Khai mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019
(Dân trí) - Liên hoan có sự tham gia của 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước với 16 vở diễn.
Tối ngày 11/5, tại Nhà hát Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 đã chính thức khai mạc. Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải chia sẻ: “Trong bối cảnh nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta bằng khả năng, tâm huyết của mình hãy chung tay để bảo tồn, duy trì và phát triển nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc”. Đồng thời ông cũng mong muốn và tin tưởng các nghệ sĩ, diễn viên sẽ tích cực sáng tạo, đạt nhiều thành tích cao, để lại ấn tượng tốt đẹp cho các đại biểu, khán giả và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Ông Phạm Đăng Quyền - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ủy viên ban chỉ đạo Liên hoan phát biểu chào mừng Liên hoan
Cũng tại lễ Khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền đã phát biểu chào mừng: “Đây là ngày hội lớn của các nghệ sĩ Tuồng và Dân ca kịch trên cả nước về trổ tài và thể hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Liên hoan có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, quảng bá để phát huy giá trị nghệ thuật, phát huy truyền thống dân gian, dân tộc truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Đây còn là dịp để các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp nâng cao hoạt động sáng tác và biểu diễn. Liên hoan là sự kiện, là món quà tinh thần hết sức ý nghĩa của các nghệ sĩ trên nhiều miền quê của đất nước”.
NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và NSƯT Lê Chức – Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng hoa và cúp lưu niệm cho các đơn vị tham dự Liên hoan.
Tham gia Hội đồng nghệ thuật tại Liên hoan là những nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu, các đạo diễn, nghệ sĩ, họa sĩ gạo cội của cả hai loại hình nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch – những người “cầm cân nảy mực” công tâm và khách quan để “chọn mặt gửi vàng” cho những vở diễn, những nghệ sĩ, diễn viên thực sự xứng đáng, đó là: PGS.TS Trần Trí Trắc – Chủ tịch Hội đồng, NSND – Đạo diễn Giang Mạnh Hà - Ủy viên, NSND Minh Gái - Ủy viên, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh - Ủy viên, NDND – Họa sĩ Đỗ Doãn Châu - Ủy viên, NSND Hồ Thị Lệ Thu - Ủy viên, NSƯT – Đạo diễn Nguyễn Ngọc Quyền.
Liên hoan có sự tham gia của 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước với 16 vở diễn.
Vở diễn dự thi đầu tiên “Triết Vương Trịnh Tùng” – Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa.
Ngay sau lễ khai mạc là vở diễn dự thi đầu tiên của đơn vị chủ nhà - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa với vở Tuồng “Triết Vương Trịnh Tùng” (tác giả - Nguyễn Sỹ Chức; đạo diễn - NSND Lê Tiến Thọ). “Triết Vương Trịnh Tùng” là câu chuyện kể về toàn bộ cuộc đời nhân vật Trịnh Tùng, con trai thứ của Thế tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm và Thái phi Nguyễn Ngọc Bảo (con gái của Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công Nguyễn Kim), với hơn 53 năm phò tá nhà Lê trải qua 2 triều vua (từ thời Lê Anh Tông đến Lê Thế Tông). Vở tuồng như một nén tâm hương của các thế hệ con cháu những đời sau tưởng nhớ đến bậc đại thần họ Trịnh “Vị quốc báo Quân ân - Vì dân tròn trách vụ” thời Lê Trung Hưng. Và, đó chính là một tấm gương cho những công bộc hậu thế nghĩ về Danh Phận, nghĩ về hai chữ: Tôi Trung đối với Dân, với Nước trong giai đoạn hiện nay.
Chương trình nghệ thuật chào mừng khai mạc.
Các đơn vị dự thi tiếp theo tại Liên hoan lần lượt là: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế, Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế….vào các khung giờ 9h và 20h hàng ngày từ 11 đến 19/5. Đêm bế mạc vào 20h ngày 20/5.
Nguyễn Hằng