Khán giá nhí thích thú nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập"
(Dân trí) - Thế giới của "Ông lão đánh cá và con cá vàng" được sáng tạo, thay cá vàng bằng cá mập, phát triển nội dung theo hướng "phản cổ tích" là cách các nghệ sĩ biến câu chuyện quen thuộc trở nên lạ lẫm.
Vở nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" đã chính thức được công diễn trong hai đêm (1/6 và 2/6/2022) tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội).
Kịch bản "Ông lão đánh cá và con cá mập" được viết dựa trên nền tảng từ truyện cổ tích nổi tiếng thế giới "Ông lão đánh cá và con cá vàng".
Từ đây, "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng đã phát triển thêm những nội dung mới và đảo chiều với tinh thần "phản cổ tích" nhằm tạo ra "phiên bản" truyện cổ tích hiện đại, gần gũi với đời sống, tiếp cận khán giả nhỏ tuổi.
Có thể hiểu "phản cổ tích" là lấy cảm hứng, sử dụng tình tiết từ truyện cổ tích nổi tiếng, sau đó phát triển thêm những nội dung mới, thậm chí có thể đảo chiều để gây cảm giác vừa lạ, vừa quen.
Với thời lượng khoảng 45 phút, vở nhạc kịch có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ sở hữu giọng hát đầy nội lực nhưng lần đầu tiên thử sức trong loại hình sân khấu nhạc kịch như: Ca sĩ Đông Hùng (cá mập bố), ca sĩ Trung Dũng (ông lão), ca sĩ Thu Hiền VK (bà lão)...
Bên cạnh đó, vở diễn còn có sự tham gia của nhiều tài năng nhí hóa thân vào tuyến nhân vật như: Cá mập con, cá hề, cá vàng, cá bạc, cá khuyến khích, nhóm phù du...
Việc đưa trẻ em vào diễn cho trẻ em là cách làm không mới nhưng luôn hiệu quả, từ đó tạo ra sự gần gũi, dẫn dắt các em nhỏ đi vào "thủy cung của các loài cá" một cách tự nhiên. Từ đó truyền tải thông điệp của vở nhạc kịch.
Các khán giả nhí đã thưởng thức vở nhạc kịch với sự say mê và những tràng cười sảng khoái.
"Câu chuyện này đáng lẽ phải là "Ông lão đánh cá và con cá vàng", thay cá vàng bằng cá mập là cách chúng tôi biến câu chuyện quen thuộc trở nên lạ lẫm. Cái gì không bình thường sẽ thu hút nhiều hơn", "Giáo sư Xoay" chia sẻ.
Tham gia nhạc kịch ở góc độ cố vấn nghệ thuật, NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, luôn có sự định hướng chặt chẽ để ê-kíp đi đúng tôn chỉ, mục đích nhân văn như ban đầu đặt ra.
"Vở nhạc kịch được thể hiện dưới góc nhìn và hình thức mới mẻ để tiếp cận các em thiếu nhi đồng thời lồng ghép vào đó những thông điệp nhân văn một cách tinh tế, khéo léo; qua đó giáo dục các em về tình người, về lòng nhân ái, khuyến khích các em nhỏ không ngừng mơ ước và nỗ lực lao động để thực hiện ước mơ của chính mình", bà Trần Ly Ly khẳng định.
Ông lão đánh cá và con cá mập đặc biệt thu hút bạn nhỏ hơn bởi tài năng của đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng. Sân khấu chương trình huyền ảo với đại dương xanh bao la, với những lời thoại, ca khúc rất ý nghĩa. Có mặt trong đêm ra mắt vở nhạc kịch, anh Hoài Đăng ở Thanh Xuân chia sẻ: "Tôi thấy đây là một vở kịch ý nghĩa với gia đình tôi. Dịp nghỉ hè, các con ở nhà nhiều lại mải mê điện thoại, ipad... nhưng thông qua đêm diễn này, các con tôi lại có dịp tìm hiểu thêm những câu chuyện hay như Ông lão đánh cá và con cá vàng, được lắng nghe nhiều ca khúc hay nữa. Tôi rất mong có thêm nhiều vở diễn cũng như các sản phẩm giải trí ý nghĩa dành cho con trẻ như Ông lão đánh cá và con cá mập trong dịp hè này".