"Giáo sư Xoay" cân não với nhạc kịch "phản cổ tích" sau sự cố của Sơn Tùng

Phương Nhung

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về áp lực khi viết nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập", "Giáo sư Cù Trọng Xoay" cho biết, anh phải cân nhắc từng câu từ, tránh chi tiết không phù hợp với trẻ em.

Lần đầu tiên, vở nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" với tinh thần "phản cổ tích" sẽ được công diễn tại Hà Nội vào dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay. Có thể hiểu "phản cổ tích" là lấy cảm hứng, sử dụng tình tiết từ truyện cổ tích nổi tiếng, sau đó phát triển thêm những nội dung mới, thậm chí có thể đảo chiều để gây cảm giác vừa lạ, vừa quen.

Đảm đương vai trò biên kịch, "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng chia sẻ niềm cảm hứng viết kịch bản: "Tôi là bố của hai cháu bé, đôi lúc muốn gần con và hiểu con thì mình cũng phải trở thành các con. Con xem gì tôi cũng xem, để phát hiện ra điều khiến các con mê mẩn, xem không chán như vậy.

Cái khó nhất với trẻ nhỏ là khiến các con thích mà vẫn giáo dục và định hướng được. Vì vậy, khi bắt tay vào viết kịch bản vở nhạc kịch này là một bài toán khó với bản thân tôi.

Lần mò, xoay trở, đánh vật mấy tháng tôi cũng hoàn thành với tinh thần "mình phải là một đứa bé".

Giáo sư Xoay cân não với nhạc kịch phản cổ tích sau sự cố của Sơn Tùng - 1

NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, "Giáo sư Cù Trọng Xoay" Đinh Tiến Dũng chia sẻ về vở nhạc kịch (Ảnh: Ban Tổ chức).

"Điều tôi yên tâm nhất là khi các con thưởng thức vở nhạc kịch này sẽ hoàn toàn thấy gần gũi, thư giãn, với tràng cười hồn nhiên. Các con sẽ nhớ tạo hình và tính cách của nhân vật bởi thấy giống mình và những người xung quanh.

Vở nhạc kịch này sẽ không có những tuyên ngôn, giáo điều, định kiến phải thế này, phải thế kia thì mới là người tốt khi mà cá mập - một hình tượng vốn bị mặc định là hung dữ, lại là người luôn bảo vệ và dung hòa tất cả", "Giáo sư Xoay" bày tỏ.

"Câu chuyện này đáng lẽ phải là "Ông lão đánh cá và con cá vàng", thay cá vàng bằng cá mập là cách chúng tôi biến câu chuyện quen thuộc trở nên lạ lẫm. Cái gì không bình thường sẽ thu hút nhiều hơn", "Giáo sư Xoay" nói thêm.

PV Dân trí đã đề cập đến câu chuyện nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP mới bị phạt hành chính và phải tiêu hủy MV dành cho giới trẻ có tình tiết gây tranh cãi, vậy khi thực hiện một sản phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo dành cho trẻ em, liệu ê-kíp nhạc kịch có dự cảm về một sự tranh cãi nào hay chưa. Làm thế nào để vở nhạc kịch đi đúng hướng, không gây ra tác động tiêu cực?

Giáo sư Xoay cân não với nhạc kịch phản cổ tích sau sự cố của Sơn Tùng - 2

Ê-kíp sản xuất và các diễn viên (Ảnh: Ban Tổ chức).

Biên kịch Đinh Tiến Dũng cho hay: "Các em nhỏ bây giờ không còn giống thế hệ chúng tôi trước đây, thế giới phẳng và sự phát triển của công nghệ, sự vượt trội về tư duy khiến các em có góc nhìn khác, cảm thụ cũng khác, đòi hỏi những người làm về văn hóa, giải trí cũng phải "xoay 180 độ" mới có thể theo kịp và tiếp cận.

Trong vở diễn sẽ có những vấn đề then chốt. Chúng tôi cũng đã lường trước, nếu không may, thời điểm lên sóng xuất hiện câu chuyện xã hội có chút tương đồng với chi tiết nào trong nhạc kịch thì phải xử lý ra sao.

Quá trình viết kịch bản, tôi liên tục nhờ vợ soát lại nội dung. Khi bà xã góp ý cách diễn đạt, chi tiết, từ ngữ nào không phù hợp với trẻ em, tôi cũng phải cân nhắc, điều chỉnh. Kể cả với vai diễn phản diện, ngôn ngữ đối thoại không thể ngọt ngào nhưng gai góc cũng cần vừa đủ, tránh những vết gợn".

"Giáo sư Xoay" cho hay, anh không thích nhân vật con cá vàng trong câu chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng". Con cá vàng đã thổi bùng lòng tham trong lòng bà lão và trả bà về với máng lợn cũ.

Anh cho rằng, ngày nay xuất hiện những "con cá vàng" ở khắp mọi nơi khiến chúng ta đôi khi đặt quá nhiều kì vọng vào cuộc sống của mình, trong khi thực tế không đáp ứng sẽ làm gia tăng nỗi bất hạnh. Xuất phát từ đó, anh tìm cách tiếp cận trực diện vấn đề để tăng tính phản biện.

Tham gia nhạc kịch ở góc độ cố vấn nghệ thuật, NSƯT Trần Ly Ly - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, luôn có sự định hướng chặt chẽ để ê-kíp đi đúng tôn chỉ, mục đích nhân văn như ban đầu đặt ra.

Bà Trần Ly Ly kể: "Là một người bạn chân tình tham gia cùng nhau nhiều dự án, tôi rất "mê" tinh thần làm nghề của anh Dũng. Tất cả những gì liên quan đến trẻ em, tôi đều rất hứng thú. Nếu bây giờ chúng ta vẫn tư duy theo kiểu trẻ em, bản thân chúng ta sẽ rất hạnh phúc".

Giáo sư Xoay cân não với nhạc kịch phản cổ tích sau sự cố của Sơn Tùng - 3

Nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" sẽ được công diễn trong hai đêm (1/6 và 2/6/2022) tại Hà Nội (Ảnh: Ban Tổ chức).

"Vở nhạc kịch được thể hiện dưới góc nhìn và hình thức mới mẻ để tiếp cận các em thiếu nhi đồng thời lồng ghép vào đó những thông điệp nhân văn một cách tinh tế, khéo léo; qua đó giáo dục các em về tình người, về lòng nhân ái, khuyến khích các em nhỏ không ngừng mơ ước và nỗ lực lao động để thực hiện ước mơ của chính mình", bà Trần Ly Ly khẳng định.

Theo bà Hồng Nhung - nhà sản xuất, vở nhạc kịch mong muốn truyền đạt thông điệp tích cực đến mọi đối tượng khán giả về ước mơ xuất phát từ chính nỗ lực của mỗi cá nhân và mỗi ngày sống đẹp chính là phép màu biến mọi ước mơ trở thành sự thực.