Hà Nam:

Khai mạc Lễ hội Chùa Tam Chúc Xuân Quý Mão

Đức Văn

(Dân trí) - Ngày 2/2, Ban Quản lý Chùa Tam Chúc đã tổ chức Khai hội Xuân chùa Tam Chúc Quý Mão 2023, với nhiều hoạt động như dâng hương cầu quốc thái, dân an; Lễ rước nước từ hồ Tam Chúc lên chùa Ngọc…

Xuân Quý Mão 2023 là lần thứ 5 Lễ hội chùa Tam Chúc được khôi phục tổ chức. Theo ban tổ chức, lễ hội phục dựng lại câu chuyện cách đây 1.000 năm trên tuyến đường hành hương kết nối di sản: Chùa Vàng - Tràng An - Cố đô Hoa Lư - Chùa Bái Đính - Vân Long (Ninh Bình) - Chùa Đồng Tâm (Hòa Bình) - Chùa Tam Chúc (Hà Nam) - Chùa Hương Sơn - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Khai mạc Lễ hội Chùa Tam Chúc Xuân Quý Mão - 1

Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đánh trống Khai mạc Lễ hội Chùa Tam Chúc.

Lễ khai mạc Hội Xuân Tam Chúc năm Quý Mão được diễn ra với các nghi thức dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa mạng bội thu mang lại đời sống an bình cho đồng bào, nhân loại.

Điểm nhấn tại lễ khai hội là nghi thức rước nước từ hồ Tam Chúc dâng lên các Điện và Chùa Ngọc. Đoàn rước nước đi thuyền rồng ra giữa hồ, nơi có cắm một cây nêu, đi quanh cây nêu 3 vòng và mang nước từ đó dâng lên các điện và chùa Ngọc. Nước được lấy ở nơi sâu nhất trong lòng hồ và là nguồn nước sạch nhất.

Khai mạc Lễ hội Chùa Tam Chúc Xuân Quý Mão - 2

Lễ rước nước từ hồ Tam Chúc dâng lên các Điện và Chùa Ngọc.

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Trụ trì Chùa Tam Chúc, lễ rước nước là một nghi thức truyền thống của địa phương, thường được tổ chức trong các lễ hội đầu xuân trên cả nước nói chung và chùa Tam Chúc nói riêng với ý nghĩa cầu nguyện cho năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người được bình an, năm mới hạnh phúc.

Khai mạc Lễ hội Chùa Tam Chúc Xuân Quý Mão - 3

Lễ rước nước là một nghi thức truyền thống, với ý nghĩa cầu nguyện cho năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa,.

Theo truyền thuyết, Ba Sao gắn với truyền thuyết "Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh". Theo đó, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc. Dân làng gọi đó là núi "Thất Tinh" và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa "Thất Tinh".

Trên 7 ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao, sáng lung linh. Sau đó người đến núi Thất Tinh đục đẽo, chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày hòng lấy đi 7 ngôi sao đó. 4 ngôi sao bị đốt nhiều nên bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, chùa Thất Tinh sau này được đổi thành chùa Ba Sao (chùa Tam Chúc) thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm