơn thuần vì sở thích cá nhân.
Nhiếp ảnh gia Steve McCurry cho biết: “Tôi đã cố tham gia thật nhiều vào quá trình biên tập và giám sát in ảnh đối với các tác phẩm của mình, nhưng nhiều khi các bản in được thực hiện khi tôi đang ở xa. Đó là những gì đã xảy ra trong trường hợp này.
“Dù vậy, không cần phải bàn cãi thì những gì đã xảy ra với bức ảnh này (bức ảnh chụp ở Cuba) là một lỗi mà tôi cần phải chịu trách nhiệm. Tôi đã tiến hành những bước cần thiết để thay đổi quy trình làm việc ở studio của mình, để tránh những việc tương tự như thế này tái diễn”.
Như vậy, McCurry đã không định nghĩa các tác phẩm ảnh của mình là “ảnh báo chí”, mà thay vào đó, ông gọi đây là những tác phẩm “kể chuyện bằng ảnh”; ông cũng giải thích rằng bức ảnh chụp ở Cuba “bị dính sạn” chỉ mang ý nghĩa cá nhân; thêm nữa, McCurry cũng không biết về sự chỉnh sửa đã diễn ra tại studio ảnh của mình trong lúc ông đang đi tác nghiệp ở xa…
Bà Bonnie McCurry V'Soske - chị gái của nhiếp ảnh gia Steve McCurry, cũng đồng thời là người quản lý studio ảnh của ông đã lên tiếng trả lời phỏng vấn báo chí rằng: “Steve không còn là phóng viên ảnh nữa. Cậu ấy đã không còn ở trong lĩnh vực đó nhiều năm nay rồi… Liệu chúng ta có quyền lấy đi của cậu ấy sự tự do để được làm những gì mình thích với các tác phẩm ảnh của mình hay không? Khi những tác phẩm ấy đã chẳng còn thuộc đề tài báo chí?”.
Bà V'Soske cũng chỉ ra rằng nhiều tay máy có tiếng khác cũng không hoàn toàn tuân thủ theo những tiêu chuẩn trung thực tuyệt đối của nhiếp ảnh báo chí. Tuy vậy, cách giải thích này không khiến câu chuyện dừng lại. Các chuyên trang nhiếp ảnh bắt đầu lần lại các bức ảnh của ông và tìm thấy những dấu hiệu thêm nữa của việc chỉnh sửa.
Người trong giới nói gì?
Những ngày này, tranh luận xung quanh những bức ảnh của Steve McCurry diễn ra rộng khắp trên các diễn đàn nhiếp ảnh, hãy lắng nghe một tay máy nhà nghề nói về điều này.
Phóng viên ảnh Candice Cusic - người từng được trao giải thưởng danh giá của báo chí Mỹ - giải Pulitzer - cùng với nhóm phóng viên của tờ Chicago Tribune hồi năm 2000, hiện là giảng viên báo chí hình ảnh ở trường Đại học Northwestern (Mỹ) cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở việc người ta đang hình tượng hóa vẻ đẹp thẩm mỹ hoàn hảo đối với ảnh của McCurry.
Người xem ảnh đã luôn kỳ vọng quá nhiều, nhiều khi vượt lên trên thực tế về những miền đất McCurry từng đi qua. “Tôi ghét việc nhiếp ảnh gia phải cố gắng hết sức để ảnh của mình trở nên đẹp hoàn hảo. Tôi nghĩ đó chính là khi người ta bắt đầu phải dối trá” - cô Candice Cusic nhận định.
Là một phóng việc ảnh, cô Cusic thấy rằng những thế hệ phóng viên ảnh trẻ hiện nay thường tìm nguồn cảm hứng từ sự nghiệp của những huyền thoại đi trước, và chính những bức ảnh đẹp hoàn hảo của người đi trước lại trở thành những ví dụ đầy thách thức đối với thế hệ cầm máy đi sau, “để được hoàn hảo như thần tượng, nhiều khi phóng viên ảnh tìm tới Photoshop”.
Trong kỷ nguyên “nhiếp ảnh Photoshop”, nhiều tai nạn nghề nghiệp trong giới phóng viên ảnh đã được biết tới, có những phóng viên ảnh đã bị nghỉ việc tại các hãng tin danh tiếng chỉ bởi họ đã sử dụng Photoshop trong ảnh tin tức, tất cả những vụ việc này đều được công khai như một bằng chứng cho thấy sự tôn trọng yếu tố trung thực trong nhiếp ảnh báo chí của các hãng tin.
Trong khi nhiều tay máy vẫn áp dụng những chỉnh sửa nhỏ đối với sắc độ ảnh thì việc thay đổi những yếu tố mang tính chất thông tin trong ảnh lại là một điều cần tránh.
Vậy cuối cùng, việc Steve McCurry chỉnh sửa ảnh có phải câu chuyện lớn của giới nhiếp ảnh không? Điều đó có khiến thành tựu nhiếp ảnh trước nay của ông bớt đi sự vẻ vang không? Và ông có còn là một tượng đài huyền thoại trong giới cầm máy nữa không? Điều đó hoàn toàn dựa vào cách nhìn nhận của mỗi người.
Bích Ngọc
Theo Tech Insider