Khi "Cá tra và nón lá" có sức hút mãnh liệt với người đọc...

(Dân trí) - Andrew Pham (người đã dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Anh) đã viết "Cá tra và nón lá" bằng những nỗi đau ẩn ức trong tâm hồn. Từ những nỗi đau ấy, sách của anh đã có được sức hút mãnh liệt...

Câu chuyện cảm động của tác giả “Cá tra và nón lá”



Andrew Xuan Pham lớn lên và trưởng thành ở Mĩ, anh là một kỹ sư hàng không vũ trụ, làm nhiệm vụ sửa chữa máy bay cho hãng United Airlines trước khi chính thức chuyển sang nghiệp viết văn.

Anh tình cờ tìm tới văn chương khi đang tiếp tục học lên. Việc người chị chuyển giới của Pham tự tử là một cú sốc khiến Pham có nhiều thay đổi từ đây. Anh đã sống và viết cuốn truyện Catfish and Mandala (Cá tra và nón lá) trong thời gian qua lại ở vùng biên giới Thái-Lào. Giờ anh sống trong một nông trại của riêng mình bên bờ sông Mekong. Anh dạy học và đôi khi rong ruổi trên chiếc xe đạp, thực hiện những chuyến hành trình tới Thái, Lào, Campuchia. Công việc mà anh đang theo đuổi là viết những cuốn sách truyện về Đông Nam Á, trong mỗi cuốn sách truyện mang hơi hướng du lịch đó, anh lại lồng vào những câu chuyện cuộc đời mình, những trải nghiệm của mình tại Việt Nam, Thái, Lào, Campuchia. Đáng nói nhất trong những cuốn sách đầu tay của Pham là cuốn Catfish and Mandala.

Nó đã giành được nhiều giải văn học tại Mĩ và được nhiều thời báo đưa vào danh sách những truyện ngắn bán chạy nhất, đáng chú ý nhất, là phát hiện văn học của năm… Catfish and Mandala là cuốn sách thu hút độc giả, được đánh giá cao trong những sách cùng xuất bản năm 1999 ở Mĩ. Nó đã lọt vào top 10 những cuốn sách hay nhất được xuất bản trong năm theo đánh giá của nhiều thời báo và tạp chí, tờ Los Angeles Times còn bình chọn đây là cuốn sách được yêu thích nhất trong năm 1999.

Catfish and Mandala là câu chuyện cảm động và vô cùng thú vị về những nơi tác giả đi qua. Pham chán ngán với cuộc sống của một kỹ sư hàng không, anh đã leo lên xe đạp và thực hiện cuộc hành trình dọc bờ Tây nước Mĩ. Sau đó anh bay tới Nhật, du lịch xe đạp ở đây, rồi bay tới Hồ Chí Minh Hà Nội để tiếp tục những chuyến du ngoạn trên xe đạp. Những mạo hiểm xuất hiện trong chuyến đi được kể lại rất thú vị, vì vậy nó được xếp vào thể loại sách du lịch.

Sau cả chuyến hành trình, Pham nhận ra rằng “Bạn không thể quay về nơi "chôn rau cắt rốn" được nữa, bởi một khi bạn đã bỏ nơi đó ra đi, khi quay trở về bạn không còn nhận ra nó nữa”. Sự nhạy cảm quá mức của “kẻ chạy đi”, ánh nhìn xa lạ của “người ở lại” khiến hai bên cảm thấy bên kia quá cách xa mình. Trong cuốn truyện này, có một điểm đặc biệt, khác với những cuốn sách khác, đó là tác giả phản ánh sự việc từ góc độ của “kẻ chạy đi”, trước đây ta thường đọc những tác phẩm viết từ lăng kính của “người ở lại”. Câu chuyện gần như là một chuyến hành hương tìm lại tâm hồn xưa cũ, ngủ sâu trong tiềm thức của mình.

Điều khiến cho cuốn sách thêm phần đặt biệt chính là chuyến du lịch song hành của hai miền ký ức, những trải nghiệm trong chuyến du lịch xe đạp vòng quanh Việt Nam của anh lồng ghép với những ký ức còn sót lại về Tổ quốc sau chuyến vượt biên năm 1977 khi tác giả mới 10 tuổi. Một con thuyền của ngư dân Indonesia đã cứu cả gia đình Pham khỏi chết đuối khi con tàu vượt biên bị đắm. Họ đã phải sống một thời gian dài ở trại tị nạn trên đất nước Indonesia. Sau đó, cuộc sống khắc nghiệt ở San Jose, bang California lại thử thách cả gia đình. Chi, chị gái của tác giả đã chuyển giới khi sang tới Mĩ và sau đó nhiều năm, chị đã tự tử. Những thành viên khác trong gia đình tuy đạt được nhiều thành công trên đất Mĩ, nhưng trong sâu thẳm, tâm hồn mỗi người đều chịu đựng những mất mát.

Andrew X. Pham


Andrew X. Pham

Pham sau tất cả những chuyện bất hạnh đã qua, anh trở thành người đàn ông cứng cỏi cả về thể chất và tinh thần. Anh đạt được nhiều thành tựu bằng chính sức mạnh mà những nỗi đau trong quá khứ và những ác mộng từ chuyến vượt biên đem lại. Anh mạnh mẽ hơn những thành viên khác trong gia đình.

Pham yêu mến những cụ già Việt Nam mà anh gặp trong chuyến hành trình quay về quê hương, nhưng anh cũng yêu quý những người Mĩ gốc Việt cao tuổi- hàng xóm của gia đình anh bên Mĩ. Đối với Pham, không có bên nào đúng, bên nào sai, chỉ có có tình yêu thương giữa con người dành cho nhau, và tất cả đều có những nỗi khổ tâm riêng của mình, cần phải được cảm thông dưới cái nhìn độ lượng.

Dường như chuyến đi của Phạm là để hiểu rõ hơn nỗi đau đớn mà các thành viên trong gia đình đã phải âm thầm chịu đựng suốt những năm qua, nó khiến anh có cái nhìn rõ hơn về những vấn đề trong cuộc sống của mình và của cả gia đình. Chuyến đi của anh qua nhiều vùng đất, tới nhiều quốc gia cũng cho thấy một phong cách sống mới của người trẻ, những người theo chủ nghĩa “xê dịch”: họ đi du lịch rất nhiều, có thể sống ở bất cứ đâu, nhưng không nơi nào thực sự là nhà của họ. Anh bị coi là người xa lạ, là khách du lịch ở tất cả những nơi đặt chân đến, bất kể anh có cùng màu da, thứ tóc với họ. Bởi anh không thực sự thuộc về thế giới của họ, hay thật ra Pham không thực sự thuộc về một đất nước, một dân tộc nào. Anh cô đơn trong chính những chuyến hành trình không ngừng nghỉ của mình.

Cuốn sách được viết nhẹ nhàng và tình cảm, nó tự bộc lộ chân thực và dung dị những nỗi đau trong tâm hồn tác giả và giành được giải Kiriyama Pacific Rim Book Prize. Đây là giải thưởng văn học có nhiều uy tín, nhằm quảng bá những cuốn sách giúp hàn gắn các vết thương giữa con người do chiến tranh, sắc tộc gây nên. Giải thưởng này đặc biệt ưu tiên những tác phẩm kết nối người dân ở bờ Tây nước Mĩ và những cư dân ở vùng Nam Á. Vì vậy, Catfish and Mandala ngay sau khi xuất bản đã được giải này vinh danh.

Chắc chắn, ai đọc xong cuốn sách này cũng sẽ học được một điều gì đó và xúc động trước những mảnh đời, những câu chuyện được Pham nhắc tới.

Tờ Times nhận xét “cuốn sách là sự gặp gỡ của hai phong cách Jack Kerouac và Wild Swans” (Kerouac là một nhà văn Mĩ, Wild Swans là sách truyện của một nữ nhà văn Trung Quốc sống ở Anh). Kerouac luôn tin rằng những chuyến đi sẽ mang lại câu trả lời cho con người, khi gặp vấn đề rắc rối trong cuộc sống, hãy lên đường, bạn sẽ tìm được lời giải đáp cho mình. Trong trường hợp của Pham, hành trình đưa anh về Việt Nam, nơi từ đó gia đình anh đã “đào tẩu, chạy trốn” khiến anh thông suốt được nhiều điều.

“Nước Mĩ khiến gia đình tôi vượt đại dương mênh mông, sống chui lủi nhục nhằn như những con gián, và rồi nước Mĩ lại cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi mặc”. Nhưng nếu nước Mĩ cho gia đình Pham những điều sung sướng về vật chất thì đồng thời nó cũng gây ra những tổn thương về tinh thần.

Đây là lúc phong cách trong cuốn Wild Swans với phép so sánh hai chiều xuất hiện. Chỉ bằng cách nhìn thẳng vào những chuyện đã xảy ra, những bi kịch đã đến với gia đình mình, Andrew Pham mới bắt đầu hiểu được tại sao người chị chuyển giới của mình lại chọn cái chết để kết thúc những đau khổ trong đời, chị đã trải qua điều gì ghê ghớm để phải đi tới một quyết định như thế.

 
Andrew X. Pham
Andrew X. Pham

Những cảm xúc tinh tế về trách nhiệm, áp lực phải tìm ra câu trả lời cho những bế tắc của mình và song hành cùng nó là quá trình tự hàn gắn vết thương khiến văn phong của cuốn sách được tờ Independent miêu tả như một thứ thuốc gây nghiện khiến độc giả không thể rời mắt khỏi trang sách. Một số đoạn văn mang màu sắc u ám, đau thương được tờ Sunday Times đánh giá cao vì Pham có cái nhìn sáng suốt như một người ngoài cuộc vào những vấn đề rối rắm, bế tắc mà trong đó, anh là nhân vật chính. Pham có xúc cảm tốt để viết văn. Anh rất công bằng khi đưa ra cái được và cái mất của mình khi đến Mĩ.

Tờ Times còn dành những lời ưu ái cho “Catfish and Mandala” rằng đây không phải là một cuốn sách dành riêng cho Việt Nam mà là một tác phẩm được nền văn học Mĩ đương đại đón nhận và yêu mến bởi nó đề cập đến cuộc chiến tranh Việt Nam từ góc độ đời thường, bình dị của một “nạn nhân”, một người bình thường sống trong giai đoạn hậu chiến, chứng kiến rõ ràng và trải nghiệm đầy cảm xúc từ những biến cố lớn lao đó trong lịch sử.

Tờ New Yorker cho rằng cuốn sách này không nên bị phân loại, nó không thuộc thể loại sách du lịch hay bất cứ thể loại sách nào khác. “Trong giọng kể đầy tình cảm của Pham, sự trưởng thành dần dần của nhân vật trong suốt chuyến hành trình là sự trưởng thành mà mọi con người đều có thể hiểu và đồng cảm khi họ đã từng trải qua mất mát đau thương và muốn hàn gắn lại vết thương âm ỉ đó trong tâm hồn”.

Những độc giả là người Mĩ gốc Việt đăng ký mua sách này trên trang amazon.com rất đông. Họ để lại nhiều lời bình luận rất xúc động, một trong những bình luận đó là của một cựu binh Việt Nam theo chính quyền Nguỵ. Ông luôn tự hỏi đất nước đã phát triển đến nhường nào, những người họ hàng ở quê nhà giờ sống ra sao. Ông đã mất liên lạc với họ, muốn trở về quê hương nhưng mặc cảm bản thân khiến ông chỉ dám đau đáu hướng về quê nhà.

Ông chính là một ví dụ điển hình của những người Việt vượt biên khi tuổi đã cao, họ rất nặng lòng với quê hương, nhưng vết sẹo tâm hồn khiến họ không dám đối diện lại vết thương một lần nữa. Đó là thử thách mà Pham đã làm được và giờ đây, qua cuốn sách của anh, ông đã hình dung ra đất nước trong thời kỳ mới, những người họ hàng của ông chắc cũng đang sống như những nhân vật được miêu tả trong sách của Pham. Ông đã về thăm lại đất nước, quê hương và người thân bằng cuốn sách “Cá tra và nón lá” của anh.

Catfish and Mandala đã được dịch sang tiếng Đức và tiếng Pháp. Hiện tại, cuốn truyện vẫn chưa được các nhà xuất bản dịch sang tiếng Việt. Sau thành công với tác phẩm đầu tay, Andrew Pham tiếp tục viết những cuốn sách về du lịch ở vùng Đông Nam Á trong đó thường xuất hiện những nhân vật đã sống qua thời kỳ chiến tranh với những tâm tư, ký ức khắc khoải. Andrew dường như có duyên với chủ đề này, năm 2008, Andrew Pham là nhà văn đã dịch Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm sang tiếng Anh.
 
Hồ Bích Ngọc
Theo Kiriyama Prize